Kỳ thi THPT Quốc gia 2018: Không bất ngờ khi điểm môn Sử “thấp kỷ lục”

(PLO) - Phổ điểm môn Sử chính thức từ Bộ GD-ĐT cho thấy con số thấp kỉ lục về điểm môn Sử của kỳ thi THPT quốc gia 2018. Theo đó, điểm trung bình môn Sử thi THPT quốc gia năm 2018 thấp hơn hẳn so với những năm trước, chỉ đạt 3,79 điểm. Trong khi đó, điểm trung bình môn Sử vào năm 2016 là 4,49 điểm, còn năm 2017 là 4,6 điểm…
Kì thi THPT quốc gia 2018 không còn “mưa” điểm 10. Ảnh minh họa.

Lỗi từ… nhiều phía

Riêng đối với tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn như Hà Giang, có tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 89,35% được đánh giá là cao bất thường so với các tỉnh khác. Vì thế, ngày 13/7, Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 đã có công văn yêu cầu Ban chỉ đạo thi tỉnh Hà Giang kiểm tra, rà soát, xác minh toàn bộ các khâu của kỳ thi và báo cáo về Bộ GD&ĐT trước ngày 17/7. 

Ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang cho hay, đã nắm được thông tin về vụ việc và khẳng định rằng mọi khâu về coi thi, chấm thi của đơn vị đều được thực hiện nghiêm ngặt, còn điểm thi thế nào phụ thuộc vào bài làm của thí sinh.

Tại TP HCM, môn Lịch sử có đông thí sinh đăng ký thi nhất ở tổ hợp bài Khoa học Xã hội, với 27.941 em nhưng chỉ 19,1% bài thi đạt từ 5 điểm trở lên, 80,9% bài thi có điểm dưới trung bình. Tại Đồng Nai, điểm trung bình môn Lịch sử chỉ chiếm trên 12,7% và có tới 87,3% bài thi điểm dưới 5. Tại Đà Nẵng, 90% thí sinh đạt dưới 5 điểm môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Tại Quảng Trị, chỉ hơn 17% thí sinh trên điểm trung bình môn Lịch sử. Tại Nghệ An, môn Lịch sử cũng có phổ điểm trung bình khá thấp, tập trung nhiều ở quãng từ 2,5 đến 4,5 điểm... 

Trước những con số lộ diện rõ nét sau kì thi, các thầy cô thuộc Trung tâm HOCMAI đã phân tích và đưa ra các yếu tố ảnh hưởng khiến điểm môn Sử của kì thi THPT quốc gia năm nay thấp kỷ lục. 

Thứ nhất, đề thi “không chấp nhận” những thí sinh chỉ học thuộc lòng và nhớ máy móc mốc sự kiện, ngày tháng. Những điều chỉnh của đề thi năm 2018 so với trước đây (chuyển từ việc kiểm tra việc tái hiện kiến thức sang việc đánh giá mức độ vận dụng kiến thức) khiến những học sinh có thói quen học vẹt, học thuộc lòng, không kết nối, vận dụng được kiến thức sẽ không làm được bài thi. 

Thứ hai, khi bài thi có thêm kiến thức lớp 11, phạm vi kiến thức rộng hơn thì cũng sẽ ảnh hưởng đến độ khó cùa đề. 

Thứ ba, trong các năm trước đây, điểm môn Sử cũng không cao so với các môn thi khác. Các năm gần đây điểm môn Sử thấp có thể phản ánh cách dạy và học ở trường phổ thông với môn Sử hiện nay. Giáo viên chưa thực sự đổi mới về cách dạy, học sinh cũng vẫn quen với lối học cũ, không có sự đầu tư và tạo đam mê với môn học này. 

Thứ tư, khá nhiều học sinh chỉ chọn thi môn Sử cho việc xét tốt nghiệp dẫn đến việc học sinh có thể bỏ không làm các câu khó, hoặc khoanh bừa dẫn đến việc có nhiều bài thi điểm thấp. 

Đồng quan điểm trên, các thầy cô phổ thông, những “người trong cuộc” cũng cho rằng: Bởi các em với tâm lý “học để thi”, môn nào không thi “bỏ qua” nên thường học lệch. Bản thân môn Sử chương trình vừa quá dài, vừa quá nặng, lại thi kiến thức cả hai khối 11 và 12 nên trải rộng, các em gặp khó khăn không ít trong việc học tập. Bởi lẽ, ngoài Sử còn nhiều môn học khác nữa. Vì những lẽ đó, nên ngoại trừ những em đăng ký xét tuyển ĐH thi khối C chuyên ngành Sử, phần lớn thí sinh chọn tổ hợp môn KHXH là bởi 2 môn còn lại dễ kiếm điểm để vớt lại môn Sử, chỉ cần qua điểm liệt là được.

Mặt khác, ngoài những bất cập, hạn chế về chương trình bộ môn, SGK, có không ít giáo viên còn thói quen dạy kiến thức theo hình thức thi tự luận, chậm đổi mới, chưa bắt kịp với sự thay đổi trong đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá theo hướng mới. Trong khi thầy cô dạy theo kiểu cũ với các sự kiện trọng tâm theo kiểu làm bài tự luận. Thế nhưng, đi thi đề thi trắc nghiệm dàn trải hết chương trình chứ không nhắm vào phần nội dung trọng tâm nào cả.

Học vì yêu, chứ không phải học như… vẹt

Tuy nhiên, trước những con số đáng báo động về môn Sử, GS.TS Phạm Hồng Tung - Chủ biên môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông mới lại cho rằng, so với lợi ích chung của xã hội, đó là một tín hiệu đáng mừng. Khi mà chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa gấp gáp nhưng người thầy vẫn truyền đạt những kiến thức từ thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa, kháng chiến chống Nguyên Mông và học sinh phải trình bày theo đúng mô-típ “diễn biến, nguyên nhân, kết quả trận đánh” một cách máy móc. Với kiểu học này không thể tìm ra những thí sinh tài năng mà chúng ta sẽ có những con vẹt.

Do vậy, với cách ra đề thi theo hướng đánh giá năng lực như năm nay (không chỉ kiểm tra kiến thức học thuộc mà còn kiểm tra khả năng nhận biết, thông hiểu, vận dụng), nếu chỉ học thuộc, thí sinh sẽ không thể đạt điểm cao. Bên cạnh đó, mặc dù đã có đề thi minh họa nhưng nhiều học sinh chủ quan không nắm vững được sự thay đổi của đề thi. Nó giống như thể một người bị bệnh mua thuốc về nhưng lại không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng nên bị “sốc phản vệ”. 

GS Phạm Hồng Tung bày tỏ: “Với lợi ích chung của xã hội, tôi nghĩ đó là một tín hiệu đáng mừng. Xã hội cần những điểm 10. Nhưng 100 điểm 10 không thực chất còn nguy hiểm hơn nếu đó là điểm 4 - 5 thậm chí là 1 - 2. Giống như khi đi khám sức khỏe, chúng ta cần biết sự thực về sức khỏe của mình mới có hi vọng chữa khỏi bệnh. Ưu điểm của đề thi trắc nghiệm khách quan là không ai can thiệp được vào việc chấm thi, từ đó tránh được sự cảm quan và tiêu cực trong thi cử. Tuy nhiên, ra được đúng câu hỏi khách quan và đánh giá được đúng năng lực lại là một thách thức rất lớn cho người ra đề. Chúng ta không thể chấp nhận được việc học một đằng, thi một nẻo. Cần bỏ hẳn tư duy thi gì học nấy. Nền giáo dục ứng thí đã đến lúc cáo chung. Bây giờ, việc học phải là học gì thi nấy”.

Còn thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu cho rằng, đây là kết quả tệ hại, rất đáng buồn nhưng lại không bất ngờ. Ngoài những yếu tố đã được các thầy cô thẳng thắn nhìn nhận ở trên, theo thầy Hiếu, do quan niệm học ngành xã hội khi ra trường lương sẽ thấp hơn những ngành khoa học tự nhiên dẫn đến tình trạng hầu hết thí sinh, phụ huynh lựa chọn khối thi, ngành nghề thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên. 

Nhiều thí sinh khi gặp câu hỏi phân hóa, nâng cao chủ yếu là dựa vào yếu tố “may - rủi”, đoán mò chứ không phải tự tin để lựa chọn phương án nào sai, phương án nào đúng. Điều này cho thấy học sinh đang học lệch và học theo kiểu thực dụng. Học để thi chứ không phải học để biết. 

Và trước điểm Sử năm nay, một bạn trẻ 9X yêu Sử cũng bày tỏ trên trang cá nhân của mình: “Chừng này 10 năm trước, thế hệ 90 bọn mình lao vào chỉ biết ăn với học để chuẩn bị cho kỳ thi Đại học. Kỳ thi mà những đứa mới lớn ở nông thôn ngày đó đều cảm nhận được rất rõ, đỗ hay trượt, cuộc đời sẽ ngoặt theo những hướng khác nhau.

Ngày đó, mình học Sử đến nỗi có thể nhớ được tất cả những sự kiện lịch sử quan trọng, nằm ở trang bao nhiêu SGK và ngược lại. Ngày ấy học Sử với mình là niềm hứng thú nhiều lắm. Mà sách cũng chẳng có mấy cuốn. Chỉ nghiền SGK, Đại cương lịch sử Việt Nam (3 tập)... Cũng chưa có điện thoại, máy tính vào mạng như bây giờ để đọc thêm.

Mình đã xem qua đề thi, không đủ khả năng đánh giá, nhưng cảm nhận thì mình không thích. Mình nghĩ điều làm nên sức hấp dẫn của môn Sử chính là những tranh luận khoa học để làm sáng tỏ những khuất lấp của quá khứ. Bởi học Sử là cách tốt nhất để soi rọi quá khứ vào hiện tại và tương lai. Chứ việc nhớ hay thuộc về những chiến dịch, những trận thắng, những sự kiện... nhiều khi không có ý nghĩa. Khi đã có hứng thú tranh luận và mày mò tìm hiểu, tự khắc sẽ nhớ và thuộc những điều mình cần, mà không cần phải học thuộc lòng...”.

Và ở góc độ khác, nhiều chuyên gia giáo dục cũng đề nghị, Bộ GD-ĐT nên thẳng thắn nhìn nhận, không phải năm ngoái “mưa” điểm 10 thì năm nay lại ra đề quá khó, đánh đố khiến điểm thi thấp kỷ lục đến vậy…

Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm 2018 đạt 97,57% 

Theo thống kê từ Bộ GD-ĐT, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm 2018 chung cả nước đạt 97,57%. Tỉ lệ tốt nghiệp này đã phản ánh khách quan kết quả học tập của thí sinh, phù hợp với điều kiện bảo đảm chất lượng và chất lượng giáo dục của các địa phương, đồng thời phản ánh tính nghiêm túc, khách quan trong coi thi, chấm thi. 

Một số tỉnh thành có điều kiện thuận lợi về kinh tế xã hội thì tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn các tỉnh ở vùng còn khó khăn. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng có số lượng dự thi cao đều đạt tỷ lệ tốt nghiệp trên 98%. Các tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao trên 99% như: Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Long An, Vĩnh Long, Bắc Ninh. Các tỉnh có điều kiện dạy và học còn khó khăn như Cao Bằng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi thì tỷ lệ đạt trên 92%. Với khối Giáo dục thường xuyên ở một số tỉnh khó khăn có tỷ lệ tốt nghiệp thấp như Gia Lai 49,85%, KonTum 50,54%.

Kỳ thi THPT quốc gia 2018 cả nước có 879.705 thí sinh dự thi lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, trong đó có 810.382 thí sinh giáo dục THPT và 69.323 thí sinh giáo dục thường xuyên.

Cũng theo số liệu thống kê, với 51 điểm 10, TP Hà Nội hiện có số thí sinh đạt điểm 10 cao nhất cả nước. Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Hà Nội có 67.781 thí sinh lớp 12 THPT và 6.823 thí sinh lớp 12 GDTX dự thi. Tỷ lệ học sinh lớp 12 THPT TP tốt nghiệp là 99,38%; 72 đơn vị có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%, trong đó có 32 trường THPT công lập, 38 trường THPT ngoài công lập và 02 trung tâm GDNN-GDTX.

Đọc thêm