Kỳ thi Trung học phổ thông 2020: Sẽ không có khoảng trống trong thanh tra

(PLVN) - Ngày 5/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh/thành phố về công tác tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2020. Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 tính đến yếu tố ổn định, hạn chế xáo trộn so với các năm trước.  
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Thanh tra Chính phủ cùng giám sát

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 căn cứ vào kết quả đó để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của các nhà trường, công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục.

Đồng thời, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng để tuyển sinh. Theo lộ trình đổi mới thi, năm 2020, kỳ thi về cơ bản giữ ổn định và từ năm 2021-2025, có thể đổi mới thêm là thi trên máy tính ở nơi có điều kiện, còn lại cơ bản vẫn ổn định.

Phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và công nhận tốt nghiệp THPT năm 2020 được xây dựng dựa trên nhiều căn cứ. Trước hết là để phù hợp với Luật Giáo dục năm 2019; thứ hai là để phù hợp với thực tế dạy - học bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Kỳ thi năm nay giao cho địa phương nhưng Bộ trưởng cũng cho biết, trách nhiệm của Bộ GD-ĐT vẫn rất lớn. Đó là chỉ đạo tổ chức kỳ thi; xây dựng Quy chế, các văn bản hướng dẫn; tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, nghiệp vụ thanh tra; xây dựng, cung cấp đề thi cho các hội đồng thi; cung cấp các phần mềm phục vụ tổ chức thi dùng chung cả nước; tổ chức thanh tra, kiểm tra các khâu của Kỳ thi.

Cũng theo Bộ trưởng Nhạ, việc thanh tra thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ có sự tham gia của 3 cấp: Thanh tra Bộ GD-ĐT, thanh tra tỉnh, thanh tra Sở GD-ĐT. Lực lượng này sẽ “phủ kín” hoạt động thanh, kiểm tra tại các điểm thi và thực hiện trên nguyên tắc tránh trùng lặp, bảo đảm hiệu quả. Kỳ thi có thêm sự tham gia của Thanh tra Chính phủ. Theo đó, công tác thanh tra sẽ không có khoảng trống, không có điểm mờ và độc lập trong tất cả mọi khâu.

Do đó, địa phương cần ý thức rõ tầm quan trọng của kỳ thi để chuẩn bị chu đáo các khâu, tránh tiềm ẩn các rủi ro. Ông Nhạ nêu yêu cầu, căn cứ vào phân công nhiệm vụ, từng thành viên tham gia kỳ thi phải xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ một cách chi tiết để đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên, tránh tình trạng “khoảng tối dưới chân đèn”, đi kiểm tra nhưng người kiểm tra không được ai giám sát cả.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại cuộc họp sáng 5/6.
 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại cuộc họp sáng 5/6. 

Thanh tra Bộ sẽ kiểm tra các địa phương thực hiện qua kế hoạch cụ thể chsứ không phải đi ngó nghiêng hỏi han vài ba câu. Đã đi thanh tra, kiểm tra phải có kết luận để những bộ phận chưa tròn trách nhiệm phải thực hiện đúng chứ không nhắc rồi để đấy.

Đồng thời, ông Nhạ cũng nhấn mạnh khâu tập huấn rất quan trọng, những người làm thi mà không hiểu đúng thì sẽ lúng túng, làm sai, thậm chí tiếp tay cho vi phạm dẫn tới rủi ro cho cả kỳ thi. Tương tự, cần có phương án dự phòng những rủi ro có thể xảy ra trong tất cả các khâu: In sao, vận chuyển, coi thi, bảo quản đề thi, bài thi, chấm thi...

Chuẩn bị kỹ cơ sở vật chất, tránh tình trạng camera có lắp nhưng không hoạt động. Ngoài ra, cần phòng ngừa thiên tai, mưa lũ,… “Tránh một lỗ thủng nhỏ đánh đắm cả con tàu”, ông Nhạ bày tỏ.

Thêm nữa, các địa phương chỉ đạo các trường đặc biệt lưu ý đến khâu ôn tập, tránh để học sinh hoang mang dẫn tới học quá tải không cần thiết. Muốn làm được điều đó, các địa phương phải kiểm soát chặt khâu dạy thêm, học thêm ở các nhà trường và giáo viên.

Đối chiếu điểm thi với kết quả học tập

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, hằng năm, cá biệt có một số địa phương chuẩn bị một số điều kiện tổ chức thi không đáp ứng yêu cầu cả về số lượng, chất lượng và tiến độ; dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp đến kỳ thi.

Nhấn mạnh cần đặc biệt coi trọng lựa chọn cán bộ tham gia công tác in sao, vận chuyển đề thi, ông Mai Văn Trinh đồng thời lưu ý hoạt động tập huấn với công tác thanh tra; thanh tra tất cả các khâu; phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ các đoàn thanh tra (nhất là các cán bộ đến từ các trường đại học).

Cùng với đó, công tác bảo quản, lưu trữ đề thi, bài thi phải thực hiện đúng Quy chế; đặc biệt phải rất quan tâm công tác chọn cán bộ tham gia khâu bảo quản đề thi, bài thi. Công tác chấm thi, lưu ý đây là khâu dễ phát sinh gian lận, tiêu cực, ông Trinh đề nghị cần thực hiện nghiêm túc Quy chế thi ở tất cả các khâu của công tác chấm thi; chú trọng công tác lựa chọn cán bộ, giáo viên tham gia công tác này.

Ngoài các đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT và của Sở GD-ĐT, Thanh tra tỉnh cũng tổ chức các đoàn thanh tra tất cả các khâu tổ chức kỳ thi theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. “Bộ sẽ thực hiện đối sánh, phân tích mối tương quan kết quả thi với kết quả học tập bậc THPT (học bạ) của thí sinh”, ông Trinh thông tin về một trong những điểm mới trong khâu tổ chức.

Từ góc độ địa phương, ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam đánh giá cao việc Bộ GD-ĐT sử dụng dữ liệu điểm thi để đánh giá, phân tích kết quả kỳ thi tốt nghiệp để đối chiếu, so sánh với kết quả học tập của học sinh.

Tuy nhiên, ông Quốc bày tỏ mong muốn Bộ không nên tiếp tục việc xếp thứ tự điểm trung bình của các môn thi của các địa phương theo phổ điểm. Bởi vì việc này rất bất cập và gây áp lực cho các sở GD-ĐT. Đề nghị lãnh đạo Bộ GD-ĐT chấm dứt việc này. Chúng tôi thấy đây là việc... có hại. Trong khi đó, tỷ lệ tuyển sinh tăng dần, như vậy kết quả xếp hạng không có tính thuyết phục mà ngược lại, nó trở thành thông tin khiến các giám đốc sở áp lực - ông Quốc lý giải quan điểm.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, kể cả Bộ GD-ĐT không làm thì các đơn vị khác cũng thực hiện việc xếp hạng. “Ví dụ, sau khi công bố điểm, các phóng viên báo chí cũng làm để phân tích chỗ nào trũng, chỗ nào cao. Chính cái đó mới là cơ sở để xem đâu là việc cần phải lưu ý. Do đó, chúng ta cần phải chủ động làm tốt. Cứ làm tốt, thực chất, công khai, minh bạch thì chúng ta sẽ có được kết quả đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi”.

“Còn các việc liên quan đến phổ điểm, công bố kết quả thi chỉ là những việc mang tính chất kỹ thuật. Do đó, không phải vì thế mà chúng ta lo ngại, bởi có thể xem là chỉ số để có những giải pháp cải tiến chất lượng dạy và học ở địa phương tốt hơn. Thậm chí, đây cũng là chỉ số để Bộ GD-ĐT theo dõi nếu như có những tình huống bất thường, để qua đó có những chỉ đạo làm rõ thêm vấn đề”, lời ông Nhạ. 

Đề thi chỉ kiểm tra những kiến thức cơ bản

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Đề thi chỉ kiểm tra những kiến thức cơ bản, không có câu hỏi đánh đố, quá khó với học sinh. Trước đó, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo việc điều chỉnh chương trình cho phù hợp, điều chỉnh kế hoạch năm học với thời gian kết thúc là 15/7, thi tốt nghiệp THPT vào ngày 9-10/8.

Với lớp 12, để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo ban hành đề thi tham khảo, theo chương trình đã tinh giản và trong bối cảnh dịch bệnh, điều chỉnh kỳ thi với mục đích nêu trên. Đề thi tham khảo được đánh giá là phù hợp, việc tổ chức dạy học, ôn tập rất tích cực. Như vậy, chất lượng dạy học cho đến thời điểm này cơ bản đáp ứng được yêu cầu của chương trình. 

Đọc thêm