“Kỷ nguyên” hệ sinh thái

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hôm qua, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (ban hành theo Quyết định số 06/QĐ-TTg).
Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030
Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030

Thực ra đây là một “đề án thành phần” trong nỗ lực thực hiện Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (ban hành theo Quyết định số 942/QĐ-TTg).

Nếu như Chính phủ điện tử là Chính phủ sử dụng các công nghệ thông tin – truyền thông, đặc biệt là Internet, để tăng cường hiệu quả thì Chính phủ số công nghệ số được lồng ghép với ưu tiên của người dùng khi thiết kế, sử dụng dịch vụ và cải tổ toàn diện khu vực công, để tạo ra các giá trị công. Chính phủ số là sự khác biệt, bảo đảm tính công khai, tính minh bạch... cuối cùng là hiệu quả và hiệu suất. Trong Chính phủ số có Chính phủ điện tử.

Như vậy, đó là quy luật tất yếu trong “kỷ nguyên 4.0”. Đại dịch Covid-19 trong 2 năm 2020-2021 tạo ra “cú huých” lớn, đẩy nhanh quá trình xuất hiện “kỷ nguyên số” trên thế giới. Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Việt Nam đã có nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước thể hiện chủ trương phát triển quốc gia trong “kỷ nguyên số”, như Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nói theo ngôn ngữ báo chí, thì đó là việc nắm bắt thời cuộc một cách chủ động nhất.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra “kỷ nguyên số”. Nó tác động đến tất cả, từ kinh tế, văn hóa, giáo dục của mỗi quốc gia đến toàn cầu; tác động đến Chính phủ và an ninh quốc gia không chỉ từng đất nước mà cả thế giới; tác động không chỉ đối với xã hội mà còn đối với cách sống, hành vi sống của mỗi cá nhân. Tức là, con người sẽ được làm quen với các từ ngữ “Chính phủ số”, “Kinh tế số”, “An ninh số”, “Xã hội số”...

Trong Đề án theo Quyết định số 06/QĐ-TTg phục vụ 5 nhóm tiện ích có tiện ích “hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư”. Khái niệm “hệ sinh thái” gần đây xuất hiện trong đa lĩnh vực từ phạm vi quốc gia đến từng đơn vị, doanh nghiệp, báo chí. Đó là một hệ thống mở hoàn chỉnh, tác động lên nhau trong quan hệ cân bằng bền vững.

Chính phủ số sẽ chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp giảm chi phí, tăng năng suất của doanh nghiệp, tạo thuận lợi, mang lại sự hài lòng của người dân, để người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của cơ quan nhà nước để cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội. “Kỷ nguyên” hệ sinh thái đã và đang bắt đầu như là một xu thế tất yếu.

Đọc thêm