Trúng tuyển sớm, chưa chắc đỗ đại học
Xét tuyển sớm là hình thức nhiều học sinh hiện nay sử dụng để tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học. Bên cạnh việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh sử dụng các hình thức khác như xét học bạ, kỳ thi đánh giá năng lực, tuyển sinh riêng… để đăng ký vào trường.
Đến thời điểm hiện tại, có nhiều trường đại học trên cả nước đã công bố thời gian, chỉ tiêu tiếp nhận hồ sơ xét tuyển sớm như: Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện Tài chính, Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM… Tuy nhiên, thí sinh cần nắm rõ quy định về hình thức xét tuyển này để tránh sai lầm đáng tiếc.
Thông tin về vấn đề xét tuyển sớm của thí sinh trước kỳ thi THPT quốc gia, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Việc xét tuyển sớm ở các trường đại học không đảm bảo các em sẽ đỗ vào nguyện vọng đó”.
Thực tế, kỳ thi THPT quốc gia năm 2022 đã có những trường hợp thí sinh trúng tuyển sớm nhưng không có tên trong danh sách trúng tuyển chính thức của trường. Lý do thí sinh chưa đăng ký nguyện vọng trên hệ thống.
Bà Thủy nhấn mạnh, việc trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm chỉ là tạm thời, có điều kiện khi thí sinh chưa thi tốt nghiệp THPT. Đặc biệt, dù trúng tuyển sớm, thí sinh vẫn phải đăng ký nguyện vọng của mình trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Những kỳ xét tuyển sớm chỉ là điều kiện ban đầu. Điều kiện cần và đủ là các thí sinh phải đăng ký trên hệ thống của Bộ, sắp xếp thứ tự nguyện vọng ưu tiên từ một cho đến hết”, bà Thủy nhấn mạnh.
Nên đặt nguyện vọng như thế nào?
Nhiều phụ huynh băn khoăn “đăng ký nguyện vọng 1” như thế nào? Có phụ huynh hỏi: Nếu không đỗ nguyện vọng 1 bằng phương thức xét tuyển khác, thì những nguyện vọng sau của thí sinh xét theo phương thức xét tuyển sớm và đã trúng tuyển có điều kiện có được tính không, hay bắt buộc phải đặt nguyện vọng xét tuyển sớm là nguyện vọng 1?
Bà Nguyễn Thu Thủy thông tin, hệ thống sẽ xét từ trên xuống theo thứ tự ưu tiên. Nếu đỗ ở nguyện vọng nào, hệ thống sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó, không xét tiếp để đảm bảo cơ hội cho các thí sinh khác. Giả sử thí sinh trúng tuyển 5 nguyện vọng theo các phương thức xét tuyển sớm của các trường nhưng lại để nguyện vọng 1 theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và đỗ bằng phương thức này, thì hệ thống sẽ chỉ xác định thí sinh đỗ nguyện vọng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Như vậy, thí sinh không bắt buộc phải đặt ưu tiên nguyện vọng 1 là nguyện vọng xét tuyển sớm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến cáo các trường không được tư vấn hay yêu cầu thí sinh phải đặt nguyện vọng xét tuyển sớm là nguyện vọng 1 thì mới trúng tuyển. Bởi như vậy là vi phạm nguyên tắc về công bằng và làm giảm cơ hội trúng tuyển của thí sinh được quy định rõ trong Quy chế tuyển sinh ban hành từ năm 2022.
Theo đó, tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT: Thí sinh phải được tạo cơ hội trúng tuyển cao nhất và quyền xác định nguyện vọng ưu tiên trong số những chương trình, ngành đào tạo đủ điều kiện trúng tuyển.
Thí sinh cũng cần chú ý, đối với các khối đặc thù như trường công an, quân đội sẽ có quy định riêng trong việc xét tuyển. Về điều này, Thượng tá Đỗ Thành Tâm, Thư ký Ban tuyển sinh quân sự - Bộ Quốc phòng cho hay, các trường quân đội chỉ tuyển sinh nguyện vọng 1. Vì thế, thí sinh muốn dự tuyển vào trường quân đội thì trên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo phải để nguyện vọng vào các trường quân đội ở nguyện vọng 1.
Một vấn đề được quan tâm tại Ngày hội tuyển sinh là tổ hợp môn dùng để xét tuyển sớm không trùng với tổ hợp môn thi xét tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau. Việc thí sinh xét tuyển sớm là thực hiện theo sự hướng dẫn của nhà trường và làm đúng thủ tục, quy trình. Nếu thí sinh vẫn muốn ứng tuyển bằng phương thức khác thì phải tiến hành đăng ký theo cách khác, không thông qua hình thức xét tuyển sớm.
Đặt trường hợp thí sinh muốn xét tuyển vào ngành công nghệ thông tin của Đại học Bách khoa Hà Nội, dù sử dụng phương thức nào, chỉ cần tích vào ô ngành công nghệ thông tin khi đăng ký nguyện vọng thì sẽ ưu tiên phương thức có điểm tốt nhất để ứng tuyển.
Chia sẻ thêm về vấn đề đặt nguyện vọng, bà Thủy cho rằng thí sinh nên có nhiều hơn một nguyện vọng xét tuyển để tránh rủi ro: “Năm ngoái, nhiều em khi đăng ký chỉ chọn 1 nguyện vọng duy nhất vì cho rằng mình chắc chắn trúng tuyển. Tuy nhiên, sau đó vì những sai sót về đối tượng hay khu vực ưu tiên, thí sinh đã không trúng tuyển vào trường, đồng thời bỏ lỡ hết các cơ hội khác”.
Không chỉ lưu ý về phía học sinh và phụ huynh, để giảm thiểu tối đa những khó khăn cho thí sinh và tránh mắc phải sai lầm như trong kỳ thi trước, Bộ cũng đã có những quy định điều chỉnh phù hợp hơn cho kỳ thi THPT quốc gia năm nay: để thí sinh đăng ký thông tin về đối tượng và khu vực ưu tiên sớm hơn; thí sinh chỉ đăng ký nguyện vọng theo ngành; việc cộng điểm ưu tiên sẽ có sự điều chỉnh giảm dần khi học sinh đạt được ngưỡng điểm giỏi.
Tại buổi tư vấn, bà Nguyễn Thu Thủy cũng yêu cầu các trường phải có phương hướng, đề ra những giải pháp tránh rủi ro, tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh tham gia vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2023.