Kỷ niệm về nữ thân chủ “khó chiều”

(PLVN) - “Hồi ức những kỷ niệm hành nghề, tôi vẫn thường nhớ đến hình ảnh bà lão gần 70 tuổi ốm yếu, lưng lom khom, sống ở Bình Dương. Nhiều ngày tháng của bà là những ngày đi khiếu nại, kiện tụng đòi lại những mảnh đất mà bà cho rằng thuộc về mình. 
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Đọc hồ sơ, tôi thấy bà đi kê khai 5.000m2 đất bà cho rằng gia đình mình đã khai phá. 15 năm trước, địa phương chỉ chấp nhận cấp sổ đỏ cho bà gần 2.000m2. Phần còn lại hơn 3.000m2 là đất của người khác và đất công. Bà liên tục kiện tụng từ đó.

Bà kiện người hàng xóm đòi lại hơn 200m2 đất trong phần 3.000m2 mà bà không được công nhận như đã nêu trên. Bản án sơ và phúc thẩm đều bác yêu cầu vì không có căn cứ đây là đất gia đình bà khai phá. Các nhân chứng không đứng về phía bà. Cũng thời điểm trên, địa phương xây trường học và trạm y tế trên phần đất ấy. Cuộc họp nào, cuộc tiếp dân nào bà cũng vác hồ sơ đến…

Nghiên cứu vụ việc, tôi nhận thấy những yêu cầu của bà không có cơ sở. Bà chỉ có “niềm tin” thiếu căn cứ; nên tất cả những quyết định giải quyết của cơ quan chức năng mà trái với mong muốn của bà, bà đều cho rằng sai. Tôi hỏi bà quá trình xử lý vụ việc, bà có được ai hỗ trợ, tư vấn gì không? Bà bảo nhà nghèo, không có tiền thuê luật sư. 

Tôi lại hỏi cán bộ có tư vấn giải thích không? “Họ có nói nhưng tôi không tin. Tôi chỉ tin vào lời cha tôi kể lại”. Với “lý lẽ đó”, bà đã gõ cửa vô số cơ quan. Trong hồ sơ, có rất nhiều văn bản của cơ quan chức năng, từ Hội phụ nữ, đến phường, ủy ban huyện, các sở ngành… thể hiện đã gặp gỡ, đối thoại, giải thích, động viên vì những khiếu nại của bà đã được xử lý đúng luật; các cơ quan đề nghị bà dừng khiếu nại, đỡ mất công sức của bà, không ảnh hưởng an ninh trật tự.

Tôi lấy làm tiếc cho một quãng đời của bà đã khổ đau, dằn dặt chỉ để đi đòi lại những thứ không phải của mình. Giá như trong hành trình đó, bà sớm gặp được một người am hiểu chuyên môn, tư vấn cho bà tận tình. Trong suốt thời gian qua, bà lầm lũi bước đi mà không có niềm tin vào bất cứ ai nên càng đi càng rối, càng hao mòn tâm trí sức khỏe... 

Nhận thấy những điều ấy, tôi đã quyết định hỗ trợ, tư vấn cho bà. Tôi muốn kéo được bà thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn này.  

Tôi gần gũi với bà nhiều hơn. Mỗi lần trao đổi, tôi đều mang hồ sơ ra nghiên cứu, phân tích một cách cẩn trọng. Song song, tôi giải thích cặn kẽ những qui định pháp luật về trường hợp của bà. Ban đầu bà hay phản bác. Bà cũng thật dễ thương, phản bác nhưng lại rất tôn trọng người nói chuyện. Ngày qua ngày, tôi thấy bà tỉnh táo hơn, bớt ưu tư hơn. 

Tôi nhớ có lần, khi tôi nói, đời bà không còn dài, hãy dành thời gian đó để vui với những điều khác ngoài kiện tụng. Nó đã làm cho bà khô héo lâu nay rồi. Tôi thấy bà ngồi im rồi sau đó bà kể về những đứa con. Các anh chị đều không bận tâm đến các vụ kiện của mẹ. Trong suốt thời gian tiếp xúc với bà, tôi cũng không gặp các con của bà.  

Thế rồi mấy hôm sau, điện thoại đổ chuông. Bên kia đầu dây, bà nói: “Luật sư xuống nhà chơi, tôi có việc muốn nói”. 

Lần đó, bà không nói nhiều. Ngồi trầm ngâm một chút, bà bảo nghe lời tôi, bà không kiện nữa vì bà tin luật sư là người tốt. 

Thú thật lúc đó, tôi không có nhiều cảm xúc gì lắm. Một phần vì tôi đã quen với không khí lâu nay khi ở bên bà. Một phần tôi nghĩ, tính khí bà bất thường nên chắc chỉ nói vậy, sớm mai ngủ dậy lại thay đổi ý định.  

Bẵng đi một thời gian, tôi thấy bà ít liên lạc với tôi. Lần đó, cuối tuần, chợt nhớ đến bà, tôi gọi hỏi thăm rồi nói xuống bàn chuyện công việc. Bà trả lời: “Ủa luật sư. Tôi nói bữa trước rồi mà. Tôi không kiện tụng gì nữa”.  

Cúp điện thoại, tôi thấy nhẹ nhõm khí nghĩ đến tuổi già của bà đã không còn nặng nợ với những kiện tụng khiếu nại. Về sau này tôi vẫn qua lại với bà. Bà xem tôi như con cháu. Và đặc biệt hơn, bà không còn “lăn tăn” về vụ kiện tụng. Sau này tôi gặp một số cán bộ địa phương, họ nói “đỡ mệt với cụ này rồi. Trước đây chúng tôi vừa bực vừa thương bà. Thương cái tuổi gần đất xa trời mà cứ kiện tụng về những điều rất viển vông. Cảm ơn luật sư””. 

Đọc thêm