Ký ức Vị Xuyên

(PLVN) - “Chiến tranh biên giới phía Bắc là một câu chuyện buồn trong lịch sử, trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Dẫu vậy, nó vẫn là lịch sử. Lịch sử không thể bị lãng quên. Con em chúng ta cần biết và có quyền biết lịch sử, biết những gì cha ông đã làm, để tự hào và tiếp nối truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc”, đó là tâm sự của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, người lính đã đi qua 3 cuộc chiến tranh của dân tộc.
Tướng Huy và đồng đội trở lại chiến trường xưa.
Tướng Huy và đồng đội trở lại chiến trường xưa.

Vị tướng đi qua ba cuộc chiến

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy sinh năm 1931, quê gốc Hưng Yên, là người trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc. 

Riêng trong chiến tranh biên giới phía Bắc, ông tham gia hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (17/2 - 18/3/1979), ông là người đã đưa E111, F325 lên Cao Bằng phối hợp chiến đấu. Giai đoạn 2 (4/1984 - 10/1989), ông là Phó Tham mưu trưởng QK2 rồi Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng QK2 trực tiếp chỉ huy tại mặt trận Vị Xuyên.

Ngày 17/2/1979, Trung Quốc huy động hơn hàng chục vạn quân với 550 xe tăng, xe bọc thép, hàng nghìn khẩu pháo các loại... mở cuộc tiến công xâm lược lãnh thổ Việt Nam trên toàn tuyến phía Bắc từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh).

Mặc dù phía Trung Quốc tuyên bố rút quân và đến ngày 18/3/1979 thì hoàn thành, nhưng trên thực tế, chiến sự kéo dài tới 10 năm (1979-1989). Đó chính là mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên (nay là tỉnh Hà Giang) từ năm 1984 đến năm 1989.

Thời gian cao điểm, trung bình mỗi ngày, quân Trung Quốc bắn sang Việt Nam hàng chục nghìn quả đạn pháo… khiến núi lở, đá đè lấp kín khe sâu. Vì thế, trong số hơn 4.000 bộ đội Việt Nam hy sinh tại Vị Xuyên thì có tới hơn 2.000 liệt sĩ vẫn chưa lấy được hài cốt.

Năm 1981, đang ở Quân khu Thủ đô, ông Huy một lần nữa khoác ba lô lên chiến trường. Ông kể: “Lên thì rất mừng, lúc bấy giờ có anh Nguyễn Hữu An, Phó Tư lệnh tham mưu trưởng QK2 từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy.
 Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy. 

Anh An đề xuất phải chọn một điểm thích hợp, đánh được, giữ được. Sau một hồi bàn tính, đi đến quyết định tổ chức chiến dịch A6B tại đồi Đài, gần cao điểm 400. Nơi đây là điểm phòng ngự bằng núi đá của đối phương nhưng tương đối thuận lợi cho ta, từ A6B sang điểm của đối phương chỉ khoảng 200m...”. 

Những năm gần đây, là Trưởng ban liên lạc mặt trận Vị Xuyên, đau đáu nỗi niềm, Tướng Huy đã dành ra hai năm ghi lại một số sự kiện của cuộc chiến này qua “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” vừa ra mắt mới đây. Với ông, đây là việc cần làm, một sự tri ân, một nén nhang tưởng nhớ các đồng chí, đồng đội và nhân dân đã hy sinh trong cuộc chiến này.

“Sống bám đá chiến đấu, chết hóa đá, trở thành bất tử”

Cuốn sách “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” ăm ắp sự kiện cùng các tư liệu quý giá.  Ở đó, mỗi người còn có thể tìm được lời giải đáp cho các câu hỏi: Vì sao lại là cuộc chiến tranh xâm lược được Trung Quốc thực hiện với phương châm “3 sạch”? Vì sao Trung Quốc lại chọn Vị Xuyên - Hà Tuyên là điểm tiến công lấn chiếm? Vì sao có chiến dịch “MB84”? Vì sao chiến thắng A6B lại có ý nghĩa rất lớn với toàn mặt trận?...

Cùng với đó, Tướng Huy luôn có những luận giải sát thực mà sắc sảo: “Cuộc chiến do Trung Quốc phát động đã làm tổn hại mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân Việt Nam và Trung Quốc. Đó là một “khúc quanh lịch sử” trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Những đau khổ mà nhân dân hai nước phải gánh chịu trong chiến tranh là bài học xương máu phải được nhận thức đầy đủ”. 

Tại sao trên tuyến biên giới dài cả nghìn km, Trung Quốc lại lấy Vị Xuyên làm điểm tấn công dữ dội và tại sao lại là thời điểm năm 1984? Tướng Huy cho biết: “Nếu đánh ở Lạng Sơn hay địa điểm khác thì rất khó giấu được bạn bè quốc tế nên họ phải chọn một địa điểm hẻo lánh với một con đường độc đạo, địa hình hiểm trở, có điều kiện tấn công từ trên cao.

Khu vực này phần lớn là núi đá vôi, rất khó cho ta trong triển khai đội hình lớn. Việc vận chuyển, chi viện các mặt từ phía sau lên mặt trận cũng rất khó khăn. Trong khi, phía bên kia biên giới là vùng cao nguyên, chủ yếu là đồi đất, ít núi đá, cao hơn phía Việt Nam, dễ triển khai đội hình lớn khi xảy ra chiến sự. Còn tại sao lại là thời điểm năm 1984? Đó là lúc kinh tế đất nước ta vô cùng khó khăn khi thực hiện giá – lương - tiền”. 

“Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên”.
“Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên”.   

Tướng Huy còn kể những câu chuyện xúc động về cuộc chiến đấu bảo vệ Vị Xuyên. Đó là chuyện về những người chiến sĩ sau giờ chiến đấu trên chốt lại “luân phiên xuống hang Dơi, hang Làng Lò tắm rửa, nghỉ ngơi vài ngày cho lại sức”, “rất ít chiến sĩ bỏ ngũ”. Vì sao? “Anh em coi việc đào ngũ là một điều rất xấu và sỉ nhục nhất của người lính.

Họ lên chốt chiến đấu với tâm trạng thoải mái “nhẹ như lông hồng”. Đồng đội hy sinh rồi vuốt mắt cho đồng đội, rồi cầm súng ra chiến hào chiến đấu với tinh thần “sống bám đá chiến đấu, chết hóa đá, trở thành bất tử””.

Mặt trận khốc liệt

Trong cuốn sách hồi ức của Tướng Huy, còn có những lý giải về những chiến sĩ Hà Nội hào hoa, kiên cường đánh trả hàng trăm đợt tấn công của đối phương, nhiều người đã dũng cảm hy sinh để giữ vững chốt Bốn Hầm cho đến khi đối phương phải rút hết về bên kia biên giới (trong suốt 5 năm): “Thủ trưởng ơi! Ở đây chúng em hầu hết là dân Hà Nội. Nhiều người cứ nghĩ lính Hà Nội chiến đấu không kiên cường, nhưng thủ trưởng cứ yên tâm, chúng em sẽ đánh bại tất cả các cuộc tấn công lấn chiếm, giữ vững trận địa...”.

Còn cả chuyện anh chiến sĩ nuôi quân mê mải bên khẩu cối 60mm, cuối cùng khẩn khoản nói với khẩu đội trưởng: “Cho tớ bắn thử một quả”. Lúc bỏ quả đạn vào nòng cối nhưng vai anh lại che lấy miệng khẩu cối, quả đạn cối bay ra khỏi nòng đã găm vào vai anh và mắc kẹt ở đấy. Tướng Huy đã lệnh cho công binh lấy quả đạn cối ra khỏi vai người chiến sĩ ấy một cách an toàn.

Tuy đau nhưng anh chiến sĩ ấy vẫn tếu táo: “Thế là tớ cũng được trực tiếp chiến đấu rồi đấy!”.  Bởi “những người lên Vị Xuyên mà phải làm những công việc phục vụ cho chiến đấu như vận tải, nuôi quân... không được trực tiếp cầm súng chiến đấu ở chiến hào, họ cảm thấy đây là một điều “thiệt thòi””...

Theo Tướng Huy, Vị Xuyên là mặt trận khốc liệt bậc nhất, mà lại còn có nghịch lý. Thứ nhất, cuộc chiến biên giới phía Bắc diễn ra trên toàn bộ 6 tỉnh phía Bắc nhưng lần này đối phương chỉ tập trung tại huyện Vị Xuyên, kéo dài dọc 20km và chiều sâu 5km. Hai bên luôn ở thế trận giằng co, xen kẽ, cài răng lược, cứ đánh đi chiếm lại liên tục, một ngày có thể đánh nhau hai, ba lần…

Thứ hai, lấy làng Pinh làm cột mốc. Từ làng Pinh trở về thị xã Hà Giang là cuộc sống bình thường, không có tiếng súng, hòa bình. Từ làng Pinh trở lên mới có chiến tranh giáp biên giới. Vùng hậu phương chính là bên này suối, cuộc sống người dân ở thị xã Hà Giang dường như không có gì thay đổi. Một đằng cứ đánh nhau, một đằng cuộc sống vẫn bình yên, dù chiến trận chỉ cách đó vài km, như không hề có chiến tranh…

Không được phép quên lịch sử

Với Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, khi viết những dòng hồi ức về cuộc chiến Vị Xuyên là ông muốn gửi đến thế hệ sau lời nhắn nhủ: “Chúng ta gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, nhưng không được quên quá khứ. Quên quá khứ là có tội với lịch sử, có tội với những người đã đổ máu hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc”.

Những người trực tiếp tham gia chiến tranh Vị Xuyên năm xưa giờ đều bước vào tuổi xưa nay hiếm. Thế nên, việc sưu tầm, ghi chép lại một số tư liệu sống để lưu lại cho đời sau càng cần kíp hơn bao giờ hết.

Thiếu tướng, GS.TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an nhận định: “Việt Nam sau này có thể làm được vệ tinh, tên lửa nhưng để có tư liệu quý giá như cuốn “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy thì không thể làm được. Cuốn sách sẽ giúp cho con cháu biết rằng cha ông ta đã anh dũng chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc như vậy.

Đây là việc cần làm vì nói như nhà thơ Pautopxki: “Nếu như thế hệ này không biết thế hệ trước đã làm gì thì cuộc đời không có ý nghĩa gì cả”… Con em chúng ta cần biết và có quyền biết lịch sử, biết những gì mà cha ông đã làm, để tự hào và tiếp nối truyền thống yêu nước”.

Đọc thêm