Thu tiền thi hành án trong trại giam: Hết cảnh “một tiền gà, ba tiền thóc”

(PLO) - Chỉ với việc thu 50 ngàn (trước đây) và nay là 200 ngàn đồng, cơ quan Thi hành án (THA) phải làm rất nhiều thủ tục tống đạt giấy tờ và mất rất nhiều công sức khi người phải thi hành các khoản án phí này đang “nằm” trong trại giam. Tình trạng này đã được khắc phục khi việc thu tiền giao cho chính trại giam thực hiện…
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Thuận lợi hơn trong việc xét đặc xá
Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) vừa tổ chức việc kiểm tra, thực hiện Thông tư liên tịch số 07 (Bộ Tư pháp - Công an - Tài chính) hướng dẫn trình tự, thủ tục thu, nộp, quản lý tiền, giấy tờ của người phải THADS và trả tiền, giấy tờ cho người được THADS là phạm nhân ở một số tỉnh, thành trong cả nước. 
Qua kiểm tra cho thấy, kể từ khi thực hiện Thông tư 07 (có hiệu lực từ 1/4/2013), mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan THADS với các trại giam, trại tạm giam đã được tăng cường. Nhiều nơi đạt những kết quả tích cực. 
Ví dụ tại Đồng Nai, tổng số tiền mà Cục THADS đã thu tại các trại giam, trại tạm giam là 436 triệu đồng (của 104 phạm nhân); đã chuyển giao giấy tờ cho người được THA là phạm nhân 3 việc. Còn tại Khánh Hòa, đã thu xong số tiền trên 100 triệu đồng của các trại giam trên địa bàn..
Có thể nói, số tiền các cơ quan THA thu được từ các trại giam, trại tạm giam là không lớn (vì chủ yếu là tiền án phí với mức từ 50 ngàn đến 200 ngàn đồng). Tuy nhiên, công việc này có ý nghĩa ở chỗ nếu như trước đây khi chưa có Thông tư liên tịch số 07, cơ quan THA phải đến tận các trại giam, trại tạm giam để xác minh điều kiện, thu tiền của phạm nhân với nhiều loại thủ tục rất phiền hà thì nay công việc này được các trại giam, trại tạm giam thực hiện. 
Quan trọng hơn, trước đây nhiều người chỉ vì chậm hoặc chưa nộp những khoản nhỏ như án phí mà không được xem xét đặc xá thì nay qua kênh của giám thị trại giam, việc nộp tiền thuận lợi hơn rất nhiều. 
Cần tránh việc chuyển qua, chuyển lại 
Thuận lợi hơn cho cơ quan THA và cho các phạm nhân, song sau thời gian ngắn triển khai, việc thu tiền, trả lại giấy tờ, tài sản cho phạm nhân cũng gặp không ít rắc rối. Phó Cục trưởng Cục THADS Khánh Hòa Nguyễn Hữu Anh phản ánh, có những trường hợp người nhà của phạm nhân đã nộp khoản tiền phải THA thay cho đương sự hoặc đương sự đã được xét miễn, giảm tiền phải THA hoặc đã hết thời hiệu yêu cầu THA nhưng Trại giam không biết nên vẫn thu, dẫn đến việc xử lý tiền tạm giữ của cơ quan THA cũng gặp khó khăn.
Lâu nay, một trong những khó khăn được nhiều cơ quan THA phản ánh là tình trạng “mò” phạm nhân trong trại giam. Trong khi bản án đã có hiệu lực thì cơ quan THA không hề biết người phải THA về thụ án tại trại giam nào vì không được cơ quan có thẩm quyền thông báo. Đây là khó khăn tiếp tục được đề cập đến khi thực hiện Thông tư liên tịch 07. 
“Nếu cơ quan THA không có thông tin về nơi phạm nhân đang thụ hình thì rất khó khăn trong việc gửi quyết định về THA cũng như thu tiền trong các đợt đặc xá, giảm án” - Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) khẳng định.
Về phía trại giam, là nơi trực tiếp thu tiền của người phải THA cũng gặp những khó khăn nhất định. Phản ánh từ Trại giam Xuân Lộc đóng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cho biết, việc thu các khoản tiền tại trại nhằm tạo điều kiện cho thân nhân, gia đình phạm nhân nhưng sau khi thu xong, việc chuyển tiền cho cơ quan THA lại rất khó. Một số trường hợp chuyển cho cơ quan THA nhưng cơ quan THA không nhận với lý do bị hại không có đơn yêu cầu, không rõ nơi họ cư trú hoặc đã hết thời hiệu thi hành. Còn ý kiến của một trại giam khác lại phản ánh, tình trạng trại đã thu rồi nhưng THA không đến lấy mà yêu cầu gửi tiền vào tài khoản nhưng các khoản phí đó thì lại chưa có hướng dẫn do bên nào chi trả.
Cần có quy chế phối hợp giữa hai bên, trong đó quy định rõ trách nhiệm từng cơ quan trong việc thu tiền, trả tiền, tài sản…là đề nghị của nhiều trại giam cũng như cơ quan THADS. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị tránh việc chuyển qua chuyển lại dẫn đến tình trạng thu rồi nhưng không đến nhận hay đến nhận lại phải “một tiền gà, ba tiền thóc” vì đường sá xa xôi thì nên quy định số tiền trại giam thu được nên nộp luôn vào ngân sách nhà nước.

Đọc thêm