Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến các mặt đời sống vật chất, tinh thần của trẻ em, đặc biệt là ở các địa phương bùng phát dịch lần thứ tư. Tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố đã có hơn 1.500 trẻ em rơi vào tình trạng mồ côi, mất đi sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của cha, mẹ, người thân.
Để hỗ trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó có trẻ em mồ côi, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và cộng đồng xã hội đã cùng vào cuộc, chung tay hỗ trợ các em vượt qua khó khăn bằng nhiều giải pháp khác nhau.
Trong bối cảnh chung đó, mới đây, Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) đã có Văn bản số 437/CTGPL-TC&QLCL chỉ đạo, yêu cầu Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời trợ giúp pháp lý cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị mồ côi do đại dịch COVID-19 với các nội dung sau đây:
Một là, tăng cường trợ giúp pháp lý cho trẻ em, đặc biệt là trẻ bị mồ côi do dịch COVID-19 để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các em không bị xâm hại do không có sự giám hộ của cha, mẹ; có sự phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tại địa phương nắm bắt nhu cầu trợ giúp pháp lý của trẻ em, nhất là trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Chú ý thực hiện yêu cầu tại Công văn số 3234/LĐTBXH-TE ngày 23/9/2021 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.
Hai là, chú trọng thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, nhất là các vụ việc có liên quan đến chế độ chính sách (theo các văn bản như Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Nghị quyết số 68/2021/NĐ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (chú ý nội dung điều chỉnh lao động là trẻ em)...; các văn bản của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành, địa phương khác) và tư vấn pháp lý hỗ trợ cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (ví dụ như tư vấn hỗ trợ pháp lý đăng ký khai sinh, nhận nuôi con nuôi....).
Ba là, đẩy mạnh truyền thông về quyền được trợ giúp pháp lý của trẻ em bằng nhiều hình thức, phương thức đa dạng, giúp trẻ em và người thân của các em biết đến dịch vụ trợ giúp pháp lý và sử dụng khi có nhu cầu.
Việc thực hiện các hoạt động này bảo đảm tuân thủ quy định hiện hành về phòng, chống dịch COVID-19.
Thống kê của Bộ LĐ-TB-XH đầu tháng 10/2021, cả nước có 2.093 trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong đó 133 trẻ dưới 5 tuổi.
Theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, trẻ em mồ côi không có nguồn nuôi dưỡng, được hưởng trợ cấp 900.000 đồng/tháng với trẻ dưới 4 tuổi và 540.000 đồng/tháng đối với trẻ từ đủ 4 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, khi sống tại nơi nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thì trẻ mồ côi còn được hỗ trợ tiền ăn; chi phí điều trị trong trường hợp không có thẻ bảo hiểm y tế; chi phí đưa về nơi cư trú hoặc đến cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội.
Đầu tháng 9/2021, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng quyết định hỗ trợ 2 triệu đồng/người cho trẻ em mồ côi cha mẹ; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do đại dịch COVID-19 trong khoảng thời gian từ ngày 27/4-31/12/2021, kinh phí trích từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.
Để kịp thời chia sẻ những mất mát với trẻ em mồ côi, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với 27 tỉnh, thành hỗ trợ 7,26 tỉ đồng cho 1.427 trẻ em mồ côi mất cha mẹ do COVID-19 với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/em.
Ngoài ra, có 128 trẻ em sơ sinh là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 được hỗ trợ ở mức 1 triệu đồng/em.
Ngày 3/10, Trung ương Đoàn đã phối hợp với các đơn vị đồng hành tổ chức chương trình cộng đồng “Nối vòng tay thương” nhằm tiếp tục chăm lo, hỗ trợ trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19. Theo đó, từ tháng 10 năm nay, tất cả những trẻ em mồ côi do COVID -19 sẽ được chăm lo, bảo trợ đến năm 18 tuổi.
Chương trình bao gồm hỗ trợ về tài chính, về giáo dục, về sức khỏe, về tinh thần để các em sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, đảm bảo các điều kiện để các em phát triển toàn diện và trở thành người có ích trong xã hội.
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, về cơ bản, chính sách hỗ trợ hiện nay khá đầy đủ, nhưng về lâu dài cần hỗ trợ các em và gia đình, đại diện chăm sóc các em về mặt sinh kế để các em có cuộc sống ổn định. Chính quyền địa phương cần triển khai ngay những quy định về mặt pháp lý để các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận chăm sóc, đỡ đầu các em trong thời gian dài hơn. Các thủ tục về chăm sóc thay thế, nhận đỡ đầu cho trẻ em phải được tạo điều kiện thuận lợi nhất.
UNICEF tại Việt Nam cũng khuyến cáo, cần chăm sóc thay thế dựa vào gia đình và cộng đồng cho trẻ em mồ côi do COVID-19. Trong trường hợp không tìm được các gia đình họ hàng thích hợp, thì chính phủ cần tìm cho trẻ các gia đình mong muốn nhận nuôi trẻ, sẵn sàng yêu thương và giúp đỡ các em và chính phủ cần hỗ trợ và giám sát trẻ em trong quá trình trưởng thành.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"