Kỳ án heo nái sổng chuồng và ước mơ của cô sinh viên trường Luật

(PLO) - Con heo nái sổng chuồng rồi mất tích đã khiến tình làng nghĩa xóm bị sứt mẻ, gia đình tan đàn xẻ nghé. Nhưng vụ án về con heo nái cũng đã nuôi dưỡng ước mơ của một nữ sinh trường Luật
“Điềm báo” trước về con heo tranh chấp
Cứ về đến đầu khu tổ dân phố Đoàn Kết thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, Đắk Lắk, hỏi tên bà Đỗ Thị Gái (SN 1964) là ai cũng biết ngay đang hỏi về người bị mất con heo nái từng gây xôn xao dư luận.  Vụ án “có một không hai” về con heo nái sổng chuồng từng phải kiện lên đến tòa án tối cao.
Mặc dù bà Gái đang rất vội đi lên bệnh viện mổ sỏi thận, nhưng vừa có khách vào nhà hỏi chuyện vụ kiện “con heo nái sổng chuồng”, lập tức bà gạt hết việc gấp lại để tiếp khách. Mở đầu câu chuyện, bà Gái đã tỏ ra bức xúc chẳng kém gì thời điểm vụ tranh chấp diễn ra.
Bà cho biết, sau vụ tranh chấp con heo nái, quan hệ tình làng nghĩa xóm giữa bà và người “thủ tiêu” heo của bà không được tốt đẹp như trước. “Chúng tôi không thèm nhìn mặt nhau, chẳng khác nào “không đội trời chung”. Cũng vì ấm ức, suy nghĩ nhiều về nỗi oan này mà tôi sinh thêm bệnh. Lát phải nhập viện để mổ sỏi thận”, bà Gái cho biết.
Mang xấp tài liệu liên quan vụ việc từ trong tủ ra, bà Gái bắt đầu thuật lại. bao nhiêu năm, vì canh cánh không nguôi nỗi oan ức của mình mà bà nói như cháo chảy tỉ mỉ về sự việc: Cuộc sống gia đình không được êm ấm như người khác nên hai vợ chồng âm thầm ra tòa giải quyết. 
Cả 3 người con đều muốn về ở với mẹ nên một tay bà Gái đảm đương lo cho con từ ăn học đến xin việc. Cuộc sống ngày càng khó khăn mà tiền nuôi 3 con ăn học chỉ trông cậy vào đồng lương eo hẹp làm giáo viên tiểu học của bà. Cũng vì thế bà Gái quyết định gom góp tiền mua 1 con heo nái về nuôi nhằm cải thiện đời sống. 
Điều đặc biệt của con heo này, là thời điểm mua, con heo đang có chửa. Người bán heo cho bà Gái là anh Lê Thái Trãi (SN 1972, ngụ cùng tổ dân phố, làm nghề mổ heo). Trong một chuyến mua heo về mổ, anh thấy xót xa khi phải giết thịt một con heo đang có chửa. Anh Trãi liền đem chuyện kể cho bà Gái biết. 
Thấy tiếc nên bà Gái gạ anh bán cho con heo với giá 5,1 triệu đồng. “Khi tôi mua heo về có nhiều hàng xóm nói ra nói vào là không nên mua heo đã chửa về nuôi vì kiểu gì cũng có chuyện. Tôi chẳng để ý những lời đó vì chỉ nghĩ rằng mình sẽ có lãi hơn là thiệt trong trường hợp này, nào ngờ chuyện xui là có thật”, bà Gái  tâm sự. 
Bà nhớ như in con heo lông màu trắng, tai có đốm đen, lưng gãy, ngắn đòn, rất háu ăn, nuôi rất nhàn. Vì nhà chật nên bà đã nhốt heo nhờ chuồng nhà hàng xóm bên cạnh. Nuôi được 2 tháng thì heo nái đẻ được 12 con, bán được 10 triệu đồng. 
Ngày 5/5/2012, con heo nái động đực nhảy khỏi chuồng. Bà Gái cùng hàng xóm đi tìm nhiều ngày liền nhưng không thấy đâu. Đến ngày 21/5, bà Gái sang nhà hàng xóm là bà Nguyễn Thị Thọ (SN 1963), thì thấy con heo nái của bà đang nhốt ở đây nên ngỏ ý thương lượng với hi vọng bà Thọ sẽ trả lại heo. Bất ngờ thay, bà Thọ nhận ngay đây là heo của mình, được đổi bằng 1 cặp heo con cho người em nên không chịu trả. 
Bức xúc trước sự trắng trợn của người hàng xóm này, bà Gái nhờ chính người bán heo cho mình và cùng với một số hàng xóm qua xác minh hộ. “Họ đều là những người biết về lai lịch và từng nhìn thấy con heo của tôi. Vừa nhìn thấy con heo, họ đã xác nhận ngay. Vậy mà bà Thọ cứ khăng khăng bảo là heo của bà ta. Trong khi con heo này anh Trãi đã mua lại của một người dân tộc thiểu số, đã đẻ được 2 lứa. Anh ấy nuôi một tháng mới bán cho tôi, vì thế anh là người biết rõ hơn ai hết”, bà Gái nhớ lại.
Không tự thỏa thuận được, tối ngày 21/5/2012 bà Gái nhờ đến chính quyền thôn. Đại diện chính quyền địa phương đã lập biên bản, ghi rõ rằng trong thời gian xác minh, con heo phải để tại nhà bà Thọ, không được di chuyển đến địa điểm khác. “Ngày mất heo, tôi đi tìm khắp nơi và có hỏi bà Thọ. Trong khi heo của tôi bị nhốt trong chuồng nhà bà ấy, thế mà bà Thọ lại còn chỉ cho tôi hướng con heo nó chạy để tôi cất công đi tìm. Đến ngày bị tôi phát hiện, bà ấy không những không trả lại còn thách tôi đi kiện”, bà Gái nhớ lại. Trước lời thách thức ấy, bà Gái đã đem đơn đi khởi kiện lên tòa án huyện 
Người mất heo thắng ở tòa sơ thẩm, thua ở tòa phúc thẩm
Ngày 27/9/2012, tại TAND huyện Lắk đã diễn ra phiên tòa xét xử vụ án tranh chấp quyền sở hữu tài sản, giữa nguyên đơn bà là Đỗ Thị Gái, bị đơn là bà Nguyễn Thị Thọ (cùng ngụ tổ dân phố Đoàn Kết). Đồng thời rất đông người dân trong xã, huyện vượt đường xá xa xôi để đến xem tòa xử án. Cuối cùng phiên tòa kết thúc trong tiếng reo hò, vỗ tay tán thưởng của người dân, bởi người thắng kiện không ai khác chính là bà Gái.
Theo đó, những lời khai của bà Thọ đều bị các nhân chứng phủ nhận, bác bỏ. Tại tòa, bà Thọ khai bà đổi 2 con heo con cho người em là Nguyễn Văn Báu (ngụ thôn Đông Giang) để lấy con heo nái đốm này. Ngày 4/3/2012, vợ chồng anh Báu chở heo nái qua nhà bà trước sự chứng kiến của anh Đỗ Xuân Diệu, Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn Thị Huyền, Đinh Thị Quất. 
Thế nhưng các nhân chứng trên đều nói không biết, thậm chí bà Quất còn nói chưa từng đến nhà bà Thọ. Đồng thời, anh Báu khai trước khi chở heo qua nhà Thọ, anh đã cho heo đực của nhà phối giống cho con heo nái này. Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Hoa trưởng thôn Đông Giang lại khẳng định anh Báu chưa bao giờ nuôi heo đực để phối giống.
Một điểm nữa, do bà Thọ khai rằng heo nái được phối giống nên ai cũng chờ đợi đến ngày heo đẻ để làm rõ ràng sự việc. Vậy nhưng bà Thọ khai vào rạng sáng 10/7 heo nái đẻ, đến 4h30’ sáng ngày 11/7 thì heo nái chết. Tiếc của, bà đã nhờ em gái nhắn mấy người mua heo sọt từ nơi khác đến mua. Sau đó bà gọi điện báo với ông Vượng trưởng thôn rằng heo chết rồi.
Tuy nhiên, ông Vượng khẳng định bà Thọ chỉ gọi cho ông lúc 7h46 để nói “heo em đẻ rồi”, ông dặn bà Thọ báo ngay cho công an và tòa án xuống lập biên bản làm việc. Lạ thay, khi cơ quan chức năng đến thì con heo đã “bay hơi”, không còn ở chuồng bà Thọ nữa... Và hơn hết, người dân ai cũng biết rằng, những người mua heo sọt ở vùng này đều từ địa phương khác tới, họ không bao giờ mua heo chết, cũng không thể có mặt tại huyện Lắk trước 8h sáng.
Bà Gái bên chuồng heo 
Căn cứ vào những lời khai đầy mâu thuẫn so với thực tế ấy của bà Thọ, HĐXX khẳng định: Con heo nái mà hai bên tranh chấp đúng là con heo nái của bà Gái. HĐXX tuyên bà Thọ phải trả cho bà Gái số tiền 4,1 triệu theo giá trị con heo nái, 600 ngàn đồng chi phí định giá, đồng thời phải thanh toán án phí. “Do heo của tôi đang thời kỳ động đực bị bà ấy nhốt nên không thể có chửa. Thế nhưng trước đó, chị em bà Thọ đã lỡ bịa chuyện phối giống cho heo. Cũng vì thế mà họ phải dựng tiếp màn kịch heo đẻ nhưng bị chết phải bán đi để tẩu tán vật chứng”, bà Gái cho biết.
Bà Thọ kháng án lên tòa tán tỉnh. Một lần nữa vụ tranh chấp con heo nái lại đưa ra xét xử phiên phúc thẩm tại TAND tỉnh Đắk Lắk vào ngày 12/11/2012. Tòa phúc thẩm cho rằng cấp sơ thẩm đã có nhiều sai sót khi không yêu cầu cơ quan thú y xác định heo có thai hay chưa và có bao nhiêu vú. Do heo đã chết, nếu cấp phúc thẩm hủy án thì cấp sơ thẩm cũng không thể bổ sung được và chỉ kéo dài vụ kiện. Rốt cuộc, tòa phúc thẩm bác đơn kiện của bà Gái, phải chịu án phí, chi phí định giá tài sản.
Cũng vì điều này mà nhiều người dân sống tại tổ dân phố Đoàn Kết đã đồng loạt kí đơn gửi cơ quan  chức năng xét xử lại. Đến tháng 1/2013, Tòa dân sự TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao hồi âm đã nhận được đơn thư của bà Gái, đồng thời cho biết vụ việc tranh chấp thuộc thẩm quyền của vụ 5 (Vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, Viện KSNDTC).
Mẹ “truyền đời” cho con vụ kiện
Cô con gái út của bà Gái là Lưu Thị Mỹ Thanh (SN 1994) cũng vì ấm ức trước nỗi oan của mẹ mà thay đổi từ việc lựa chọn nối nghiệp mẹ thi vào trường sư phạm để chuyển sang thi trường Luật. Hiện Thanh đang là sinh viên năm 2 của trường Đại học luật Trà Vinh. 
Thanh chia sẻ rằng cô còn nhớ như in cái ngày heo sổng chuồng. “Hôm đó mẹ em đi về quê có việc, heo động đực nên rất hung dữ, nhảy ra khỏi chuồng đến 3 lần. Và cả 3 lần đó em đều phải đi nhờ hàng xóm tìm đuổi về hộ. Đến tối mẹ em về biết chuyện nên bảo hôm sau sẽ rào lưới lại để heo không nhảy ra nữa. Nhưng sáng hôm sau em ngủ dậy đã thấy mẹ đi tìm heo rồi. Em không ngờ, vì con heo ấy mà hàng xóm phải đưa nhau ra tòa, rồi để tai tiếng cho cả đôi bên như vậy”, Thanh chia sẻ.
Cũng theo Thanh, từ khi mẹ đem đơn đi kiện cô thấy mẹ lo lắng và gầy đi rất nhiều. “Mẹ em cũng chỉ muốn hòa giải cho xong rồi đâu lại vào đấy, nhưng không ngờ bên kia họ lại ngoan cố vậy. Khi đó phần vì thương mẹ, phần vì mẹ tác động là thi vào trường luật may ra sau này còn giúp dân minh oan được. Thế là em đã thi đỗ vào trường luật năm đó. 
Mấy lần phiên tòa diễn ra em muốn về dự nhưng mẹ không cho. Em chỉ có thể gọi về để biết thông tin. Lúc biết tòa huyện xử thắng em mừng lắm. Nhưng đến khi tòa tỉnh xử thua em đã rất bất ngờ. Hàng xóm gọi điện báo em gọi động viên mẹ ngay vì mẹ đang suy sụp lắm. Nghe điện thoại chỉ nghe thấy mẹ khóc kêu là oan thôi”, Thanh buồn rầu.
Ngay khi đỗ vào trường Luật, Thanh đặc biệt chú tâm môn học luật dân sự vì mong muốn trước hết là để lật lại vụ việc của gia đình mình, sau là giúp những người dân yếu thế minh oan. “Khi biết mẹ bị thua kiện, em đã đặt cho mình trọng trách sẽ đòi lại công bằng cho gia đình. Em không muốn một đời là giáo viên của mẹ bị tai tiếng. Và em cũng không muốn sau này người ta nhìn em mà xì xào rằng em là con của người “vừa ăn cướp vừa la làng”, trong khi gia đình em mới là người bị mất heo”, nữ sinh trường luật cho hay.
Chia sẻ thêm Thanh bày tỏ niềm tin tưởng vào sự công bằng của pháp luật. Mỗi lần gọi điện hỏi thăm sức khỏe mẹ, Thanh lại nhắc mẹ đưa đơn tiếp. “Tuy các bằng chứng không còn, nhưng có rất nhiều điểm vô lí mà chưa được giải thích thuyết phục. Do đó không sớm thì muộn, khi thấy mình đủ khả năng, em sẽ căn cứ vào những gì đã có để lật lại vụ việc này và… phải thắng kiện. Nếu học luật mà không bảo vệ được cái đúng thì thật là vô ích”, Thanh tâm sự./.

Đọc thêm