Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Tô Hoài Nam đồng tình với mục tiêu “tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp nhỏ và vừa” mà CLB đề ra cho nhiệm kỳ mới.
Để thực hiện nhiệm vụ vô cùng quan trọng của cả Hiệp hội và CLB, ông Nam cho rằng cần phải phổ biến, xây dựng nhận thức trong lãnh đạo các DNNVV Việt Nam hiểu về vấn đề PCDN, phạm vi hoạt động của CLB để DNNVV có thể hiểu được những vấn đề mà CLB có thể làm cho doanh nghiệp. Thường vụ Hiệp hội và Thường vụ CLB cần sớm xây dựng thỏa thuận hợp tác trên bình diện tổng thể và chi tiết hóa bằng các hoạt động cụ thể trên cơ sở chức năng nhiệm vụ và thế mạnh của hai tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, hai bên cần tăng cường phối hợp trong công tác tham gia góp ý xây dựng chính sách, pháp luật, nhất là những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế và nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp tư nhân. Việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia góp ý, phản biện kiến nghị cơ quan nhà nước hoàn thiện chính sách pháp luật kinh doanh thông qua việc tham gia CLB hoặc thông qua phối hợp tổ chức các hội thảo về hoàn thiện chính sách pháp luật do CLB và Hiệp hội là kênh thông tin hữu ích để pháp luật gần với “cuộc sống và hơi thở” của doanh nghiệp.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt thì nhấn mạnh, trong hoạt động của mỗi doanh nghiệp, các quan hệ pháp luật diễn ra hàng giờ, hàng ngày nên vai trò của nghiệp vụ pháp chế luôn “thức cùng” hoạt động của doanh nghiệp. Qua quá trình tham gia hoạt động của CLB, ông Việt nhận thấy hoạt động của CLB không đơn giản ở việc sinh hoạt giữa các doanh nghiệp với nhau mà còn là cơ hội, một kênh để doanh nghiệp vận động chính sách, tuy rằng vai trò này của Câu lạc bộ là chưa rõ nét nhưng không phải là không có cơ hội.
Để biến cơ hội thành hiện thực thì giải pháp con người và ứng dụng công nghệ có vai trò rất quan trọng. Trên cơ sở đó, ông Việt kiến nghị bổ sung thêm nhân sự trẻ có năng lực và tâm huyết, thích ứng nhanh với công nghệ, ứng dụng công nghệ hiện nay…
Trưởng Văn phòng đại diện CLB tại phía Nam Nguyễn Thanh Bình lại cho rằng, trong tình hình các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay, Ban Chủ nhiệm CLB cần định hướng chương trình cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và của từng địa phương; xây dựng hình ảnh, nội dung hoạt động của CLB khác biệt so với các Hiệp hội, CLB khác trong cả nước. Đồng thời, cần mở rộng mô hình tập hợp, thu hút hội viên trên cơ sở kết nạp các thành viên là những người đang làm công tác pháp chế ở các doanh nghiệp; đổi mới phương thức sinh hoạt CLB theo hướng gắn với bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và sinh hoạt chuyên đề...
Quan niệm nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của doanh nghiệp là một quá trình lâu dài, ông Bình lý giải là bởi tính hiệu quả, sự thành công của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp không thể đạt được từ sự nỗ lực của bất kỳ một bên nào, mà nó phải được xuất phát từ cả hai phía Nhà nước và doanh nghiệp. Vì vậy, ngoài việc chú trọng hơn công tác tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ pháp luật cho doanh nghiệp, theo ông Bình, cần quan tâm nhiều hơn đến tính tiên liệu, tính răn đe của các chế tài.