Kỳ 1: Chứng cứ quyết định trong phiên tòa các bị cáo đồng loạt phản cung

(PLO) - Điều bất ngờ trong phiên tòa đặc biệt này là đến phần xét hỏi, các bị cáo đồng loạt phản cung, chối tội, cho rằng bị cán bộ điều tra ép cung nên mới ký vào các bản khai nhận tội. Lúc đó, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã trưng ra tại phiên tòa các chứng cứ quyết định...
Đó là những bức ảnh chụp rất rõ mặt các bị cáo, mặc trang phục trại giam (sọc trắng đen) đang thực hiện các hành vi như: chia heroin thành gói nhỏ, mua bán heroin và chích ma túy. Các chứng cứ này tuy không được HĐXX dẫn nguồn nhưng đã buộc các bị cáo, nguyên là phạm nhân Trại giam số 3, trước vành móng ngựa không thể chối tội. 
Phiên tòa đã khép lại sau gần hai năm, nhưng đến tận bây giờ, ít ai biết rằng xuất xứ của những bức ảnh trên là từ một bài báo điều tra công phu nhưng không được đăng.
Ngày 30/9/2012, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Nghệ An xét xử sơ thẩm vụ án “mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy”, tuyên phạt 237 năm tù giam cho 28 bị cáo. Vụ án gây chấn động do các hành vi mua bán ma túy này xảy ra trong Trại giam số 3 (huyện Tân Kỳ, Nghệ An), các bị cáo là những người đang phải chấp hành hình phạt tù. 
Ma túy đằng sau song sắt
Phạm nhân đang chích thuốc
Phạm nhân đang chích thuốc
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An công bố tại phiên tòa, từ cuối năm 2010, phạm nhân Lê Xuân Minh (43 tuổi, quê quán huyện Thanh Chương, Nghệ An) là phạm nhân đang chấp hành án phạt tù với mức án 9 năm 6 tháng về tội trộm cắp tài sản và trốn khỏi nơi giam giữ tại Trại giam số 3, đã bắt đầu tổ chức đường dây đưa ma túy từ bên ngoài vào trại để bán cho các phạm nhân bị nghiện tại trại giam này. Để tổ chức mua bán, hình thành nên đường dây, Minh đã lôi kéo 27 phạm nhân khác đều bị nghiện tham gia cùng.
Các phạm nhân trong đường dây này đã sử dụng điện thoại di động, liên lạc ra ngoài, chuyển ma túy vào bằng nhiều cách, như giấu vào gốc cây, hốc đá xung quanh trại hoặc nơi lao động. Khi đã biết được nơi cất giấu ma túy, các phạm nhân khi đi lao động đã lén lút đưa ma túy về trại bằng nhiều cách. 
Đêm đến khi về đến buồng giam, Minh và đồng bọn chia ma túy ra từng gói nhỏ, giao cho các đồng bọn khác trong trại giam để bán cho các phạm nhân khác với giá từ 100.000 đến 500.000 đồng. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã chứng minh được Lê Xuân Minh và đồng bọn đã 6 lần tổ chức đưa được 6,9 cây heroin (285,75gam) vào trại giam để bán. 
Pha thuốc để chích
Pha thuốc để chích
Việc các phạm nhân tổ chức buôn bán trái phép chất ma túy để thu lợi bất chính nhiều tỷ đồng tạo ra tình trạng bất ổn trong trại giam, gây tâm lý hoang mang đối với thân nhân gia đình đang có con em thụ án. Điều đáng nói là một số phạm nhân trước khi vào tù chưa hề biết đến ma túy, nhưng sau mấy năm thi hành án nơi đây lại trở thành con nghiện rất nặng. 
Cá biệt như “khách hàng” Nguyễn Văn T (TP.Vinh, Nghệ An), chỉ trong vòng 6 tháng đã mua hết 300 triệu đồng heroin của đường dây này để sử dụng. Số tiền này được người nhà của T trả cho Lê Xuân Minh qua tài khoản.
Tình trạng mua bán ma túy trong trại giam đã diễn ra trong một thời gian rất dài, thế nhưng vẫn qua mặt được các cán bộ chiến sỹ cảnh sát trong trại giam. Chỉ đến ngày 19/5/2012, cán bộ trại giam bất ngờ kiểm tra buồng giam số 1.3, Phân trại K1, trong khi các cán bộ trại giam đang kiểm tra, Minh đã lén lút ném ra ngoài cửa sổ hai gói giấy bạc đựng chất bột màu trắng nhưng bị phát hiện. 
Ngoài ra, tổ khám xét còn phát hiện trong túi tư trang của một phạm nhân khác cũng có một gói bằng giấy bạc đựng chất tương tự. Cán bộ trại giam đã phát hiện thu giữ bốn điện thoại di động (là vật cấm sử dụng, lưu giữ đối với phạm nhân) trong đó hai chiếc là của Lê Xuân Minh.
Cả bốn điện thoại này có rất nhiều số điện thoại của người ngoài xã hội. Không những thế, trong điện thoại còn lưu giữ 12 tài khoản ngân hàng của các tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Từ những gì thu được, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã tiến hành di lý phạm nhân Lê Xuân Minh và một số phạm nhân khác về trại tạm giam trong đêm để tiến hành điều tra làm rõ.
Kết quả giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Nghệ An cho thấy, gói chất bột màu trắng do Minh vứt ra ngoài là heroin, có trọng lượng 6,25gam và gói bột giấu trong tư trang của phạm nhân cũng là  heroin, có trọng lượng 9,05gam. 
Tiếp tục xác minh các tài khoản ngân hàng, cơ quan công an phát hiện có nhiều tỷ đồng đang bị kẹt trong đó. Các tài khoản này mang tên người đang ở ngoài xã hội, nhưng thực chất đều do Lê Xuân Minh nắm giữ và quản lý để giao dịch mua bán ma túy. Ngoài ra, các tài khoản này còn là “ngân hàng đen” để gia đình, người thân gửi và nhận tiền cho con, em trong trại. Cơ quan điều tra xác định được từ cuối năm 2010 đến tháng 8/2011, đã có gần 3,6 tỷ đồng của người nhà phạm nhân gửi qua tài khoản của Minh.
Giao dịch qua điện thoại
Giao dịch qua điện thoại 
Những chứng cứ quyết định
Ngày đầu tiên tại cơ quan điều tra, Lê Xuân Minh nhất quyết không nhận tội và cho rằng gói ma túy là của ai đó chứ không phải của Minh. Nhưng chỉ ba ngày sau, trước các chứng cứ không thể chối cãi, Minh và các đồng phạm khác phải cúi đầu thừa nhận các hành vi phạm tội. Sau đó, lần lượt 28 phạm nhân tham gia vào đường dây vận chuyển, buôn bán ma túy trong trại giam này bị trích xuất về trại tạm giam để chờ ngày xét xử. 
Đây là vụ án nghiêm trọng bởi đường dây ma túy tồn tại trong thời gian dài ở một môi trường đặc biệt, nơi giáo dục con người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội. Chính vì sự đặc biệt đó nên phiên tòa sơ thẩm được tổ chức xét xử lưu động tại hội trường Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An.
Điều bất ngờ là đến phần xét hỏi, các bị cáo đồng loạt phản cung, chối tội. Họ cho rằng bị cán bộ điều tra ép cung nên mới ký vào các bản khai nhận tội. Lúc đó, tại phiên tòa Hội đồng xét xử đã trưng ra các chứng cứ quyết định. Đó là những bức ảnh chụp rất rõ mặt các bị cáo, mặc trang phục trại giam (sọc trắng đen) đang thực hiện các hành vi như: chia heroin thành gói nhỏ, mua bán heroin và chích ma túy. 
Các chứng cứ này tuy không được Hội đồng xét xử dẫn nguồn nhưng đã buộc các bị cáo, nguyên là phạm nhân Trại giam số 3, trước vành móng ngựa không thể chối tội. Và bản án đã được tuyên, từng bị cáo phải nhận mức án tương xứng với hành vi và quá trình phạm tội “vận chuyển, mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy” trong trại giam này. 
Phiên tòa đã khép lại sau gần hai năm. Cho đến bây giờ, mấy ai biết được xuất xứ của những bức ảnh được Hội đồng xét xử sử dụng tại phiên tòa hôm đó, khiến cho các bị cáo từ ngoan cố, phản cung chối tội phải tâm phục, khẩu phục nhận tội? Và vụ án được phanh phui bắt đầu từ đâu? Câu trả lời là: Tất cả được một phóng viên âm thầm điều tra, thu thập đầy đủ các chứng cứ, để từ nội dung của bài báo và tác động của chính người viết bài, vụ án mới được điều tra xét xử. Thế nhưng rất tiếc, số phận bài báo lại rất hẩm hiu, không đến được với bạn đọc.
Kỳ sau: Sau gần sáu tháng điều tra, gặp gỡ các nhân chứng, phóng viên đã trình bày khẳng định tình trạng mua bán, sử dụng ma túy đang xảy ra trong Trại giam số 3 qua bài viết. Nhưng có nhiều lý do, bài phản ánh này đã không đến được với bạn đọc. Vụ án đã khép lại gần hai năm, chúng tôi xin được công bố bài viết công phu này và nói rõ thêm về số phận của nó.

Đọc thêm