Thị trường thép sau 2 tuần “co giật”

(PLO) - Sau khi Bộ Công Thương áp thuế tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu, giá hai mặt hàng này trên thị trường bán lẻ đã tăng “chóng mặt”. Mức tăng từ 2 - 2,5 triệu đồng/tấn chỉ trong vòng nửa tháng khiến thị trường thép được dự báo tiếp tục “nhảy múa” trong thời gian tới.
Chiều qua (23/3), báo giá mỗi cây thép Úc loại D22 tại thị trường Hà Nội đều tăng cao
Chiều qua (23/3), báo giá mỗi cây thép Úc loại D22 tại thị trường Hà Nội đều tăng cao

Nhằm “cứu” ngành sản xuất thép trong nước, ngày 22/3 Bộ Công Thương ra quyết định áp thuế tự vệ tạm thời đối với hai loại thép nhập khẩu là phôi thép (23,3%) và thép dài (14,2%). Quyết định này được áp dụng trong thời gian 200 ngày.

Điều chỉnh giá... 2 lần/ngày

Lí do Bộ Công Thương đưa ra quyết định áp thuế tự vệ tạm thời nêu trên là bởi thời gian qua, hai loại này được nhập khẩu một cách ồ ạt vào Việt Nam với số lượng lớn, giá rẻ. Điều này ảnh hưởng đến sản xuất thép trong nước, đẩy nhiều doanh nghiệp vào nguy cơ phá sản.

Theo đó, năm 2015, lượng nhập khẩu phôi thép vào Việt Nam tăng hơn ba lần so với năm 2014 (từ 590 nghìn tấn lên 1,89 triệu tấn); lượng nhập khẩu thép dài tăng gần 50% (từ 900 nghìn tấn lên 1,3 triệu tấn). Trong hai tháng đầu năm 2016, hai loại thép này tiếp tục được nhập khẩu với số lượng tăng “chóng mặt”. Riêng trong tháng 1/2016, phôi thép nhập khẩu là 339,768 tấn, tăng 231,83% so với tháng 1/2015. Số lượng nhập khẩu tăng nhưng giá lại giảm 67,6% so với cùng kỳ 2015. 

Trong khi đó, ngành sản xuất thép trong nước rơi vào tình trạng đình trệ và ì ạch. Năm 2015, lượng sản xuất phôi thép trong nước chỉ tăng hơn 1% so với năm 2014. Sản xuất thép trong nước chỉ hoạt động được bằng một nửa so với công suất thiết kế. Nhiều doanh nghiệp lao đao khi không đủ sức cạnh tranh với giá thép rẻ ngoại nhập.

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương quyết định áp dụng biện pháp tăng giá thuế nhập khẩu đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 22/3, nhưng trước đó khoảng nửa tháng (8/3), thông tin này được công bố rộng rãi. Thị trường thép tự do lập tức biến động, nhiều sản phẩm thép tăng giá, nhất là những loại thép dùng trong xây dựng.

Theo khảo sát của PLVN tại một số cửa hàng thép trên địa bàn Hà Nội vào sáng qua (23/3), chỉ trong khoảng nửa tháng nay đã tăng từ 2.000 đồng đến 2.500 đồng/cây thép (tương đương tăng 2 - 2,5 triệu/tấn). Nhân viên Công ty CP Thương mại và Xây dựng Lan Sơn (177 đường La Thành, Hà Nội) cho biết, giá thép trong hai tuần qua liên tục tăng. Có ngày cửa hàng phải điều chỉnh tăng giá hai lần.

Theo số liệu báo giá ngày 23/3 của công ty này, thép Việt – Úc loại D6-8 có giá 12.700 nghìn đồng/cây, D10 là 83.000 đồng/cây, D22 là 442.000 đồng/cây… “Hai, ba hôm nay giá đã chững lại. Tuy nhiên, so với cách đây nửa tháng, mỗi cây thép đã tăng từ 2 nghìn đến hơn 2 nghìn đồng”, nhân viên cửa hàng này nói.

Hoãn xây nhà, đợi thép “hạ”

Trước biến động nhạy cảm của thị trường thép, đại diện Bộ Công Thương cho biết, sau khi ra quyết định áp thuế tạm thời, giá thép trong nước và nhập khẩu đều tăng. Dự báo trong thời gian tới, giá phôi thép và thép dài tiếp tục tăng ở mức độ nhất định. Điều này đảm bảo lợi nhuận hợp lí của ngành sản xuất thép trong nước. Bộ Công Thương cũng cho rằng, lí do thép tăng giá trong thời gian qua còn do giá phôi thép trên thị trường thế giới tăng nên thép trong nước tăng theo.

Một số doanh nghiệp lớn trong nước, trong đó có Tập đoàn Hòa Phát (chiếm khoảng 25% thị phần thép Việt Nam) cam kết không tăng giá bán, đồng thời khẳng định các nhà máy vẫn hoạt động sản xuất bình thường, không sợ khan hàng, đảm bảo cung cấp đủ cho thị trường trong nước cả năm. Trong khi đó, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) phát đi công văn yêu cầu các doanh nghiệp thép đẩy mạnh sản xuất phôi thép và thép dài đảm bảo đúng chất lượng, giá cạnh tranh.

Chiều qua (23/3), trao đổi với PLVN, bà Hà Thị Kim Dung – Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Đồng Đăng (Lạng Sơn) cho biết: “Trong 2 tháng gần đây, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc qua Đồng Đăng không có nhiều biến động; giá cả nhập khẩu thì có tăng nhưng cũng không đáng kể”.

Việc thị trường tự do tăng giá phôi thép và thép dài tác động mạnh đến hoạt động xây dựng. Một nhân viên cửa hàng thép ở Hà Nội cho biết, nhiều người đến đặt mua thép về làm nhà. Tuy nhiên, khi biết giá thép đang tăng, nhiều người đã tạm dừng lại việc xây nhà, chờ thêm một thời gian. “Họ bảo đợi thép giảm giá như trước rồi mới tiến hành xây dựng”, lời của nhân viên này.

Các doanh nghiệp bất động sản có lẽ là đối tượng chịu tác động lớn hơn cả. Theo tính toán, thép và xi măng chiếm gần 30% giá thành xây dựng. Khi giá thép tăng bất thường, giá bán bất động sản sẽ phải kéo theo để đảm bảo lợi nhuận. Khi đó, người chịu thiệt chính là người dân. Còn doanh nghiệp bất động sản có thể vỡ kế hoạch kinh doanh, khó bán sản phẩm do tăng giá, gây thất thu, thua lỗ.  

Thành viên VSA cam kết giá bán 10,4 triệu đồng/tấn

VSA đã khuyến cáo các thành viên trong Hiệp hội bình ổn giá bán, tăng cường sản xuất bảo đảm nhu cầu thép. Các đơn vị sản xuất thép cam kết giá thép từ nhà máy xuất ra khoảng 10,4-10,6 triệu đồng/tấn.

Tuy nhiên, nhiều đại lý bán lẻ ngoài thị trường tự ý nâng giá bán khiến người tiêu dùng bị thiệt hại. Theo đánh giá, hiện tượng này sẽ không kéo dài do nguồn cung trong nước đủ đáp ứng thị trường cao.

Đọc thêm