Thí sinh vẫn có 3 tuần ôn tập
Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh khung chương trình năm học, trong đó có việc lùi thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 từ cuối tháng 6 sang cuối tháng 7.
Việc điều chỉnh lịch học và thi là cần thiết, tạo thuận lợi cho các địa phương và không gây áp lực, quá tải cho giáo viên, học sinh. So với năm ngoái, thí sinh vẫn có hơn 3 tuần để ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia tính đến thời điểm kết thúc năm học. Năm ngoái kỳ thi bắt đầu vào ngày 24-27/6 với bối cảnh kết thúc năm học vào tháng 5. Như vậy, khung thời gian ôn tập không ảnh hưởng gì đến học sinh.
PGS. TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, Bộ sẽ không xây dựng và công bố đề minh họa vì việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm nay sẽ giữ ổn định về cơ bản như năm 2019.
Thí sinh và các nhà trường có thể tham khảo đề thi chính thức và đề minh họa của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 để nhận biết cách thức ra đề của năm 2020 và có hướng ôn thi phù hợp. Cũng theo ông Trinh, việc thí điểm thi trên máy tính chưa áp dụng đối với kỳ thi THPT quốc gia năm 2020. Bộ đang tính toán để thí điểm thi trên máy từ năm 2021 ở nơi sẵn sàng về điều kiện và học sinh tự nguyện tham gia.
Theo đó, kì thi THPT quốc gia năm 2020 vẫn có 5 môn thi, bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội. Trong số này, chỉ có môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại vẫn thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, kể cả với môn Toán. Bộ GD-ĐT chủ trì, chỉ đạo các trường đại học chấm bài thi trắc nghiệm của thí sinh, việc chấm bài thi tự luận do sở GD-ĐT đảm nhận.
Theo ông Mai Văn Trinh, phần lớn các câu hỏi trong đề thi là kiến thức cơ bản, chủ yếu là nội dung chương trình lớp 12. Các câu hỏi trong mỗi đề thi của hầu hết các môn đều được sắp xếp theo nhóm về độ khó và được sắp xếp lần lượt từ dễ đến khó để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh làm bài. Các trường cần tổ chức cho giáo viên, học sinh tham khảo, phân tích kỹ đề thi tham khảo và đề thi chính thức năm 2019, làm cơ sở cho việc dạy học, ôn tập đạt kết quả tốt.
Học sinh yên tâm ôn tập, chuẩn bị tốt nhất
Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2020, Bộ GD-ĐT cũng đã có văn bản yêu cầu các sở GD-ĐT chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện cần thiết để tổ chức tốt kỳ thi; xây dựng các phương án dự phòng để xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức…
Việc tổ chức thi tuân thủ các nguyên tắc không xáo trộn việc dạy học của giáo viên, học sinh lớp 12, tổ chức gọn nhẹ, hạn chế tốn kém, căng thẳng cho xã hội. Kỳ thi THPT quốc gia đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan và đảm bảo độ tin cậy để sử dụng xét tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở đào tạo sử dụng trong tuyển sinh.
Ông Trinh cho biết: “Việc nghỉ học để phòng chống dịch trong thời gian qua và việc lùi thời gian tổ chức thi THPT quốc gia chắc chắn sẽ làm thay đổi kế hoạch học tập và tuyển sinh chính quy năm 2020, nhưng các trường không bị động. Bộ GD-ĐT đã kịp thời chỉ đạo các cơ sở đào tạo có kế hoạch phù hợp để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2019-2020; đồng thời vẫn sẵn sàng tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2020 và làm tốt công tác tuyển sinh của trường mình”.
Hơn nữa, với việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác thi, tuyển sinh những năm gần đây, công tác thi THPT quốc gia, tuyển sinh năm 2020 theo lịch trình mới sẽ không ảnh hưởng gì lớn đối với các trường. Việc huy động giảng viên từ các đại học tham gia tổ chức kỳ thi cũng đã được tính đến và hoàn toàn có thể đáp ứng được theo lịch thi mới.
Trước đó, từ năm 2014 trở về trước, kỳ thi đại học, cao đẳng được tổ chức vào 2 tuần đầu của tháng 7. Khoảng thời gian này thường có hiện tượng thời tiết, thiên tai bất thường, mưa lũ, sạt lở, đặc biệt là các tỉnh ở khu vực miền núi phía Bắc.
Từ những kinh nghiệm thực tế, ông Trinh cho rằng, để ứng phó với những hiện tượng thời tiết bất thường, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết để có các phương án phối hợp với các lực lượng tại địa phương trong ứng phó với các hiện tượng thời tiết tiêu cực.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần có phương án dự phòng trong trường hợp phải thay đổi địa điểm tổ chức thi, có phương án để học sinh đến trường và nơi cư trú an toàn trong thời gian thi, kiên quyết không để bất kỳ học sinh nào vì khó khăn mà không thể dự thi.
Về phía học sinh, ông Trinh nhấn mạnh, những điều chỉnh kỹ thuật chỉ liên quan đến cán bộ tham gia kỳ thi, không làm ảnh hưởng tới thí sinh. Do đó, học sinh có thể yên tâm học, ôn tập, chuẩn bị sức khỏe, tâm lý tốt nhất cho kỳ thi.
“Việc nghỉ học do Covid-19 đã gây xáo trộn nhất định trong việc học tập của các em. Tuy nhiên, các em cần thấy đây cũng chính là cơ hội để các em tự học, ôn tập, bổ sung kiến thức cho mình. Nếu biến điều này thành cơ hội thì thực ra các em có nhiều thời gian ôn thi hơn các năm trước.
Tôi đề nghị các nhà trường, gia đình cần có kế hoạch hỗ trợ các em với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả để thí sinh không bỏ phí thời gian không đến trường mà tận dụng thời gian này để bổ sung kiến thức còn thiếu, còn yếu và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tới…” - ông Trinh chia sẻ.
Giữa tháng 3 sẽ công bố quy chế thi
Dự thảo sửa đổi quy chế thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT quốc gia 2020 đã được Bộ GD-ĐT đưa lên mạng để lấy ý kiến đóng góp đến hết ngày 10/3. Dự kiến giữa tháng 3/2020, Bộ sẽ chính thức công bố quy chế này.
Với những diễn biến của dịch Covid-19, Bộ đã điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học. Cụ thể, năm học 2019 - 2020 sẽ kết thúc vào ngày 30/6; kỳ thi THPT quốc gia năm học 2019 - 2020 sẽ tổ chức vào các ngày từ 23 đến 26/7/2020.
Mặc dù kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2020 vẫn được giữ như năm 2019, tuy nhiên, để phù hợp với tình hình thực tế, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục điều chỉnh các yếu tố kỹ thuật để ổn định kỳ thi THPT quốc gia 2020, nhằm tránh tình trạng gian lận, tiêu cực, đảm bảo kỳ thi công bằng, khách quan.