Đoàn xe tăng đang Tổng tiến công, hết xăng sau nhiều ngày hành quân, ông đặt bút ký lệnh xuất 47 tấn xăng vừa thu được để tiếp tục “Tiến thẳng Sài Gòn”, với lòng tin mãnh liệt: “Mọi hậu quả sẽ tự mình chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Bộ Chính trị”.
Những ngày tháng tại Cục Tác chiến
Những ngày êm đềm không được lâu. Tháng 3/1965, Mỹ đổ quân vào Việt Nam. Cả nước chính thức bước vào chiến tranh chống Mỹ. Tướng Lê Phi Long được bổ nhiệm làm thư ký quân sự, trực tiếp dưới quyền Đại tướng Võ Nguyên Giáp, công tác tại Cục Tác chiến, lúc này đã được chuyển xuống một hầm ngầm bí mật giữa lòng thủ đô Hà Nội.
Tướng Long kể với chúng tôi: “Hầm bằng bê tông dày tới 35m, nằm sâu dưới lòng đất. Lúc đó toàn bộ Bộ Chính trị và Bộ Quốc phòng cũng được chuyển xuống đây. Tôi còn nhớ bàn làm việc của tôi nằm phía sau, từ đấy có thể thấy cả sa bàn chiến trường và bàn Hội nghị nơi Bộ Chính trị thường xuyên họp.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn và những đồng chí khác trong đầu não nước ta đều làm việc dưới này. Mỹ biết có hầm đó, nhưng không biết chính xác hầm ở đâu, và có ném bom cũng không phá hủy hầm được nên đành bó tay thôi”.
Căn hầm ngầm đầy bí ẩn trong Hoàng thành Thăng Long nay đã là địa điểm tham quan đặc biệt thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước khám phá câu chuyện lịch sử đầy ắp nơi đây. Ảnh: Dân trí. |
Thật vậy, hầm có khả năng chống đỡ cả bom từ pháo đài bay B52 của Mỹ, nên trong suốt trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972, các lãnh đạo nước ta vẫn được đảm bảo an toàn.
Thời gian này, Tướng Lê Phi Long nhậm chức Cục phó Cục Tác chiến, chịu trách nhiệm thu thập báo cáo của khắp các chiến khu, chiến trường miền Nam 3 lần / ngày, để tổng hợp thành báo cáo tổng kết và trình Bộ Tổng tham mưu.
Do đó, ông là người đầu tiên nắm hết toàn bộ tình hình chiến trường miền Nam. Rất nhiều lần. những tham mưu của ông đã giúp bộ đội chủ lực của ta né được nhiều trận tấn công chết người, bảo toàn lực lượng và phản công chớp nhoáng tiêu diệt địch.
Cuối năm 1974, Mỹ và các nước đồng minh đã rút quân gần hết khỏi Việt Nam, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa mất đi một lực lượng lớn, bắt đầu chao đảo trước sức ép từ miền Bắc. Thời điểm Tổng tiến công thống nhất không còn xa nữa. Tướng Long được điều vào Nam chuẩn bị nhân lực, vật lực cho đợt Tổng tiến công sắp tới.
Phòng họp của Bộ chính trị và Quân ủy trung ương chiếm 2 trong 3 gian giữa toà nhà. Bàn họp lớn kê giữa phòng, đủ chỗ cho khoảng hơn 20 người. Các vị trí ngồi của các vị lãnh đạo và tướng lĩnh vẫn được giữ nguyên tới giờ. Phía trước và sau thông ra hành lang và sân. Hai phía có cửa thông sang phòng giải lao và phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Dân trí. |
Tháng 3/1975, ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm hướng Tây Nguyên, trực tiếp chỉ đạo chiến dịch Tây Nguyên và sau đó là chiến dịch duyên hải miền Trung, mở đường tiến công vào Sài Gòn. Quân đội Sài Gòn sĩ khí chiến đấu đã không còn, nhiều đơn vị tự giác đầu hàng.
Với kinh nghiệm làm thông ngôn và ngoại giao, nhiều tướng địch như Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tướng Phạm Ngọc Sang và đại tá cố vấn Mỹ J. Lewis đã được ông chiêu dụ, tự động cung cấp thông tin tình báo, giúp quân ta tiết kiệm được nhiều thời gian và binh lực khi tiến hành tấn công, chiếm đóng.
Người giữ “Thẻ Đỏ” quyền lực
Câu chuyện về chiếc “Thẻ Đỏ” bí ẩn lại không được Thiếu Tướng Lê Phi Long kể cho chúng tôi nghe mà là từ người con trưởng của ông, Đại tá An ninh Lê Trung Dũng, trong một buổi trò chuyện sau đó.
Ông Dũng kể lại rằng: “Hồi ấy tôi khoảng mười mấy tuổi, có lần vô tình thấy trong mớ đồ tùy thân của bố có một chiếc thẻ đỏ vạch đen, không biết để làm gì. Tôi hỏi bố, thì bố dặn tôi ngay là thẻ này rất quan trọng, không được nói với ai.
Mãi sau này khi lớn hơn tôi mới biết Thẻ Đỏ đó cho phép người mang có được nhiều quyền ưu tiên đặc biệt, được đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng giao phó trước khi bố tôi vào Nam chiến đấu.”
Tháng 4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức bắt đầu. Tướng Lê Phi Long được phân công làm Trưởng phòng Chiến trường, trực tiếp tham mưu tấn công Sài Gòn.
Bộ Quốc phòng quyết định tiến công thần tốc, chớp nhoáng, không để cho đối phương kịp trở tay.
Hệ thống hầm ngầm sâu 10m, nằm dưới khoảng sân giữa nhà con Rồng và nhà D67 gồm 4 phòng, rộng khoảng 50m2, trong đó có một phòng họp, các phòng chung nhau hành lang bên. Hệ thống hầm ngầm này được thiết kế chịu được tên lửa và bom hạng nặng. Ảnh: Dân trí. |
Nhưng điểm mấu chốt của tiến công thần tốc chính là lương thực, đạn dược và nhiên liệu phải được đảm bảo đầy đủ từ trước, vì quân bị không thể nhanh chóng vận chuyển ra chiến trường phục vụ chiến đấu được.
Xe tăng lại chính là một trong những khí tài dễ bị vô hiệu hóa nếu quá trình chuẩn bị không chu đáo.
Khi đoàn quân tiến vào đến Nha Trang, xe tăng quân ta sau nhiều ngày hành quân và chiến đấu đã cạn sạch nhiên liệu, không thể tiếp tục tiến về Sài Gòn.
Tổng tiến công chẳng lẽ đến đây rồi phải ngưng?
Lúc đấy, quân ta vừa chiếm được một kho xăng từ quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Quân VNCH vừa rút chạy vừa phá hủy các kho dự trữ và cơ sở vật chất nhằm làm chậm bước tiến của quân miền Bắc. Rất may, kho xăng này vẫn còn 54 tấn nhiên liệu lưu lại.
Không chần chừ, không cần đợi chỉ thị từ Hà Nội, Tướng Lê Phi Long dùng quyền quyết định trên chiếc “Thẻ Đỏ” của mình ký xuất ngay 47 tấn đổ đầy tất cả xe tăng, trong vòng 1 buổi tiếp tục tiến về miền Nam, mọi hậu quả ông sẽ tự mình chịu trách nhiệm trước Đảng và Bộ Chính trị.
Đấy là một trong những lần hiếm hoi các chiến sỹ thân tín thấy ông sử dụng quyền lực của “Thẻ đỏ” mà Thủ Tướng Phạm Văn Đồng gửi gắm.
Sau khi chiến tranh, chẳng ai thấy Tướng Lê Phi Long dùng chiếc Thẻ Đỏ đó nữa. Tung tích của chiếc thẻ cũng từ đấy mà biệt tăm.
Vĩ thanh
Gần 70 năm tuổi Đảng, sống 2/3 cuộc đời với bom đạn chiến tranh, Thiếu tướng Lê Phi Long hiện đang sống một cuộc sống an nhàn, không lo toan, chẳng suy nghĩ gì nhiều cùng người con cả Lê Trung Dũng.
Ông luôn tự hào về 3 đứa con của mình, dù sinh ra trong cảnh bom rơi đạn lạc, xa cha từ nhỏ, nhưng ai cũng biết phấn đấu vươn lên, học hành thành tài, trở thành người có ích cho xã hội.
Đây là một trong 2 hệ thống hầm ngầm dưới Hoàng thành Thăng Long. Có diện tích lớn hơn hầm ngầm T1, công trình D67 được xây dựng hết sức đặt biệt về cấu trúc và kỹ thuật gồm một kiến trúc ở trên và một hệ thống hầm ngầm phía dưới. Phần nổi công trình có diện tích 604m2 với hệ thống tường, mái bằng bê tông cốt thép kiên cố. Nhà D67 vẫn được Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam quản lý và sử dụng. Tới năm 2004, toàn bộ công trình được bàn giao cho Ban Quản lý Thành cổ Hà Nội, trở thành khu vực phi quân sự và hiện là một di tích lịch sử cách mạng đặc biệt trong thành cổ Hà Nội. Ảnh: Dân trí. |
Nhưng trên hết, ông dành trọn tình cảm mình cho người vợ quá cố thân thương. Một nách 3 con, chồng công tác xa không biết ngày về, bà vẫn vừa tham gia bảo vệ Thủ đô, vừa nuôi dạy 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Bà vừa là mẹ, vừa là cha.
Ông nhớ vợ mà chia sẻ: “Chuyện của vợ chồng tôi thì còn dài, dài như dòng sông Cửu Long, sông Hồng… không bao giờ kể hết được. Được tiếp thu một nền giáo dục truyền miệng của đạo lý Việt Nam, suốt một đời phụng dưỡng bố mẹ, nuôi dạy con, giúp chồng lập nên sự nghiệp công danh, gánh vác tròn vẹn việc nước việc nhà, sống một đời giản dị liêm khiết. Đó là những gì tôi muốn nói về vợ tôi.”
2 lần tai biến mạch máu não đã lấy đi của ông nhiều thứ, nhưng chắc chắn bệnh tật không thể lấy được của ông 2 điều: Ký ức về những năm tháng đấu tranh gian khổ và Sự hãnh diện, tự hào của một người cha, người chồng về gia đình nhỏ bé của mình.