'Kỳ nghỉ COVID' kéo dài và hệ lụy với sức khỏe trẻ em

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dịch bệnh ở TP HCM gần đây căng thẳng trở lại, số lượng bệnh nhân COVID-19 là trẻ em tăng nhanh, nhóm bệnh nhi trở nặng cũng tăng. Theo ngành Y tế, đã có nhiều bằng chứng rõ ràng là béo phì là một yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh COVID-19 nghiêm trọng và tử vong ở cả người lớn và trẻ em. Có thể nói, “kỳ nghỉ COVID” kéo dài đã gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe của trẻ em.
Trẻ mê games vì kỳ nghỉ dài. (Ảnh minh họa)
Trẻ mê games vì kỳ nghỉ dài. (Ảnh minh họa)

Bệnh viện Nhi đồng TP HCM từng tiếp nhận ca bệnh nhi 15 tuổi rưỡi nhập viện với chẩn đoán COVID-19 nặng, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển kèm tình trạng béo phì nặng với cân nặng 135 kg. Bệnh nhi thở mệt, phì phò nặng nhọc do trẻ béo phì nặng, tím môi dù thở oxy. X-quang phổi tổn thương nặng. Bé được chẩn đoán COVID-19 nặng nguy kịch và phải được điều trị tích cực với thở oxy lưu dòng cao, kháng sinh phổ rộng, kháng viêm liều cao, kháng đông, hỗ trợ. May mắn sau hơn 2 tuần điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhi đã được cải thiện.

Theo ngành Y tế, số trẻ thừa cân, béo phì tại Việt Nam tăng hơn 2 lần chỉ trong 10 năm qua, đặc biệt cao tại khu vực thành thị, các thành phố lớn. Dịch bệnh đã làm xáo trộn ít nhiều lối sống của nhiều gia đình, đặc biệt là trẻ em có thời gian ngồi xem tivi, chơi điện tử và ngủ nhiều. Mặt khác, tại các gia đình trong thành phố thường dự trữ đồ ăn trong tủ lạnh tạo điều kiện cho trẻ em ăn vặt, ăn nhanh…

53% phụ huynh không biết con mình bị thừa cân

Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019 - 2020 của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở Việt Nam tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Chiếm tỷ lệ cao hàng đầu là khu vực thành thị với 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi 6,9%. Điều đáng nói là có đến 53% các vị phụ huynh không biết con mình bị thừa cân, hoặc đánh giá thấp hơn mức bình thường.

Phòng khám - tư vấn dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng quốc gia từng gặp nhiều trường hợp trẻ từ suy dinh dưỡng trở thành béo phì như một cháu bé khi sinh ra chỉ có 1,5kg nhưng đến 9 tuổi đã nặng tới 57kg. Khi hỏi chuyện bố mẹ cháu bé thì bác sĩ được biết, do cháu khi mới sinh quá bé, gia đình luôn mong cháu chóng lớn nên cho cháu ăn một chế độ đặc biệt rất nhiều thịt và đồ ngọt. Bữa sáng của cháu trước khi đi học gồm: một bát cơm rang trứng, thịt rán, cốc sữa. Thế là từ một đứa trẻ suy dinh dưỡng nặng đã trở thành béo phì.

Trong một khảo sát của Viện Dinh dưỡng thực hiện với 600 bà mẹ tại Hà Nội, Đà Nẵng và Hải Phòng, có tới 47% mẹ có con trong tình trạng dinh dưỡng bình thường đánh giá con mình suy dinh dưỡng. Còn trong 27% bà mẹ có con béo phì, chỉ có 2% nhận định đúng về tình trạng con mình.

Từ việc nhận định không chuẩn xác về hình thể của con, không ít cha mẹ áp dụng sai lối sống. Trong đó, 3 yếu tố dinh dưỡng, vận động và sinh hoạt mất cân đối khiến trẻ đối diện nguy cơ thừa cân, béo phì. TS. Bùi Thị Nhung - Chủ nhiệm khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia - cho biết: “Quan điểm của các gia đình về hình thể con trẻ là một phần nguyên nhân. Ông bà, cha mẹ thích con bụ bẫm từ bé, dẫn đến trẻ thừa cân ở độ tuổi mầm non, rồi cứ thế tiếp diễn dẫn đến béo phì ở độ tuổi tiểu học”.

Theo ý kiến của Ths.Bs. Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, dịch bệnh đã làm xáo trộn ít nhiều lối sống của nhiều gia đình, đặc biệt là trẻ em khi có thời gian ngồi xem tivi, chơi điện tử và ngủ nhiều. Hơn nữa tại các gia đình trong thành phố thường dự trữ đồ ăn trong tủ lạnh tạo điều kiện cho các cháu ăn vặt, ăn đồ ăn nhanh như kẹo ngọt, bim bim, xúc xích, nước ngọt … Có thể nói, bối cảnh giãn cách xã hội vì dịch bệnh kéo dài khiến trẻ ăn uống tự do, đầy đủ hơn, cũng như có ít cơ hội tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời, dẫn đến nguy cơ thừa cân, béo phì.

Cần sự chung tay từ phụ huynh và nhà trường

Trước những hậu quả nặng nề đến từ việc chăm con quá đà, các chuyên gia cho rằng tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ tiểu học nên được chú trọng xử lý sớm. Tuy nhiên, cần sự đồng lòng, chung sức từ cả 3 cấp độ phụ huynh, nhà trường và xã hội. Về phía phụ huynh, chuyên gia khuyến cáo cha mẹ nuôi con khoa học, tăng vận động, giảm dung nạp; chủ động theo dõi, thăm khám và không chủ quan khi con có dấu hiệu thừa cân. Phụ huynh cũng nên tìm hiểu về tháp dinh dưỡng cho từng độ tuổi để đáp ứng năng lượng cho trẻ ở mức hợp lý, đủ “chất” nhưng không dư “lượng”.

Nỗi lo trẻ em béo phì vì kỳ nghỉ kéo dài.

Nỗi lo trẻ em béo phì vì kỳ nghỉ kéo dài.

TS Bùi Thị Nhung cho rằng trẻ em và đặc biệt là nhóm trẻ tiểu học có xu hướng dung nạp nhiều bữa ăn cả chính và phụ, “khác với trẻ nước ngoài béo phì chủ yếu do nước có ga và thức ăn nhanh, trẻ Việt Nam lại chủ yếu do ăn nhiều, bữa ăn nhiều, khẩu phần nhiều”.

Cộng hưởng với chế độ dinh dưỡng kém hợp lý, trẻ em tiểu học còn dễ tăng cân bởi xem nhẹ yếu tố vận động, khiến mất cân bằng năng lượng mà chủ yếu cán cân nghiêng về phía “nạp” hơn phía “tiêu”. Nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy 39% học sinh tiểu học ở Hà Nội và TP HCM không hoạt động thể chất đủ theo tiêu chuẩn.

Cuối cùng, chế độ sinh hoạt không điều độ cũng tác động đến cân nặng trẻ. Nhiều gia đình cho trẻ ngủ không đúng giờ do TV, smartphone, hay cha mẹ chưa ngủ nên trẻ cũng thức cùng. Trẻ ngủ ít vào ban đêm dễ tăng cảm giác đói, thèm ăn, tăng nguy cơ béo phì theo thời gian.

Ngoài gia đình, cán cân béo phì ở trẻ Việt độ tuổi học đường còn quyết định bởi sự hợp lực của nhà trường và xã hội. Cần bổ sung các sân chơi cho trẻ để tăng cường vận động, sinh hoạt. Ngoài ra, tăng cường giáo dục cho trẻ lẫn giáo viên về hậu quả của thừa cân, béo phì và tầm quan trọng của vận động là điều cần thiết.

Theo nhiều chuyên gia, các phương pháp hướng dẫn trẻ tập thể dục ít nhất 60 phút/ngày giúp trẻ tiêu hao năng lượng dư thừa, giảm tích tụ chất béo. Ngoài ra, bố mẹ có thể khuyến khích trẻ tham gia công việc nhà: quét nhà, giặt quần áo, rửa bát… hoặc hướng dẫn cho trẻ tập các bộ môn thể dục tại nhà như chống đẩy, tập xà đơn, lắc vòng. Việc tập thể dục đều đặn thế này sẽ tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch cho cơ thể. Trẻ em có điều kiện phát triển trí tuệ, nâng cao thể chất cũng như hạn chế mắc các bệnh mãn tính như: tim mạch, huyết áp, tiểu đường.

Vừa qua, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2040. Chiến lược gồm 6 mục tiêu cụ thể với 29 chỉ tiêu cụ thể. Trong đó có mục tiêu khống chế thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa dinh dưỡng; dự phòng các bệnh mạn tính không lây và kiểm soát các yếu tố nguy cơ có liên quan ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành. Cụ thể, đến năm 2030 đạt mục tiêu khống chế tỷ lệ thừa cân béo phì của trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 10%; trẻ 5-18 tuổi ở mức dưới 19%; người trưởng thành 19-64 tuổi ở mức dưới 20%.

Trẻ nghiện games vì kỳ nghỉ dài

Những ngày nghỉ kéo dài, không gặp bạn bè, trong khi đó thời gian rảnh rỗi quá nhiều, nhu cầu được quan tâm, chia sẻ của các em không được đáp ứng, vì vậy khi đắm chìm vào “thế giới ảo” để chơi games, được gặp gỡ bạn cùng trang lứa, cùng cảnh ngộ, làm trẻ nhanh chóng nghiện games Năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bổ sung “rối loạn chơi games” hay còn gọi “nghiện game” vào danh sách phân loại thống kê quốc tế về các loại bệnh (ICD 11). Khi sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều, sự tác động của sóng điện tử lên não gây ra rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, đau đầu, thiếu tập trung… ảnh hưởng đến khả năng học tập và vận động, từ đó trẻ lười ra khỏi phòng và mất động lực học tập.

Để kéo con trở về với thế giới thực, cha mẹ cần quan tâm đến vấn đề tâm sinh lý của con. Các em đòi hỏi được tôn trọng, bình đẳng, có nhu cầu khẳng định mình, không thích sự quan tâm can thiệp cũng như sự kiểm soát quá chặt của người lớn. Nếu cha mẹ tức giận, chửi mắng, giám sát, sẽ càng khiến các em chống đối, tìm đến thế giới ảo nhiều hơn. Cơ hội kéo trẻ ra khỏi thế giới ảo và điều đó phải được thực hiện trên nguyên tắc của yêu thương, tôn trọng và lắng nghe.

Đọc thêm