Ký nhiều hợp đồng lao động, đóng BHXH, BHYT theo hợp đồng nào?

(PLVN) - Theo quy định, nếu người lao động (NLĐ) đồng thời có từ 02 hợp đồng lao động (HĐLĐ) trở lên với nhiều đơn vị sử dụng lao động khác nhau thì đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo HĐLĐ giao kết đầu tiên, đóng bảo hiểm y tế (BHYT) theo HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất và đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) theo từng HĐLĐ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bạn đọc Nguyễn Ngọc Hà An (Đà Nẵng) hỏi: "Hiện nay, NLĐ có thể ký nhiều HĐLĐ với nhiều chủ sử dụng lao động khác nhau, với thời hạn, mức lương và các điều kiện về quyền lợi, trách nhiệm khác nhau. Vậy, NLĐ căn cứ hợp đồng nào để đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN? Nếu đóng sai có bị xử lý gì không?"

- Về vấn đề này, BHXH TP Đà Nẵng cho biết: Theo quy định tại Điểm 1.1 Khoản 1 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam về quản lý đối tượng thì: Người lao động đồng thời có từ 02 HĐLĐ trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng BHXH, BHTN theo HĐLĐ giao kết đầu tiên, đóng BHYT theo HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất và đóng BHTNLĐ-BNN theo từng HĐLĐ.

Ví dụ, bạn Nguyễn Văn A ký 3 HĐLĐ với các công ty, gồm: HĐLĐ thứ nhất với Công ty X, có thời hạn từ 01/01/2017, mức lương 5.000.000đ; HĐLĐ thứ hai với Công ty Y, có thời hạn từ 01/6/2018, mức lương 9.000.000đ và HĐLĐ thứ ba với Công ty Z, có thời hạn từ 01/02/2019, mức lương 15.000.000đ.

Như vậy theo quy định nói trên, bạn Nguyễn Văn A phải tham gia BHXH, BHTN ở Công ty X, đóng BHYT ở Công ty Z và đóng BHTNLĐ-BNN đối với cả 3 HĐLĐ tại 3 công ty.

Về việc xử lý vi phạm, Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP và Khoản 19 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 95/20133/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, quy định:

“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp hoặc tham gia không đúng mức quy định.

2. Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: a) Chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN; b) Đóng BHXH bắt buộc, BHTN không đúng mức quy định; c) Đóng BHXH, BHTN không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN.

3. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng BHXH bắt buộc, BHTN cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia BXHH bắt buộc, BHTN.”

Ngoài ra, quy định hiện hành còn áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, như: buộc truy nộp số tiền BHXH bắt buộc, BHTN chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm; buộc đóng số tiền lãi của số tiền BHXH bắt buộc, BHTN chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH trong năm. 

Đồng thời, hiện nay những trường hợp vi phạm có thể bị xem xét xử lý hình sự theo Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận BHXH, BHTN, Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ của Bộ luật Hình sự 2015.

Đọc thêm