Giải pháp để thị trường vàng công khai, minh bạch hơn
Chính phủ đã yêu cầu NHNN phải thành lập ngay đoàn thanh tra, công bố đoàn thanh tra ngay trong tuần này. Theo ông, việc này sẽ tác động thế nào đến thị trường vàng?
- Việc này sẽ tác động ngay và luôn đến thị trường vàng, đưa thị trường vàng đi vào nề nếp, theo đúng các yêu cầu của một lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Đồng thời cũng bảo đảm các quy định mà NHNN đã đặt ra cho các cửa hàng vàng, cho các đầu mối cũng như cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh cấp hai, cấp ba. Từ đó sẽ làm cho thị trường hoạt động chuẩn chỉ hơn, bảo đảm đúng quy định của Nhà nước.
Vậy có thể kỳ vọng gì về việc bình ổn thị trường vàng như Chính phủ đang yêu cầu không, thưa ông?
- Tất nhiên là có, bởi vì rõ ràng, trước đây chúng ta có quy định cho thị trường vàng tương đối chặt chẽ và cụ thể. Lĩnh vực kinh doanh vàng là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và Nhà nước kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của thị trường vàng. Ở đó, DN cấp 1 dứt khoát phải được NHNN cho phép bằng văn bản. Các DN cấp hai, cấp ba cũng phải được NHNN chi nhánh địa phương cho phép theo các tiêu chuẩn và điều kiện đã quy định. Cơ chế hoạt động của các DN này là phải có các hóa đơn, phải có các chứng từ cũng như kiểm tra, giám sát một cách thường xuyên hoặc đột xuất của NHNN.
Thế nhưng, thực tế, trong thời gian vừa qua phải nói thực là việc kiểm tra, kiểm soát vẫn khó. Cụ thể, Hiệp hội Vàng quốc tế đánh giá Việt Nam đang nhập khẩu mỗi năm 45 tấn vàng, trong khi đó Nhà nước nhập được bao nhiêu. Điều này có nghĩa là xuất hiện tình trạng nhập lậu. Như vậy, các cửa hàng đang kinh doanh vàng là vàng trôi nổi trên thị trường? Rõ ràng đây là một vấn đề nghiêm trọng. Bởi vì đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện mà NHNN quản chặt và còn được quản chặt hơn quỹ ngoại tệ.
Vì thế, mấy tháng vừa qua tôi đã đề xuất các cửa hàng vàng cần phải được thực hiện ngay cấp hóa đơn điện tử và kết nối với cơ quan thuế để từ đó kiểm soát được việc mua vào, bán ra rồi kinh doanh của các hệ thống cửa hàng vàng. Phải công khai, minh bạch, lúc đó chúng ta mới biết được mua bao nhiêu, bán bao nhiêu, cụ thể ra sao, giá cả thế nào.
Không thể để tình trạng đầu cơ vàng xuất hiện trong lĩnh vực Nhà nước quản lý. Đầu cơ là để đẩy giá, làm giá nhưng trong lĩnh vực rất quan trọng như là kinh doanh vàng, Nhà nước quản lý thì lại là vấn đề lớn, bởi vì nó ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái, ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô lớn khác.
Bây giờ hỏi rằng “cầu như thế nào, cung ra sao, có thiếu không, thiếu bao nhiêu”, có ai dám trả lời không? Rõ ràng việc dùng hóa đơn điện tử và kết nối với cơ quan thuế là một trong những điều bắt buộc và phải làm ngay để từ đó thị trường vàng trở nên công khai, minh bạch hơn và dễ quản lý.
Cần sửa những quy định bất cập
Chính phủ đã yêu cầu phải sửa Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng và dư luận kỳ vọng việc sửa Nghị định sẽ khiến thị trường vàng ổn định hơn. Quan điểm của ông thế nào?
- Nghị định 24 là một trong những nghị định đã phát huy tác dụng ngay và luôn, từ đó việc “vàng hóa” nền kinh tế bị triệt tiêu ở lãnh thổ Việt Nam và đem lại hiệu quả quản lý tiền tệ rất ổn. Nên thực tế mà nói sửa Nghị định 24 là sửa những bất cập. Ví dụ như yêu cầu hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế ngay. Lúc đó tự nhiên quản lý thị trường vàng sẽ dễ dàng công khai, minh bạch.
Chúng ta đang coi người mua vàng chỉ là một bộ phận dân cư dư tiền. Họ mua vàng để giữ tài sản, sau đó họ mua tài sản lớn hơn như nhà cửa, ô tô, máy móc. Vì thế, các nhà kinh tế cho rằng không nên đánh thuế. Thế nhưng, thực tế hiện nay đang có những người mua rất nhiều vàng, không phải hàng chục mà là hàng trăm cây vàng. Và họ mua trong một thời gian họ sẽ bán. Rõ ràng đây trở thành kinh doanh và kinh doanh hoặc đầu tư thì bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều phải đóng thuế cả. Lĩnh vực chứng khoán hay bất động sản đều phải đóng thuế cả nhưng bây giờ kinh doanh vàng không phải đóng thuế thì nghe rất vô lý. Đó chính là vấn đề cần phải sửa ở Nghị định 24.
Ngoài ra thì cũng cần thay đổi cơ chế quản lý của Nhà nước. Chắc chắn kinh doanh vàng vẫn là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nhưng cần quy định cụ thể hơn các cơ chế, chính sách, từ đó việc quản lý, giám sát cũng chặt chẽ hơn.
Tôi thấy nhiều người cho rằng nên sửa theo hướng cho một số DN được nhập khẩu vàng nhưng giải pháp này chắc chắn chưa triển khai ngay được. Bởi đó không phải là giải pháp ngay lập tức và không cần thiết. Bây giờ chúng ta đang quản lý rất chặt ngoại tệ và các kênh ngoại hối, vàng là tài sản thực càng cần quản lý chặt chẽ hơn,
Việc NHNN đấu thầu vàng được kỳ vọng là một biện pháp để “hạ nhiệt” thị trường vàng nhưng giá tham chiếu lại khá cao, có thể lý giải việc này như thế nào, thưa ông?
- Phải khẳng định rằng việc NHNN đưa ra đấu thầu vàng miếng đã ngay lập tức tác động đến thị trường vì giúp thị trường tăng cung. Rõ ràng phương thức này thể hiện vai trò của Nhà nước trong việc can thiệp vào thị trường vàng và bảo đảm tính công bằng, bình đẳng, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh vàng.
Tuy nhiên, vấn đề về giá đấu thầu lại đang bị phản ứng. Tôi biết, có nhiều người cho rằng Nhà nước can thiệp thì phải bán với giá cao hơn giá thế giới chỉ ở mức 1 - 2 triệu/lượng thôi thì mới hạ được giá vàng. Nhưng nếu như thế thì tất cả mọi người sẽ đổ xô vào đấu thầu. Và vấn đề lớn là lợi ích đó sẽ vào túi ai? Chắc chắn vào túi đầu mối kinh doanh vàng rồi.
Chưa nói đến việc đây là tài sản công, là dự trữ ngoại hối của Nhà nước. Bán tài sản nhà nước thì phải bán giá nào? Nếu bán ra thị trường với giá thấp hơn thì sẽ có nhiều chuyện có thể xảy ra ngay sau phiên đấu thầu đầu tiên. Do đó, bán tài sản của Nhà nước thì phải bán theo giá thị trường. Hiện nay, NHNN đang lấy giá mua vào và giá bán ra của mấy ngày trước phiên đấu giá, chia trung bình để làm giá tham chiếu.
Nhưng như thế thì mục đích bình ổn thị trường lại không đạt được, thưa ông?
- Bản chất vấn đề của đấu thầu là phụ thuộc vào DN, do DN cân nhắc. Nếu DN thấy đấu giá đó mà có lãi hoặc hòa vốn thì sẽ tham gia, nếu DN thấy không có lãi thì không tham gia. Vì thế mới có mấy phiên đấu thầu bị hủy. Sau những phiên bị hủy mà thị trường xuống giá thì giá tham chiếu của các phiên sau sẽ giảm. Vấn đề chính là ở đây.
Trân trọng cảm ơn ông!
NHNN cho biết, để có thông tin về nhu cầu thực tế mua vàng của người dân, có biện pháp can thiệp thị trường phù hợp, NHNN đã chỉ đạo chi nhánh các tỉnh, thành phố theo dõi sát tình hình thị trường vàng tại địa phương, tại các địa điểm mua, bán vàng và thực hiện báo cáo nếu có tình trạng xếp hàng mua vàng.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu bán vàng miếng, dự kiến phiên tiếp theo được tổ chức vào ngày 16/5/2024 để tăng cung vàng miếng ra thị trường. Trước tình hình biến động giá vàng quốc tế và động thái điều hành, kiểm soát thị trường vàng trong thời gian tới, NHNN khuyến cáo người dân cần thận trọng khi tham gia giao dịch vàng để giảm thiểu rủi ro.