Cảnh báo nguy cơ ô nhiễm ánh sáng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo nghiên cứu toàn cầu về đêm “Global at night” của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, ô nhiễm ánh sáng có tác động rất lớn đến môi trường, đặc biệt đối với các loài động vật. Dù vậy, các nguy cơ từ ô nhiễm ánh sáng vẫn luôn bị xem nhẹ so với các loại ô nhiễm khác.

Tiềm ẩn nhiều hệ luỵ khôn lường

Ô nhiễm ánh sáng là một trong những hệ luỵ của quá trình đô thị hoá. Hiểu đơn giản, ô nhiễm ánh sáng là việc sử dụng ánh sáng nhân tạo không đúng cách hoặc quá mức cần thiết, gây ra những hiện tượng chói loà, giảm tầm nhìn về đêm, tiềm ẩn những tác động tiêu cực tới sức khoẻ con người và môi trường sinh thái tự nhiên.

Nguồn của ô nhiễm ánh sáng có thể đến từ đèn đường giao thông, biển quảng cáo của các cửa hàng, thương hiệu, đèn trang trí, đèn của các phương tiện giao thông, đèn pha từ các sự kiện, lễ hội ngoài trời…

Những nguy cơ từ việc lạm dụng quá mức ánh sáng nhân tạo vẫn chưa được quan tâm đúng mức tại Việt Nam. (Ảnh minh hoạ)

Những nguy cơ từ việc lạm dụng quá mức ánh sáng nhân tạo vẫn chưa được quan tâm đúng mức tại Việt Nam. (Ảnh minh hoạ)

Ô nhiễm ánh sáng tương đối phổ biến tại các đô thị Việt Nam hiện nay và có xu hướng tăng nhanh tại các đô thị có tốc độ phát triển nhanh. Hàng loạt các hoạt động kinh tế, xã hội, sinh hoạt,… trong đời sống con người đều cần tới ánh sáng.

Ở các thành phố lớn có mật độ nhà cao tầng nhiều như Hà Nội, Hồ Chí Minh, có thể thấy hệ thống đèn điện bật mở liên tục cả ban ngày tới tận đêm khuya. Bên cạnh đó, những hoạt động từ các khu phố đêm, cửa tiệm, nhà hàng, quán bar, đường sá… thường tràn đầy ánh điện, sáng rõ như ban ngày.

Đáng nói, nghiên cứu gần nhất của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã chỉ ra, việc lạm dụng ánh sáng nhân tạo cả ngày và đêm có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Giải thích cụ thể hơn, đặc điểm sinh sống của phần lớn các loài sinh vật trên Trái đất có liên quan mật thiết đến ánh sáng: Các loài chim di cư dựa vào ánh sáng tự nhiên để tìm đường, một số loài chỉ hoạt động vào buổi tối khi không có ánh sáng, cây quang hợp dựa vào yếu tố ánh sáng...

Do đó, sự xuất hiện của các nguồn ánh sáng nhân tạo khác nhau gây nên sự nhiễu loạn đối với nhịp sinh học của các loài sinh vật cũng như gây mất cân bằng hệ sinh thái nói chung.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Plymouth (Anh), được công bố trên tạp chí Science Advances năm 2020, đã chỉ ra ánh sáng nhân tạo từ các thành phố ven biển có nhiều tác động đến các loài sinh vật sống dưới đáy biển gần đó. Ngoài ra, 3/4 diện tích đáy biển gần các thành phố lớn đang tiếp xúc với mức độ ô nhiễm ánh sáng gây hại.

Theo các nhà khoa học, ô nhiễm ánh sáng còn có thể làm cho cây xanh bị rối loạn cơ chế quang hợp, có xu hướng rụng lá, tăng lượng khí CO2; gây xáo trộn mối quan hệ giữa động vật ăn thịt - con mồi cũng như chu kỳ sinh sản của động vật hoang dã.

Ánh sáng nhân tạo phát ra từ các đô thị thu hút hàng triệu côn trùng, làm mất nguồn thức ăn của các loài chim và phá vỡ chuỗi thức ăn tự nhiên.

Nhiều loài sinh vật biển dựa vào các tín hiệu tự nhiên như ánh sáng mặt trăng để định hướng vào ban đêm và tiến hành quá trình trao đổi chất, nhưng ô nhiễm ánh sáng ở các thành phố ven biển đã làm xáo trộn nhịp sinh học của chúng.

Điều đáng lo ngại là vấn đề ô nhiễm ánh sáng tại các đô thị ở Việt Nam vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Chưa có những nghiên cứu đánh giá tác động cụ thể từ ánh sáng nhân tạo đối với cuộc sống con người và thế giới tự nhiên, do đó vẫn còn rất ít cảnh báo về các nguy cơ đến từ ô nhiễm ánh sáng và cũng chưa có phương án ứng phó, khắc phục phù hợp.

Cần thêm ”luật" về ô nhiễm ánh sáng?

Nhiều nước châu Âu đã bổ sung điều khoản về “chống ô nhiễm ánh sáng nhân tạo” trong pháp luật hiện hành nhằm đưa ra những cơ sở pháp lý để người dân, doanh nghiệp tuân thủ, điều chỉnh độ phát sáng thân thiện hơn với môi trường từ các hoạt động kinh doanh và sinh hoạt.

Pháp luật hiện hành của Việt Nam vẫn chưa có các quy định cụ thể về ô nhiễm ánh sáng, cũng chưa có chế tài cho vi phạm cho hành sử dụng ánh sáng nhân tạo quá mức gây khó chịu, ảnh hưởng đến cộng đồng và môi trường xung quanh. Theo đó, việc ngăn chặn các mối nguy từ ô nhiễm ánh sáng mới chỉ dừng lại ở khuyến cáo, khuyến khích chứ chưa có những biện pháp cụ thể và mạnh mẽ hơn.

Đáng lo ngại, tình trạng sử dụng ánh sáng nhân tạo quá mức gia tăng tại các đô thị, không chỉ ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, mà còn gây ra hiện tượng lãng phí năng lượng.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, năm 2010 Việt Nam có 772 đô thị, đã tăng lên 862 đô thị trong năm 2020; như vậy tỷ lệ đô thị hóa năm 2020 lên 39,3%, tăng hơn 9% so với năm 2010.

Quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá với tốc độ gia tăng nhanh chóng mỗi năm là một trong những yếu tố đưa Việt Nam trải qua giai đoạn tăng mạnh về nhu cầu năng lượng. Đặc biệt tại các đô thị lớn vấn đề thiếu hụt năng lượng, ô nhiễm môi trường đều là những vấn đề nan giải.

Trong bối cảnh nước ta đang có nhiều động thái tích cực để giảm thiểu các nguy cơ từ biến đổi khí hậu và nâng cao công tác bảo vệ môi trường, nhiều ý kiến cho rằng, cần có các giải pháp tiết chế sử dụng ánh sáng nhân tạo, đặc biệt trong các đô thị, thay vào đó tận dụng ánh sáng từ nguồn năng lượng tự nhiên không phát thải.

Để làm được điều đó, cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn từ các cơ quan chức năng, đơn cử như đẩy mạnh các nghiên cứu về tác động của ô nhiễm ánh sáng đô thị đối với con người và tự nhiên, đưa ô nhiễm ánh sáng vào danh mục cảnh báo để nâng cao nhận thức phòng ngừa, có chế tài nghiêm minh với hành vi gây ra ô nhiễm ánh sáng…

Đọc thêm