Kỳ vọng của những người yêu sân khấu nhỏ Sài Gòn

(PLO) - Giữa muôn vàn “món ăn” tinh thần trên thị trường, kịch nói vẫn là một hướng đi rất riêng. Không ồn ào, sôi nổi, không tạo trào lưu, nhưng những vở kịch vẫn âm thầm đem đến nhiều giá trị đẹp đẽ, nhân văn trong đời sống của người dân thành phố.
Vở "Sài Gòn có một ngã tư" gây ấn tượng bởi câu chuyện nhân văn
Vở "Sài Gòn có một ngã tư" gây ấn tượng bởi câu chuyện nhân văn

Sân khấu nhỏ lại hồi sinh?

Mới đây, sân khấu 5B Võ Văn Tần, tức Sân khấu nhỏ sau bao nhiêu năm vắng bóng đã cho ra mắt vở diễn “Trời trao của lạ” của đạo diễn Mai Thắm. Một vở kịch của một đạo diễn trẻ, không thể gọi là xuất sắc, nhưng chạm đến trái tim người xem. 

Đặc biệt, sự trở lại của sân khấu 5B được người yêu kịch nói Sài Gòn kì vọng rất nhiều. 5B từng là một sân khấu “đi đầu” của kịch nói thành phố, từng là điểm giải trí quen thuộc, dựng nên bao vở kịch chất lượng thuở mà kịch nói còn là một trong những thú giải trí ít ỏi và được yêu thích của người dân.

Sự vắng bóng của 5B nhiều năm, thiếu đi những vở kịch đầy tình người cũng là một thiếu hụt của sân khấu Sài Gòn. Và giờ đây, người Sài Gòn lại kì vọng ở sân khấu nhỏ sẽ cho ra đời nhiều vở kịch hay, chắc tay.

Sài Gòn còn có một Idecaf, mà từ bao năm nay đã trở thành một “thương hiệu kịch nói” một điểm đến yêu thích cho cả người lớn và trẻ em, mỗi vở diễn ra đời đều được ngóng đợi từ nhiều tháng trước và cũng cháy vé từ một thời gian khá lâu trước đó.

Từ 18 năm nay, Idecaf đem nhạc kịch “Ngày xửa ngày xưa” đến với thiếu nhi thành phố, cho đến nay đã là 31 tập. Để rồi, cứ mỗi dịp hè, dịp gần Tết, các em lại náo nức, nôn nao, chờ mong không biết mình sẽ được thưởng thức “món” gì trong vở kịch mới. 

Mà đâu chỉ có các em. Đó còn là thói quen và niềm yêu thích của cả những người lớn có tâm hồn trẻ thơ. Bởi “Ngày xửa ngày xưa”, dưới cái vỏ kịch thiếu nhi là những bài học về tình yêu thương, lòng quả cảm, tình bạn, giá trị gia đình…  không chỉ dành cho thiếu nhi, ngay cả những bậc phụ huynh đi theo các em cũng cảm nhận được các bài học sâu sắc dành cho mình.

Idecaf mỗi năm ngoài “Ngày xửa ngày xưa”, đều có những vở diễn đặc sắc được đầu tư nghiêm túc, mà gần như mỗi vở đều trở thành “kinh điển” trong kịch nói phía Nam như “Dạ cổ hoài lang”, hay mới đây là nhạc kịch “Tiên nga”...  

Khán giả đến sân khấu còn vì thương

Được đánh giá là một “chiến binh” dũng cảm trong làng kịch nói của thành phố là sân khấu Hoàng Thái Thanh. Ra đời từ niềm yêu thích kịch nói của nữ nghệ sĩ Ái Như, đến nay, Hoàng Thái Thanh sau gần chục năm trụ ở đất Sài Gòn đã trải không ít thăng trầm, phải “dọn nhà” từ quận 3 đến quận 10, có lần suýt bị đóng cửa vì các nghệ sĩ kham không nổi chi phí.

Vậy mà Hoàng Thái Thanh vẫn kiên cường đứng vững cho đến nay, hàng năm, lượng vở diễn ra mắt không quá nhiều, nhưng “chậm mà chắc”, mỗi vở đều được đầu tư, tâm huyết. 

Từ đầu năm đến nay, Hoàng Thái Thanh cho ra mắt các vở “Giấc mộng vàng son”, “Ngày xưa biển ngọt” và “Sài Gòn có một ngã tư”. Cả ba vở diễn đều được khán giả và giới chuyên môn đánh giá tốt. Với “Giấc mộng vàng son” là câu chuyện cổ cách tân về “chú Cuội cây đa”, đem lại thông điệp vừa lạ mà vừa quen về sự ảo tưởng và những giấc mộng xa vời phi thực tế, để rồi đánh mất những giá trị hạnh phúc giản dị, gần gũi trong tay.

Hay “Sài Gòn có một ngã tư”, là câu chuyện bình dị về những mảnh đời nhỏ bé giữa Sài Gòn, câu chuyện rơi nước mắt về những tâm hồn đẹp trong những manh áo khốn khó… Hoàng Thái Thanh cũng là sân khấu khiến khán giả đến, không chỉ vì kịch hay, mà còn bởi “vì thương”. 

Sài Gòn còn có kịch Phú Nhuận đi theo hướng cân bằng giữa nghệ thuật và thị trường, còn có sân khấu kịch Hồng Hạc, kịch Trịnh Kim Chi… mới ra đời chưa lâu, và được gây dựng, không phải bởi mục tiêu kinh doanh, mà bởi tình yêu thương, đam mê nghệ thuật sân khấu và kì vọng góp thêm sức mình cho sự phát triển của sân khấu.

Từ nhiêu năm, bao lần người ta đã hy vọng, đã lo lắng, rồi lại hy vọng cho sân khấu Sài Gòn. Lúc sáng đèn, đông khách, lúc le lói, xanh xao, nhưng còn những nghệ sĩ tâm huyết với sân khấu các thế hệ, còn khán giả yêu nghệ thuật sân khấu thì sân khấu Sài Gòn có lẽ sẽ vẫn còn.