Kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 - 19/5/2024): Máu và hoa đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những ngày này, triển lãm “Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại” giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh về sự ra đời của “Tuyến lửa” đường Trường Sơn tại Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội). Đây là một kỳ tích về sức mạnh chiến đấu, chiến thắng, một thành công xuất sắc trong chỉ đạo chiến lược của Đảng, một huyền thoại trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta.
Tuyến lửa đường Trường Sơn thể hiện sức mạnh chiến đấu, chiến thắng, một thành công xuất sắc trong chỉ đạo chiến lược của Đảng ta. (Ảnh: TL)
Tuyến lửa đường Trường Sơn thể hiện sức mạnh chiến đấu, chiến thắng, một thành công xuất sắc trong chỉ đạo chiến lược của Đảng ta. (Ảnh: TL)

“Trên đường ta qua, không một dấu chân người”

Theo nhận định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Con đường Trường Sơn, con đường Hồ Chí Minh là một công trình vĩ đại, nói lên ý chí nghị lực, tinh thần dũng cảm và sáng tạo phi thường của dân tộc Việt Nam, quyết đem sức người sức của của hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyền lớn, là một trong những nhân tố chiến lược có ý nghĩa quyết định, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (tháng 7/1954), đất nước ta bị chia cắt, liên lạc giữa cách mạng hai miền hết sức khó khăn qua tuyến liên lạc duy nhất là miền tây Quảng Trị do Liên khu ủy 5 phụ trách. Tuy nhiên, tuyến đường này không thể đáp ứng được yêu cầu chi viện lớn về nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam trong bối cảnh cuộc kháng chiến ngày càng phát triển.

Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, chung ý chí “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và quyết tâm “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, lớp lớp các lực lượng từ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân giao thông và nhân dân các dân tộc đã luôn bền bỉ, kiên cường trụ bám trận địa, trụ bám mặt đường, giữ vững thông suốt cho mạch máu giao thông.

Để giữ vững liên lạc, bảo đảm sự chỉ đạo kịp thời từ Trung ương Đảng cho phong trào cách mạng miền Nam, nghị quyết hội nghị Trung ương 15 (tháng 1/1959) của Đảng đặt ra nhiệm vụ mở đường chi viện cho miền Nam “là một việc lớn, có ý nghĩa chiến lược, quan hệ trực tiếp đến sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”.

Đoàn 559 được thành lập ngày 19/5/1959 được chọn là “đoàn công tác quân sự đặc biệt” triển khai các lực lượng công binh, hậu cần, y tế, bộ binh và phòng không để bảo đảm hoạt động của tuyến đường này. Khe Hó - nằm giữa một thung lũng ở Tây Nam Vĩnh Linh được chọn là địa điểm xuất phát để mở đường “tiến vào Nam”.

Trong suốt 16 năm (1959 - 1975), bộ đội Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho các chiến trường miền Nam, Lào và Campuchia, góp phần quan trọng làm nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Cuộc tiến công chiến lược 1972, Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào và Đại thắng mùa Xuân 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Với nhiều chiến công vẻ vang, những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; sự hy sinh anh dũng to lớn, bộ đội Trường Sơn được Đảng, Nhà nước ghi nhận với các danh hiệu cao quý (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh…; 85 tập thể và 52 cá nhân được tuyên dương và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân).

Bởi thế, những câu chuyện về con đường huyền thoại được kể trong không gian khu di tích Cách mạng Nhà và Hầm D67, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long là những thông tin, tư liệu giá trị về vai trò của Tổng hành dinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ý nghĩa chiến lược của quyết định mở đường Trường Sơn từ Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Đặc biệt là tinh thần “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm…” của các thế hệ cha anh đã dành trọn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.

Đó là nụ cười tỏa nắng của những cô gái thanh niên xung phong mở đường. Và đó còn là Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên ngồi bệt với đồng đội tìm phương án mở đường ống dẫn xăng dầu qua dãy Trường Sơn.

Từ năm 1965 - 1975, không quân Mỹ đã thả xuống đường Trường Sơn trên 4 triệu tấn bom đạn đủ loại, gấp đôi tổng số bom đạn dùng trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 (hơn 2 triệu tấn). Thế nhưng, những chàng trai cô gái Việt bé nhỏ, bằng xương thịt mình và tình yêu Tổ quốc, yêu hòa bình đã vượt lên trên bom đạn, chất độc hóa học hủy diệt bạo tàn mà vận chuyển và hơn 2 triệu lượt chiến sĩ, cán bộ vào ra; hơn 1 triệu tấn hàng tới chiến trường miền Nam.

Trên tuyến đường khốc liệt ấy, những bước chân tuổi 20 cứ hết lớp này tới lớp khác với niềm tin mãnh liệt vượt qua mọi gian khổ đồng lòng “ xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ”. Bao nhiêu thơ, nhạc đã ra đời từ con đường này. Chẳng bom đạn nào có thể chặt đứt được con đường là biểu tượng của lòng yêu nước vĩ đại. Vậy nên Nhà Trắng từng coi mọi đau khổ của họ đều “bắt nguồn chủ yếu từ con đường mòn bất khả xâm phạm” này.

Huyền thoại của người Việt thời đại Hồ Chí Minh

Tuyến đường Hồ Chí Minh ngày nay. (Ảnh: TL)

Tuyến đường Hồ Chí Minh ngày nay. (Ảnh: TL)

Tại triển lãm, người xem được biết thêm về một vị tướng là kiến trúc sư của con đường Trường Sơn, ngoài cái tên tướng Đồng Sỹ Nguyên đã gắn chặt với con đường này là Thiếu tướng Võ Bẩm. Ông là người được giao trọng trách thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (đoàn 559) mở đường tiến vào Nam, ông được coi là người “khai sơn phá thạch” của đường Trường Sơn huyền thoại.

Tiếp đó là Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh đoàn 559 từ năm 1967. Ông là người có đóng góp đặc biệt to lớn trong suốt quá trình xây dựng, duy trì thông suốt đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, là người trực tiếp chỉ đạo các lực lượng quân đội, thanh niên xung phong “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Hình ảnh Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên ngồi bệt giữa rừng, bên đồng đội đang vây quanh, để duyệt phương án thi công đường ống xăng dầu qua Tây Nguyên cuối năm 1969 làm người xem hôm nay xúc động về những vị tướng giản dị của một thời.

Và còn đó là các địa danh lịch sử. Khe Hó - nơi đầu tiên khởi phát cho tuyến vận tải chi viện chiến trường miền Nam, từ cánh rừng trên đất Quảng Trị nằm ở bờ bắc thượng nguồn sông Bến Hải, những đội quân gùi thồ đầu tiên “đi không dấu - nấu không khói - nói không tiếng” để rồi chỉ hơn 5 năm sau, hàng chục cung đường vận tải mới với hàng sư đoàn xe cơ giới vận tải ngang dọc xuyên hai cánh Đông và Tây Trường Sơn. Từ một binh trạm hẻo lánh heo hút của ngày mở đầu bên bờ Bắc và hơn mười năm sau, Bộ chỉ huy của Bộ đội Trường Sơn đã dựng chỉ huy sở ngay bờ Nam thượng nguồn con sông giới tuyến này - khu vực Bến Tắt.

Giờ đây, trên những chiếc cầu ở đường 9 đoạn từ km35 đến km55 có thể gặp rất nhiều tấm biển ghi Di tích lịch sử điểm vượt đường 9. Nơi ấy, đã có hàng ngàn đêm với hàng trăm người im lặng gùi cõng vũ khí, đạn dược trên đôi vai trần chi viện cho miền Nam. Hàng ngàn tuổi thanh xuân đã ngã xuống khi gặp địch, ngã xuống vì cọp vồ, vì sốt rét…

Cũng trên cung đường Hồ Chí Minh xuyên hai phía Đông - Tây Trường Sơn những năm tháng đó có biết bao huyền thoại đã được sinh ra... Là chiều dài hệ thống đường ống dẫn xăng dầu, một trong những kỳ tích của Đoàn 559, nối từ tuyến hậu phương Quảng Bình, Vĩnh Linh, hình thành 2 tuyến Đông và Tây Trường Sơn đến Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) ở miền Đông Nam bộ. Ngoài ra còn phá hủy 100 xe quân sự, hàng ngàn súng, bắn rơi 2.450 máy bay địch…

Vào dịp cả nước đang chuẩn bị kỷ niệm 60 năm mở đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại thì Tướng Đồng Sĩ Nguyên, vị tư lệnh huyền thoại của con đường huyền thoại ấy cũng từ giã cuộc đời ở tuổi 96.

Dẫu ước nguyện của ông là được về Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nơi hơn một vạn người lính của ông đang yên nghỉ không thành nhưng có thể ông vẫn đâu đó với những mái đồi ở thượng nguồn sông Bến Hải, mảnh đất đã đặt chỉ huy sở của Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Và sau này là nơi an nghỉ của 10.036 người lính Trường Sơn.

Ngày đó, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên ngay sau Hiệp định Paris đã chỉ đạo việc quy tập mộ liệt sĩ Trường Sơn về một nghĩa trang. Và trong số hơn 20.000 người đã ngã xuống trên chiến trường Trường Sơn, đến nay đã quy tập được hơn một vạn hài cốt liệt sĩ về Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.

Và giờ đây, trên những mái đồi đượm nắng gió miền Quảng Trị, những người lính Trường Sơn vẫn chung một đội hình hàng hàng lớp lớp bên nhau như đang trong đội ngũ diễu hành cùng đất nước. Như nhà thơ Nguyễn Quốc Việt đã viết về miền đất này: “Cả những liệt sĩ Trường Sơn cũng chọn nơi này làm đất sống!”…

Hai mươi năm sau ngày đất nước thống nhất, con đường huyền thoại Hồ Chí Minh của những năm chiến tranh lại mang một trọng trách mới. Đó là phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng… của thời bình. Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hay còn gọi là quốc lộ 14 hôm nay kéo dài từ Kon Tum về Bình Phước là nhiều đô thị mang bản sắc Tây Nguyên, đem lại cuộc sống sung túc cho người dân như Pleiku (Gia Lai), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và gần đây là thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông)… những đô thị miền cao nguyên, nằm êm đềm dọc tuyến đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại.

Dọc bên đường Hồ Chí Minh, các thị trấn sầm uất, những khu dân cư đông đúc minh chứng cho sức sống mãnh liệt trên con đường lịch sử này. Đó còn là những làng nhỏ ven đường của những cựu TNXP ở khắp mọi miền đã tình nguyện tham gia xây dựng con đường của thời bình để phát triển kinh tế. Và khi hoàn thành nhiệm vụ, họ lại chọn dãy Trường Sơn làm nơi sinh cơ lập nghiệp.

Để làm nên huyền thoại Trường Sơn anh hùng, hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã hiến trọn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc! Trong đó hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã hy sinh, gần 3 vạn thương binh, hàng vạn người bị nhiễm chất độc da cam.

Trên đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, những địa danh như Cha Lo - “Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây”, Bến Tắt, Ngã Ba Đồng Lộc, Truông Bồn… máu xương của cha anh mình đã hòa vào núi sông, cây cỏ làm nên những bản hùng ca bất tử…

Đọc thêm