Thi đâu… “nóng” đó
Việt Nam hiện có rất nhiều các cuộc thi nhan sắc lớn nhỏ như: Hoa hậu (HH) Việt Nam, HH hoàn vũ, HH thế giới người Việt, HH các dân tộc Việt Nam, HH Du lịch Việt Nam, Miss Teen, HH Đại Dương Việt Nam 2014, Nữ hoàng Việt Nam…
Bà Đ.H.S, người có trên 25 năm kinh nghiệm đào tạo các người đẹp và giành giải cao tại các cuộc thi sắc đẹp chia sẻ: Gần đây, các cuộc thi sắc đẹp giống như một cuộc “chạy đua” về số lượng, được tổ chức rầm rộ nhưng chất lượng với những vẻ đẹp chân - thiện - mĩ lại lại đang bị xem nhẹ.
Chưa kể tới hậu trường của các cuộc thi HH với sức ép và cường độ làm việc đến ngộp thở: “Đưa các em đi thi, thấy cảnh tổ chức cuộc thi bát nháo, thiếu chuyên nghiệp làm tôi rất xót xa. Các em đã khổ công tập luyện hàng tháng trời, về tập đi đứng, tạo dáng, biểu lộ cảm xúc, tập thể dục thẩm mỹ. Cả hành trình tham dự cuộc thi là hành trình chịu cảnh “lệch chuẩn” về chế độ ăn uống, nghỉ ngơi. Nửa đêm còn phải trang điểm, chụp ảnh để kịp thời gian cho sáng hôm sau tham dự kỳ thi”.
Bà S cho hay, trước đây bà rất hăng hái trong chuyện đưa các người đẹp đi thi các cuộc thi nhan sắc, nhưng càng về sau, nhiệt huyết ấy càng giảm. Bà cho rằng, các cuộc thi sắc đẹp hiện nay “không còn như xưa” vì bị chi phối bởi nhiều yếu tố không tích cực và minh bạch.
Để có những giải thưởng cao, ngoài những tiêu chuẩn hình thể, sắc đẹp, thông minh, “vịt bầu muốn hóa thiên nga” không thể thiếu sự hậu thuẫn của cả ekip để xây dựng hình ảnh, vạch chiến lược bài bản. Hơn nữa, hậu trường cuộc thi còn đầy rẫy những lùm xùm như việc giải thưởng bị trả chậm trễ, khiến nhiều thí sinh được giải cũng bất bình. Năm 2008, thí sinh đạt giải Á hậu trong cuộc thi HH Du lịch Việt Nam đã phải rất nhiều lần gọi điện đến BTC cuộc thi (đại diện Hãng phim Á Châu - PV) mới có thể nhận tiền giải thưởng.
Dư luận đã từng sốc trước rất nhiều cuộc thi mà giải thưởng được “ngã giá” thẳng thừng bằng tiền. Điển hình như màn tố nhau của thí sinh sau cuộc thi HH Phu nhân người Việt thế giới năm 2013.
Gần đây nhất, bất mãn vì chỉ đạt giải phụ ở cuộc thi “Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam 2014”, một thí sinh đã thẳng tay vứt vào thùng rác dải băng danh hiệu Người đẹp hình thể ngay sau đêm chung kết. Thí sinh trên còn tự chụp hình dải băng ghi danh hiệu nằm trong xe rác tung lên mạng xã hội, kèm theo những lời chỉ trích Ban tổ chức cuộc thi…
Bát nháo “lò luyện chân dài”
Ai cũng hiểu các danh hiệu, đặc biệt danh hiệu từ các cuộc thi uy tín thường mang đến nhiều cơ hội tỏa sáng như nhận được các hợp đồng quảng cáo, tham dự các event lớn với thù lao cao, quen biết đại gia… Thế nên, Việt Nam đã xuất hiện rất nhiều “lò” đào tạo người mẫu, thực tế đa phần là “lò luyện chân dài” chứ chưa phải đào tạo người mẫu theo đúng bài bản. Tại đây, họ luyện tập các cách đi đứng, tạo dáng, tập thể hình để giống với người mẫu. Sau những đợt “nhào nặn” này, các người đẹp sẽ đi thi thố, việc giật giải hay không ngoài yếu tố may rủi đôi khi còn có sự tác động không nhỏ của các “ông bầu, bà bầu”.
Trong khi đó, các “lò” đào tạo hoa hậu chuyên nghiệp trên thế giới còn đào tạo bài bản về cả vẻ đẹp thể hình, ngôn ngữ và trí tuệ. Tại các “vương quốc hoa hậu” như Venezuela hoặc Nhật Bản, ngoài đào tạo những nội dung trên còn đào tạo về ứng xử văn hoá thông minh, khôn khéo. Đơn cử như cách trả lời phỏng vấn của báo chí, kiến thức báo chí, mong muốn của các nhà báo, cách làm việc của các nhà báo và cách trả lời phỏng vấn sao cho trung thực mà không ngô nghê, cách tránh những câu hỏi “bẫy” của nhà báo mà không để lộ khiếm khuyết của họ về kiến thức, cách ứng xử với những tình huống bất ngờ...
Thí sinh sẵn sàng đánh đổi
Theo huấn luyện viên Đ.H.S, khát vọng chinh phục các cuộc thi sắc đẹp của các cô gái là chính đáng, nhưng nếu không cẩn trọng sẽ “trượt ngã”. Nhiều năm trực tiếp đưa các người đẹp đi thi thố nhưng mỗi lần đi là mỗi lần bà S lại thấy rầu lòng khi chứng kiến người đẹp bị bủa vây bởi nhiều “cạm bẫy” vô hình. Bản thân bà phải từ chối rất nhiều lần những lời gạ gẫm để “ngã giá” về ngôi vị khi đưa các thí sinh đi thi.
Vì thế, với những cô gái thực sự muốn tiến thân nghiêm túc, bà S luôn khuyên phải biết nhìn trước ngó sau, cẩn trọng trong mọi quyết định. “Thực tế, các thí sinh đi thi đều tự túc là chính, không có tiền và không có đơn vị tài trợ. BTC chỉ tài trợ được phần nào về trang phục, trang điểm. Muốn có giải cao, thường phải có đại gia “chống lưng”, những bộ đầm, giày, ví hàng hiệu cũng là nhờ tiền các đại gia mới có. Như hoa hậu M.P.T hoạt động tích cực, có chiều sâu là nhờ có công ty đại gia đằng sau”.
Một thực tế khác, mới đây, vụ li hôn bất ngờ của hoa hậu D.H đã tố việc trước đó hoa hậu nói dối chưa chồng để đi thi. Thậm chí sau khi đăng quang, cô luôn khẳng khái tuyên bố mình tự thân vận động, không hề có đại gia “chống lưng”. Sự việc vỡ lở mới biết chồng cũ hoa hậu là một trong những “trùm” bất động sản tại TP.HCM, đã không tiếc tiền mua nhà 30 tỉ cho cô tại Sài Gòn, rồi một căn nhà tại Hà Nội để cô nghỉ ngơi khi lưu diễn xa.
Tuy nhiên, theo bà S, không ít người đẹp coi danh hiệu ở các cuộc thi là một bệ phóng để từ đó đạt được nhiều mục đích khác nên sẵn sàng đánh đổi cả bản thân. Chính các siêu mẫu V.M.H hay L.K.Đ đã nhiều lần chia sẻ với bà S về những gì họ phải đánh đổi để lấy hào quang ngôi vị và nhận các show trình diễn thời trang.
“Chơi dao” cẩn thận có ngày đứt tay. Những người trẻ có chút nhan sắc nhưng thiếu phông nền văn hóa khi lao vào ánh hào quang của các cuộc thi, giành giật các giải thưởng, các vương miện, nếu không cẩn thận sẽ có ngày trượt ngã trên “sàn diễn” của chính mình.