Ấn tượng Lễ hội sông nước
Lễ hội sông nước TP HCM lần thứ nhất năm 2023 khai mạc ngày 4/8 vừa qua với chuỗi hoạt động văn hóa - giải trí - nghệ thuật - thể thao đặc sắc. Đây được xem là sự kiện du lịch lớn nhất từ trước đến nay của TP HCM và cũng là sự kiện lễ hội sông nước lớn nhất trên cả nước. Chưa có thống kê cụ thể, nhưng sơ bộ có thể thấy được lượng du khách đến TP HCM tăng đột biến trong thời gian diễn ra lễ hội. Các tour du lịch đường sông tăng mạnh, nhiều nhà hàng nổi, dịch cụ trên thuyền được đặt kín chỗ vào dịp cuối tuần.
Phát biểu tại Lễ khai mạc chương trình, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, lịch sử hình thành và phát triển trong hơn 300 năm qua của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP HCM có dấu ấn quan trọng của các dòng sông. Chương trình được kỳ vọng sẽ lan tỏa niềm tự hào và tình yêu dành cho TP HCM, truyền cảm hứng du lịch và khám phá điểm đến thành phố đến du khách trong nước và quốc tế, góp phần tạo khí thế, động lực phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của TP trong giai đoạn mới.
Tháng 6 vừa qua, trong chuyến làm việc tại Pháp, Đoàn đại biểu cấp cao TP HCM do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên làm Trưởng đoàn đã khảo sát, tìm hiểu về quy hoạch phát triển sông Seine, qua đó tìm hiểu thêm về giải pháp phát triển TP HCM phù hợp.
Thực tế, từ nhiều năm nay, TP HCM đã có những định hướng và một số chương trình phát triển du lịch đường sông nhằm khai thác tiềm năng sông nước, kênh rạch vốn có. Cùng với việc cải tạo lại hệ thống kênh rạch, TP đã xây dựng được những tour tham quan đường sông, hình thức du thuyền ẩm thực trở thành một nét đẹp du lịch ban đêm của TP từ lâu và tuyến xe bus đường sông cũng đã hoạt động ổn định, được nhiều du khách yêu thích.
Còn nhiều “chất liệu” để khai phá
Tiềm năng du lịch trên đường sông tại TP HCM là rất lớn và đa dạng. Theo các chuyên gia, có thể khai thác tiềm năng này ở nhiều khía cạnh. Về mặt cảnh quan, sông Sài Gòn và các con kênh nhỏ tạo nên một bức tranh phong cảnh độc đáo cho thành phố. Du khách có thể thư giãn và tận hưởng khung cảnh thơ mộng khi du ngoạn trên sông, ngắm nhìn các tòa nhà cao tầng, cầu cảng và bến thuyền; thưởng thức ẩm thực đặc trưng của miền Nam ngay trên sông hoặc tại các nhà hàng ven sông. Ngoài ra, có thể tổ chức các sự kiện giải trí trên sông như biểu diễn nghệ thuật đương đại hoặc cổ truyền, triển lãm nghệ thuật, tạo ra một không gian sôi động và thú vị cho cả người dân và du khách.
Đặc biệt, các khu vực ven sông TP HCM đang chứa đựng nhiều di sản văn hóa quan trọng, bao gồm các đền chùa và cầu cảng lịch sử. Thông qua các tuyến du lịch đường sông khám phá di tích, du khách có thể tìm hiểu về lịch sử và văn hóa của thành phố.
Để thực hiện thành công khai thác du lịch đường sông, TP HCM cần có kế hoạch quản lý bền vững để bảo vệ môi trường, xây dựng và duy trì sự hấp dẫn của các tuyến du lịch. Đồng thời, cần có sự hợp tác giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng để xây dựng mô hình du lịch đa dạng.
Được biết, trong kế hoạch của mình, năm 2023 - 2024 sẽ là năm TP cải thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đường thủy hiện có, gồm: nhóm các sản phẩm du lịch tầm ngắn như Tuyến du lịch đi Bình Quới, tuyến du lịch nội đô Nhiêu Lộc - Thị Nghè... và nhóm các sản phẩm du lịch tầm trung như tuyến du lịch đi Củ Chi; tuyến du lịch đi Cần Giờ...
TP HCM cũng sẽ tập trung xây dựng bộ thuyết minh chuẩn về tuyến du lịch đường thủy nhằm cung cấp thêm các dữ liệu về lịch sử, văn hoá, nét đặc trưng về các hệ thống sông, kênh, rạch gắn với các tuyến du lịch đường thủy trên địa bàn TP HCM, xây dựng bản đồ các tuyến du lịch đường thủy, các điểm đến trên tuyến bằng công nghệ GIS.
TP HCM mong muốn doanh thu du lịch đường thủy tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo. Doanh thu du lịch từ tàu biển năm 2023 và 2024 đạt 500 tỷ đồng/năm và tăng khoảng 12% trong những năm tiếp theo. Thành phố phấn đấu đến năm 2030, đường thủy trở thành một trong các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt của TP.
Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM cho biết, dự thảo chiến lược phát triển du lịch TP HCM đến năm 2030 xác định sản phẩm du lịch của thành phố có 3 nhóm sản phẩm du lịch gồm: sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch chính và sản phẩm du lịch bổ trợ.
Trong đó, sản phẩm du lịch đường thủy được xác định thuộc nhóm sản phẩm du lịch đặc thù, gồm các sản phẩm du lịch đường thủy trong địa bàn và các sản phẩm kết nối từ thành phố đến các tỉnh, trung tâm du lịch của Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Du khách được trải nghiệm đầy đủ về cảnh quan, kiến trúc, văn hóa, lịch sử và các hệ sinh thái điển hình lưu vực một số con sông lớn là sông Đồng Nai, sông Tiền, sông Hậu và đảo ven bờ lớn nhất Việt Nam.