Lý lịch bất hảo
Sau những ngày mưa dầm dề cùng rét lạnh, cuối cùng mặt trời cũng he hé ánh nắng yếu ớt phủ lên sân tòa. Người mẹ ngồi nơi hành lang TAND thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), xung quanh là những bọc to bọc nhỏ hàng hóa “tiếp tế” cho con trai. Hôm nay bà đến tham gia phiên tòa xét xử vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, mà con trai bà là bị cáo trong vụ án, tên Nguyễn Ngọc Đức (21 tuổi, ngụ thành phố Huế).
Người phụ nữ mới bước qua tuổi 40 nhưng nét mặt hằn đầy dấu chân chim. Đôi mắt lúc nào cũng nhìn mông lung, buồn bã. Nhắc đến đứa con trai đang chịu cảnh tù tội, giọng người mẹ buồn mang mác.
Bà chỉ có hai đứa con. Đức là con trai lớn trong nhà, nhưng cũng là đứa gây cho bà nhiều lo lắng, đau lòng nhất. Tuy nhà chẳng mấy khá giả, nhưng cũng như bao người làm cha làm mẹ khác trên đời, vợ chồng bà luôn khuyến khích con học hành tử tế, nhưng con trai bà mới học lớp 6 thì nghỉ học.
Cha mẹ khuyến khích đi học nghề, Đức chỉ ham lêu lổng, tụ tập với bạn bè. Năm 19 tuổi, Đức dắt bạn gái về nhà, yêu cầu gia đình cưới xin. Thấy con không nghề nghiệp, ăn chưa no lo chưa tới, bà chẳng muốn con lấy vợ sớm, nhưng cháu bà lại không đợi được. Thôi thì nhắm mắt đưa chân. Mới 21 tuổi đầu, nhưng Đức đã có tới 3 đứa con, đứa lớn nhất sinh năm 2014, đứa nhỏ nhất sinh năm 2017.
Khi Đức được dẫn vào phòng xét xử, đôi mắt bị cáo cứ nhìn quanh. Thấy vợ ngồi bên dưới, bị cáo vẫn còn ngó nghiêng tìm kiếm. Người thân bị cáo áy náy bảo, “chắc bị tạm giam mấy tháng, nên hắn nhớ con đấy. Hôm nay rét lạnh, nên không dám chở mấy đứa nhỏ đến tòa, sợ chúng cảm lạnh lại lăn ra ốm thì khổ”.
Bị cáo đứng nơi vành móng ngựa, vẻ mặt “non choẹt”, thế nhưng lý lịch lại dày thành tích bất hảo. Năm 2008, Đức bị công an thành phố Huế xử phạt hành vi vi phạm hành chính bằng hình thức “cảnh cáo” về hành vi trộm cắp tài sản. Năm 2010, bị chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định đưa vào trường giáo dưỡng 24 tháng vì nhiều lần có hành vi đánh người và trộm cắp tài sản.
Chưa hết, năm 2014, bị tòa án nhân dân thị xã Hương Thủy xử phạt 7 tháng tù về tội “Cướp giật tài sản”. Giữa năm 2017, Đức bị công an thành phố Huế xử phạt vi phạm hành chính 1,5 triệu đồng về hành vi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Chỉ một tháng sau, thanh niên này tiếp tục bị xử phạt vi phạm hành chính 2 triệu đồng về hành vi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản.
Chiêu thức phạm tội mới tinh vi hơn
Không nghề nghiệp, nên để có tiền tiêu xài, bị cáo Đức nhiều lần thực hiện hành vi trộm cắp, cướp lấy tiền và đã không thoát lưới pháp luật. Vậy nên, lần này Đức thực hiện chiêu thức phạm tội mới, tinh vi hơn.
Đức nghĩ ra cách tạo một địa chỉ facebook cá nhân có tên “Vũ Lân” và đăng tải thông tin với nội dung đổi tiền giả lấy tiền thật, với tỷ lệ 1 triệu đồng tiền Việt Nam thật sẽ mua được 7 triệu đồng tiền Việt Nam giả trên trang facebook chính “Rao vặt Đông Hà Quảng Trị”, nhưng thực tế Đức không có tiền giả.
Bị cáo Đức sử dụng 2 số điện thoại di động khác nhau, trong đó có 1 số đăng lên trang facebook để người mua hàng liên hệ. Số điện thoại này nếu có người gọi đến Đức không nghe máy, sau đó dùng số điện thoại còn lại gọi lại cho người mua. Khi hai bên giao dịch, nếu người mua muốn kiểm tra hàng thì bị cáo sẽ lấy lý do mình chỉ là người đi giao hàng và yêu cầu người mua phải liên lạc với người bán hàng qua số điện thoại được đăng trên facebook, mục đích là để không bị phát hiện và làm cho người mua tin tưởng.
Ngày 9/5/2017, chị Lê Thị Diệp đã liên hệ với Đức thông qua facebook để mua hàng. Sau khi giao dịch qua mạng, Đức đã đi mua nhiều tờ tiền âm phủ, dùng băng keo màu vàng dán nhiều lớp bên ngoài, tạo thành một gói hàng và hẹn gặp chị Diệp tại khu vực trước chợ Tây Lộc để trực tiếp giao dịch, mua bán. Chị Diệp nhận gói hàng rồi giao cho Đức 1 triệu đồng. Trong lúc chị Diệp đang mở gói hàng để kiểm tra, thì Đức điều khiển xe mô tô bỏ đi. Phát hiện bọc hàng là tiền âm phủ, chị Diệp vứt lại bên đường. 1 triệu đồng chiếm đoạt được, Đức tiêu xài cá nhân hết.
Sau khi biết mình bị lừa, chị Diệp tiếp tục lên trang facebook “Rao vặt Đông Hà Quảng Trị”, đóng giả là một khách hàng khác để tìm cách liên hệ với Đức. Cũng với nội dung, cách thức và địa điểm giao dịch như lần trước, nhưng lần này chị Diệp đã báo trước cho cơ quan Công an. Khi Đức đến điểm hẹn giao hàng thị bị phát hiện, bắt giữ. Bố mẹ của bị cáo đã thay con bồi thường 1 triệu đồng cho người bị hại.
1 triệu “đổi” 8 tháng tù
Tại phiên tòa, bị cáo tỏ ra thành khẩn khi trả lời các câu hỏi của hội đồng xét xử. Bị cáo khai, do trong quá trình lên mạng xã hội, bị cáo thấy người ta rao đổi tiền giả lấy tiền thật trên mạng. Thấy cũng “dễ ăn”, nên bị cáo bắt chước. Nhưng người ta có tiền giả để đổi, bị cáo không có nên mới nghĩ ra cách dùng tiền âm phủ. Để không bị phát hiện, bị cáo còn cố ý khi giao hàng đã gói ghém thật cẩn thận để kéo dài thời gian “khách hàng” trong lúc lay hoay mở hàng hoá kiểm tra thì bị cáo sẽ “bỏ chạy”.
Tòa: “Bị cáo có biết hành vi mua, bán, lưu hành tiền giả là vi phạm pháp luật không?”. Bị cáo cúi đầu mãi không trả lời. Phải đến lúc tòa nhắc lại câu hỏi lần nữa, Đức mới lí nhí khai, do không hiểu biết pháp luật, nên không biết hành vi của mình sẽ bị khởi tố hình sự.
Tòa giải thích cho bị cáo, việc mua bán tiền giả trên mạng được 2 bên tiến hành sẽ vi phạm Điều 180 của Bộ luật hình sự về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả. Nếu giao dịch dưới 3 triệu đồng tiền giả, sẽ bị xử lý hình sự với khung hình phạt từ 3-7 năm tù, trường hợp đặc biệt nghiêm trọng có thể lên đến mức án chung thân. Nghe đến đây, bị cáo nơi vành móng ngựa chợt rùng mình, chẳng biết vì lời quan tòa tác động đến, hay vì cơn gió bất chợt ngoài cửa thổi vào. Trong vụ án này, do tiền bị cáo dùng để giao dịch là tiền âm phủ, nên chỉ bị truy tố về tội lừa đảo.
Vị hội thẩm hỏi bị cáo làm nghề gì? Bị cáo khai không có nghề nghiệp. “Bị cáo có vợ, 3 đứa con, bị cáo không nghề nghiệp, vậy lấy gì nuôi vợ con?”. Bị cáo im lặng. “Mình đã làm chồng, làm cha, phải biết sống có trách nhiệm. Sau này còn làm gương cho con cái noi theo. Bị cáo có thấy xấu hổ hay sợ hãi khi nghĩ đến nếu con cái sau này noi theo gương xấu của mình thì phải làm thế nào?”.
Bị cáo lí nhí bảo, từ hôm bị tạm giam đến nay, bị cáo đã thấy hối hận vô cùng. Lần này ra tù, nhất định sẽ chăm chỉ làm ăn, sống cuộc đời đàng hoàng, trong sạch, sẽ lo làm ăn nuôi con.
Vợ bị cáo ngồi bên dưới rơm rớm nước mắt. Người phụ nữ mặt mày cũng non choẹt như bị cáo. Chị năm nay mới 22 tuổi nhưng đã làm mẹ của ba đứa con nheo nhóc. Chị phân bua, chồng mình không phải không có nghề nghiệp. Mẹ chồng làm nghề mổ gà vịt. Chị tuy bận bịu con nhỏ, nhưng cũng cùng chồng phụ giúp công việc cho bà, chứ chẳng phải lêu lổng như quan tòa phê phán. Cô vợ trẻ bất bình.
Tòa nhận định, mặc dù số tiền mà bị cáo chiếm đoạt lần này là 1 triệu đồng, nhưng trước đó bị cáo bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, bị cáo lại tiếp tục dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản, nên phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này. Do đó, bị cáo bị truy tố, xét xử về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hành vi phạm tội của bị cáo làm ảnh hưởng xấu đến an toàn, trật tự xã hội. Mặt khác, bị cáo là người có nhân thân rất xấu, mà vẫn tiếp tục phạm tội nên phải xử lý thật nghiêm khắc. Tòa tuyên phạt bị cáo 8 tháng tù.
Theo những người làm công tác xét xử, từ vụ án này có rất nhiều điều cần cảnh báo. Nếu tiền bị cáo đưa đến trao đổi với chị Diệp là tiền giả (chứ không phải tiền âm phủ) thì chị Diệp cũng sẽ đứng trước vành móng ngựa, bị xử lý hình sự vì hành vi mua, bán, lưu hành tiền giả chứ không may mắn là người bị hại như trong vụ án này. Đồng thời, bất cứ ai cũng cần thận trọng khi giao dịch, mua bán thông qua mạng xã hội facebook, tránh trở thành “con mồi” của tội phạm hình sự.