Những trận chiến bảo kê
Chiến dịch truy quét các băng đảng xã hội đen Sài Gòn dần lắng xuống sau cái chết của ông trùm Đại Cathay. Năm Cam không còn chỗ dựa dẫm nhưng ít nhiều những mánh khóe, tổ chức sòng bạc thời còn làm chân lon ton cho Đại Cathay cũng giúp y tích lũy được kinh nghiệm cho bản thân.
Sài Gòn những năm 1967-1968, phồn thịnh chưa từng thấy với hàng viện trợ quân sự của Mỹ, bộ phận quan chức tham nhũng, đã tạo nên tầng lớp “giàu xổi” no cơm đâm dửng mỡ lao vào ăn chơi trác táng, tất nhiên trong các thú vui ấy, không thể thiếu cờ bạc. Hai sòng bạc tổ chức qui mô như một “Macao thu nhỏ” với đầy đủ trò chơi, một là của ông Tám Phánh, chủ khách sạn Kim Thành và ông Bảy Diệm trong khu Cây da xà nổi tiếng thời đó.
Bảy Xi (anh rể của Năm Cam) mở sòng bạc nhưng quy mô cò con, bù lại, do tính chất bình dân nên hoạt động rất rôm rả. Sòng bạc không thể cố định, phải liên tục di chuyển nên ít nhiều phải đụng chạm đến địa bàn làm ăn của chủ sòng khác.
|
Thắng “Tài Dậu” (bìa trái) cùng Năm Cam, Hồ Việt Sử và hai nhân vật của giang hồ đất Bắc. |
Về mặt cư xử với bằng hữu giang hồ, Bảy Xi vụng về, kém xa Năm Cam, để có thể tồn tại không sợ sự quậy phá của các nhóm giang hồ khác, Bảy Xi cần đến sự trợ lực của cậu em vợ làm bảo kê.
Đực “bà Tiều” sau khi từ đảo Phú Quốc trở về, cũng lao vào tổ chức sòng bạc như Bảy Xi tại khu Cầu Ông Lãnh. Các tay chơi bạc gọi sòng của Đực là sòng chợ Cá. Chủ các vựa cá ở đây sau thời gian chơi ở sòng Đực “nhảy dù” qua sòng Bảy Xi thử thời vận.
Biết chuyện, Đực tỏ ra cay cú. Y chạy Vespa qua sòng Bảy Xi thăm dò. Vừa thấy mặt hung thần khu Chợ Cá, các tay chơi bạc vốn dĩ là dân làm ăn, vội ríu ríu lên xe trở về sòng của “anh Đực” nạp mạng. Bảy Xi than thở với đứa em vợ: “Chuyện làm ăn không ai đụng chạm ai, thằng Đực chơi kiểu này là không được rồi!”.
Suy nghĩ một lúc, Năm Cam nói: “Thôi, chuyện anh Đực để tui tính cho. Có gì ông lo giùm vợ con tui. Anh dụ Đực “bà Tiều” qua sòng của anh, tui tính sổ nó cho”.
Quả nhiên, Bảy Xi làm y như lời Năm Cam dặn dụ được Đực chạy Vespa qua sòng Bảy Xi. Vừa quẹo vào đầu ngõ, Đực bị Năm Cam chém mấy dao vào tay, vai và lưng. Bị ăn đòn bất ngờ, Đực bỏ chạy. Chạy được một đoạn, chừng như mắc cỡ, Đực chụp thanh gỗ ven đường quay lại ứng chiến với Năm Cam.
Lúc quay lại thấy Năm Cam đang vung vẩy trên tay khẩu ru-lô cảnh sát, Đực vứt luôn cây gậy bỏ chạy. Năm Cam đuổi theo vài bước rồi đứng lại, cười gằn: “Tưởng sao, hóa ra cũng biết sợ súng”. Sau sự việc này Năm Cam trở thành nhân vật được cưng chiều số một ở sòng Bảy Xi.
Là tay anh chị có tầm cỡ, Tài “chém” (một gã du côn) từng xách dao rượt Đại Cathay chạy có cờ nên y tỏ ra không kính trọng Bảy Xi. Ngoài ra, Tài còn là cận vệ của Trung tá Trân “biệt kích” (em vợ Đại tướng Tổng tham mưu trưởng quân đội Cộng hòa Cao Văn Viên) nên y thả sức tung hoành quậy phá, coi mọi tay giang hồ khác đều dưới tầm mắt mình. Như thường lệ, Tài ghé sòng bạc Bảy Xi.
Bảy Xi bước ra, gương mặt không lấy gì làm vui vẻ: “Tiền tao đưa cho mày là hảo ý anh em chớ có phải là thiếu nợ thiếu nần gì mà mày tới đòi?”. Tài nghe câu nói xóc óc cũng nổi cơn thịnh nộ, Bảy Xi hậm hực rồi cãi vã dữ dội suýt dẫn đến xô xát nhưng được mọi người can ngăn. Tài buông lời hăm dọa trước khi lên xe đi về, Năm Cam chứng kiến từ đầu đến cuối hất hàm hỏi Bảy Xi: “Thì chắc phải chơi thằng này thôi!”. “Có điều, sợ chơi không lại nó thì cũng dẹp tiệm”, Bảy Xi trả lời. Năm Cam lạnh lùng bảo: “Tui gặp Sáu Nhà rồi tính”.
Sáu Nhà vốn là bạn thửa nhỏ của Năm Cam, nhờ mối quan hệ của Năm Cam với thế lực ngầm mà xin cho hắn được làm cảnh sát không tốn 1 xu. Ân huệ này luôn được Sáu Nhà đền đáp Năm Cam mỗi khi y cần giúp đỡ, đặc biệt sẵn lòng cho ân nhân mượn súng.
Cũng như lần trước, Năm Cam ngồi trong quán cà phê phía trước sòng Bảy Xi đợi nhưng Tài không lộ diện. Rồi cả tuần sau đó, gã du đãng khoác áo biệt kích đã như “bốc hơi” khỏi Sài Gòn. Giới giang hồ ngầm hiểu ai là kẻ có gan chuột nhắt, còn riêng Năm Cam sau trận này tên tuổi được nâng lên 1 số nữa.
Một tay anh chị khác là Tư “bánh bò”, lớn tuổi hơn Năm Cam, có khá nhiều thành thích trong hẻm 122 Tôn Đản, chạy xe vào hẻm quẹt vào một đứa nhỏ. Có lẽ đang say, y xách tai đứa nhỏ chửi bới om tỏi, dân trong hẻm xầm xì: “Chỉ giỏi quậy trong xóm, ngon đụng tụi hẻm 148 (nơi Năm Cam cát cứ) kìa”. Nổi cơn thịnh nộ, Tư phanh ngực hét: “Má tụi 148 là cái gì, kể cả anh em thằng Năm Cam cũng chưa dám đứng trước mặt tao mà làm trời”.
Nghe nói lại, Năm Cam cùng vài người bạn kéo xuống hẻm 122 gặp Tư “bánh bò” ngồi nhậu liền dạy cho hắn một bài học với màn đấm đá túi bụi. Tư tìm Bảy Xi với chiếc đầu quấn băng trắng toát, y vừa nói vừa rưng rưng nước mắt: “Tao đâu có ngờ, anh em với nhau mà thằng Năm xử nặng tay quá!”. Tư “đen” - một chủ sòng có tiếng trong hẻm 122 ấy sau khi chứng kiến màn đấu võ ấy đã tìm Năm Cam đặt vấn đề coi sòng cho mình.
Nuôi khát vọng ra “biển lớn”
Sòng bạc của Mã Chí, người Việt gốc Hoa ở đường Trần Hoàng Quân (nay là Nguyễn Chí Thanh, quận 10) là nơi Năm Cam thường lui tới giao du kiếm mối làm ăn.
Chuyện bắt đầu từ việc Mã Chí giao Huỳnh Tỳ (tay ăn chơi khét tiếng nằm trong danh sách Tứ đại thiên vương Đại - Tỳ- Cái- Thế) và Cư già - cảnh sát hình sự của Nha Đô thành bảo vệ sòng bạc mình. Hồi đó Trung uý Hợi (biệt danh Hợi “điên”, trùm giang hồ khét tiếng, -sĩ quan của sư đoàn dù đóng quân ở vườn Tao Đàn bảo vệ Dinh Tổng thống) đang bành trướng thế lực, đưa đàn em thân tín đến tận sòng của Mã Chí.
|
Mã Chí từng nghe nhiều về tật bắn súng bừa bãi của Trung uý Hợi. Tên sĩ quan nhảy dù này lúc nào bên mình một khẩu súng carbin M2 cưa báng, cưa nòng và đã thanh toán không ít đối thủ. Hợi yêu cầu Mã Chí nộp 1 khoản tiền bảo kê lớn nhưng không được đáp ứng. Hợi “điên” vén vạt áo khoác để lộ ra khẩu carbin. Sau loạt đạn đinh tai, tất cả đèn trong chung cư tắt phụt, các con bạc kinh hồn thi nhau tìm chỗ nấp. Say máu, Hợi chĩa khẩu súng vào giữa căn phòng siết cò.
Huỳnh Tỳ không phải là chiến binh chuyên nghiệp như bọn lính nhảy dù này, tuyệt vọng chống trả. Viên đạn từ khẩu súng P38 của Huỳnh Tỳ lạc trúng vào bé gái khoảng 14-15 tuổi, chết tại chỗ. Hết đạn, Huỳnh Tỳ vội chuồn theo lối thoát hiểm cứu hỏa để ra ngoài. Hợi phán đoán địch thủ đã hết đạn, vội vã truy kích.
Huỳnh Tỳ vừa ra đến đường, Năm Cam chạy xe Honda lịch kịch tới. Y cầu cứu: “Cứu anh với Cam ơi”. Năm Cam chở Huỳnh Tỳ chạy về hướng Sài Gòn. Đến chỗ tạm gọi là an toàn, Năm Cam nhìn lại bộ dạng thảm hại của bại tướng Huỳnh Tỳ.
Ghé vào tiệp tạp hoá, Năm Cam mua cho đàn anh một đôi dép nhựa. Năm Cam im lặng nghe Huỳnh Tỳ kể lại cớ sự, liền kết luận: “Anh chơi không lại tụi lính dù này đâu”. Huỳnh Tỳ đã thọ ơn cứu mạng của Năm Cam, hai người trở thành mối giao tình.
Cái chết oan uổng của bé gái bởi viên đạn của Huỳnh Tỳ được thu xếp êm xuôi bởi khoản tiền cho gia đình nạn nhân và một số tiền khổng lồ khác để nội vụ đi vào quên lãng trong hồ sơ cảnh sát. Mã Chí sạt nghiệp sau khi bán nhà và toàn bộ tư trang của vợ con. Huỳnh Tỳ lánh mặt một thời gian trước sự truy sát của băng Hợi “điên”, phải nhờ người đến năn nỉ tên trung uý nhảy dù này để có thể tiếp tục tồn tại trong giới giang hồ.
Tình thế của Huỳnh Tỳ làm Năm Cam chợt nhận ra, nếu cứ mãi làm một con tốt thí trên bàn cờ của Bảy Xi, một ngày nào đó, y cũng sẽ ăn đạn mà ra đi. Năm Cam chấm dứt những vụ đụng độ để tìm lấy danh tiếng và trở nên cẩn thận hơn khi lui tới những nơi phức tạp.
Thời gian dài, ngoài việc phụ vợ buôn bán lặt vặt ở chợ trời Huỳnh Thúc Kháng, ghi số đề, mở xới bạc cò con di động, Năm Cam chỉ lui tới các sòng bạc để trổ chút ngón nghề học được từ anh Bảy Huê Kỳ (truyền nhân của Chín Chuyền, một kỳ bẽo già nua thời Bình Xuyên còn sót lại) nhằm gồng gánh gánh nặng gia đình lúc này cả thể tới 5-6 đứa con.
Còn nữa...