Tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập ngày 12/02/1950 trên cơ sở hợp nhất tỉnh Vĩnh Yên và tỉnh Phúc Yên, với diện tích 1.715 km2, dân số 470.000 người. Cùng với sự phát triển của đất nước, sau nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, hiện tỉnh Vĩnh Phúc có diện tích tự nhiên trên 1,2 km2, dân số trên 1,15 triệu người, 9 huyện, thành phố.
Ông Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh Ủy Vĩnh Phúc nhấn mạnh: Trên con đường phát triển, Vĩnh Phúc đã đi đầu trong đổi mới tầm nhìn, xuất phát từ ý chí tự lực, tự cường, vì sự phát triển bền vững và phồn vinh để vương lên từ một tỉnh nghèo thuần nông với trên 90% dân số làm nông nghiệp; tổng thu ngân sách trên địa bàn chỉ đạt tiên 110 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người thấp, đạt trên 2 triệu đồng/người/năm và chỉ có 91 doanh nghiệp hoạt động với số vốn đăng ký 57 tỷ đồng; các lĩnh vực văn hóa - xã hội chưa phát triển, đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Nay, Vĩnh Phúc đã có bước phát triển vượt bậc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh qua các giai đoạn luôn đạt ở mức cao; quy mô kinh tế, GRDP bình quân đầu người, thu ngân sách nhà nước luôn đứng thứ hạng cao trong cả nước. Nhiều công trình, dự án trọng điểm của tỉnh đã và đang được đầu tư, đưa vào khai thác sử dụng, tạo động lực cho phát triển kinh tế. Bộ mặt đô thị, nông thôn đã có nhiều thay đổi, tạo diện mạo mới cho tỉnh Vĩnh Phúc.
|
Ông Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập tỉnh |
Ông Đặng Xuân Phong cho biết, với yêu cầu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng lòng, chung sức, với quyết tâm chính trị cao đây dựng quê hương ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Trước mắt là, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020- 2025 đã đề ra: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ, siết chặt kỷ cương; đổi mới sáng tạo, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững; xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc trở thành đô thị hiện đại, giàu mạnh, văn minh. Phấn đấu đến năm 2030 Tỉnh Vĩnh Phúc thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về GRDP bình quân đầu người; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I, tiền đề trở thành thành phố trực thuc Trung ương; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, phát triển bền vững; là hạt nhân thúc đẩy phát triển công nghiệp và dịch vụ hiện đại trong vùng đồng bằng sông Hồng; người dân có cuộc sống chất lượng cao, ấm no, hạnh phúc; có nền văn hóa tiên tiến, giàu bản sắc, xã hội phát triển hài hòa, môi trường sinh thái trong lành, đáng sống.
Ông Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, tiếp tục nỗ lực, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thi đua hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, xây dựng Vĩnh Phúc ngày càng giàu mạnh, phồn vinh; cùng cả nước đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tiếp bước con đường cách mạng vinh quang của Đảng, của dẫn tộc, đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh của dân tộc.
Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, với sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương và sự đoàn kết, vượt khó vươn lên của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc năm 2024 đạt 7,52%, cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước. Quy mô GRDP ước đạt 173,14 nghìn tỷ đồng, tăng 15,66 nghìn tỷ đồng, giá trị GRDP bình quân đầu người ước đạt 141,3 triệu đồng/người/năm. Năm 2024 thu ngân sách nhà nước ước đạt 30,468 nghìn tỷ đồng. Riêng trong tháng 1/2025, tổng thu ngân sách của Vĩnh Phúc đạt 5.574 tỷ đồng, đạt 21% so với kế hoạch năm.
Từ chỗ chỉ có 1 khu công nghiệp với quy mô 50ha (khu công nghiệp Kim Hoa) vào năm 1998, đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 17 khu công nghiệp được thành lập, trong đó 9 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút 495 dự án, gồm 119 dự án đầu tư DDI với tổng vốn đầu tư 38.882,61 tỷ đồng và 376 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 6,8 tỷ USD. Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm phát triển đồng bộ, an sinh xã hội được đảm bảo.
Đến cuối năm 2011, tỉnh đã cơ bản xoá xong nhà tạm cho hộ nghèo, không có hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách, người có công. Đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều giảm còn 0,44%; 100% số xã trong tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới. /.