Kon Tum: Cơ quan chức năng “né tránh” trong vụ Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy bị tố xây nhà trên đất nông nghiệp

(PLO) - Liên quan đến vụ việc, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình từng có chỉ đạo yêu cầu tỉnh Kon Tum kiểm tra nội dung báo chí phản ánh về việc ông Phạm Thanh Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế tỉnh này xây công trình trái phép trên đất nông nghiệp.
Biệt phủ của ông Phạm Thanh Hà Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban quản lý khu kinh tế tỉnh Kon Tum nhìn từ xa.
Biệt phủ của ông Phạm Thanh Hà Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban quản lý khu kinh tế tỉnh Kon Tum nhìn từ xa.

Chuyển quy hoạch nhưng xã “không nắm được”?

Thực hiện ý kiến của Phó thủ tướng, chiều ngày 15/5, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum đã họp cung cấp thông tin liên quan.

Cụ thể, về vụ việc liên quan tới ông Hà, kết quả kiểm tra xác minh, theo báo cáo số 251, ngày 12/5/2017 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum, việc đồng chí Phạm Thanh Hà xây nhà trên đất nông nghiệp như một số báo chí nêu là không đúng sự thật vì từ năm 2009, tại vị trí đất nhà ông Phạm Thanh Hà đã được xác định là đất ở nông thôn.

Ông Hà hiện đang sử dụng 25,19 ha đất tại thôn 2 xã Đăk Cấm, TP Kon Tum để làm kinh tế trang trại, làm cao su. Nguồn gốc của khu đất này có từ năm 1993, khi ông Hà cùng 10 người khác được UBND thị xã Kon Tum giao đất để trồng cao su tiểu điền, làm kinh tế vườn (Quyết định số 272/QĐ-UBND, ngày 10/5/1993 của UBND thị xã Kon Tum). Trong quá trình triển khai sản xuất, do nhiều lý do khác nhau nên 10 người này đã giao đất lại cho ông Hà tiếp tục sản xuất.

Theo báo cáo, diện tích đất ông Hà đang sử dụng hiện nay là ổn định, đúng quy hoạch sử dụng đất và được UBND TP Kon Tum cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định, với tổng diện tích là 251.968m2, trong đó đất ở nông thôn là 2.000m2; đất trồng cây lâu năm là 249.968m2. (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BĐ 891537, ngày 24/5/2011).

Riêng về đất ở nông thôn, ông Hà làm thủ tục xin và được chuyển đổi mục đích sử dụng đất hai lần: năm 2009 là 1.000 m2; năm 2010: 1.000 m2. Trong quá trình sử dụng đất, ông Hà đã dựng lán, trại, nhà ở tạm để sản xuất canh tác và chuồng trại để chăn nuôi; làm nhà kho để tập kết phân bón, vật tư sản xuất. 

Sau khi UBND TP Kon Tum thống nhất cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn, ông Hà mới lần lượt cải tạo nhà tạm đã có, xây dựng thêm một số công trình nhà ở theo hướng làm dần từng hạng mục, không phải làm một lần và đã được kê khai qua các năm theo quy định.

Về ý kiến ông Hà Xây dựng nhà nhưng không có giấy phép xây dựng, theo giải trình của ông Hà, chiếu theo Luật xây dựng năm 2003 và Luật xây dựng năm 2014 thì các công trình nhà ở của ông xây thuộc diện miễn giấy phép xây dựng theo Khoản 1, Điều 62 Luật Xây dựng năm 2003 và Khoản 2, Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014.

Tuy nhiên khi PV đến xã Đăk Cấm để tìm hiểu thì bà Võ Thị Lý – Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã Đăk Cấm cho biết: “Hiện tại, tôi đã chỉ đạo Ban địa chính xã tìm lại những văn bản liên quan đến vấn đề quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn. Tuy nhiên, trước ngày 12/12/2011 chưa thấy có quyết định nào về việc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn trên địa bàn”.

Điều lạ là, nếu có việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì lẽ nào chính quyền xã Đăk Cấm sở tại lại không hề hay biết. Trong khi đó, thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã cũng có đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp nhưng đều không được xã đồng ý vì chưa có quy hoạch. Hay ông Hà là trường hợp “cá biệt”?!

Cận cảnh chiếc cổng hoành tráng của biệt phủ của ông Phạm Thanh Hà.
Cận cảnh chiếc cổng hoành tráng của biệt phủ của ông Phạm Thanh Hà.

“Cố tình” làm khó cơ quan báo chí?

Để làm rõ thông tin, PV đã liên hệ với Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum đề nghị cung cấp các nội dung liên quan đến vụ việc của ông Hà.

Tuy nhiên, đại diện Ban tuyên giáo cho rằng nội dung mà PV yêu cầu đã được thông báo cho một số cơ quan báo chí, thông tấn được mời tham dự nên không có trách nhiệm, thẩm quyền cung cấp cho báo Pháp luật Việt Nam nữa. Nếu PV muốn lấy thông tin thì phải liên hệ qua UBND tỉnh Kon Tum.

Khi PV qua UBND tỉnh Kon Tum liên hệ làm việc lần thứ nhất, cán bộ văn phòng ở đây trả lời rằng nội dung liên quan đến vụ việc của ông Hà đã được chuyển qua cho Ban tuyên giáo Tỉnh ủy nên cứ qua đó yêu cầu họ cung cấp. 

PV có gọi điện cho ông Bùi Thanh Bình – Chánh văn phòng UBND tỉnh. Ông Bình cũng nói, nếu PV cần thông tin thì cứ qua Ban tuyên giáo Tỉnh ủy “cơ quan này sẽ cung cấp”. Tuy nhiên, khi nghe phản ánh của PV về trả lời của Ban tuyên giáo thì ông Bình nói “phía UBND tỉnh không cung cấp được”. Còn nguyên nhân vì sao thì ông này không nói rồi tắt máy.

Khó hiểu hơn khi PV cầm giấy giới thiệu tới Phòng TN&MT TP. Kon Tum yêu cầu đơn vị này cung cấp tài liệu liên quan đến vấn đề quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại xã Đăk Cấm từ năm 2009 đến năm 2011 và hồ sơ xin chuyển đổi 2000m2 từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn, hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông Hà thì ông Đào Duy Hà (trưởng phòng) trả lời là “không có thẩm quyền cung cấp” và yêu cầu PV phải qua “xin giấy giới thiệu của UBND TP. Kon Tum”.

Điều đáng đó, trước đó, khi làm việc với ông Nguyễn Quốc Vương – Chánh văn phòng UBND TP. Kon Tum, ông này khẳng định phía Ủy ban không có bất cứ quy định nào về việc phải có giấy giới thiệu của Ủy ban thì các cơ quan trực thuộc mới được quyền cung cấp thông tin cho báo chí. 

Để tiện cho việc lấy thông tin của PV, ông Vương đã chủ động gọi điện thông báo với ông Hà là có báo chí đến yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc của ông Hà. Tuy nhiên, khi PV gọi điện cho ông Đào Duy Hà để đặt lịch làm việc ông này vẫn thẳng thừng từ chối và vẫn yêu cầu phải có chỉ đạo hay giấy giới thiệu từ UBND TP. Kon Tum.

Phải chăng có điều gì khuất tất trong vụ việc nên cơ quan chức năng cố tình né tránh không cung cấp thông tin.

Đọc thêm