Kỳ vọng vào giao thông thông minh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Là xu thế tất yếu của thế giới, giao thông thông minh được dự đoán sẽ giải quyết những vấn đề như ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng còn thấp... tại các thành phố lớn.
Hệ thống camera ghi lại rõ nét biển số ô tô và xe máy theo thời gian thực. (Nguồn: VTV)
Hệ thống camera ghi lại rõ nét biển số ô tô và xe máy theo thời gian thực. (Nguồn: VTV)

Giải pháp giao thông thông minh

Giao thông được ví như “xương sống” của các quốc gia, do vậy những vấn đề về giao thông không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới Nhân dân mà còn gây ra tác động tiêu cực đến mọi mặt của xã hội. Trước tình trạng trên, đòi hỏi cần có những phương án, giải pháp kịp thời vừa để cải thiện tình hình, vừa hướng đến xây dựng “xương sống” quốc gia theo hướng thông minh, hiện đại. Là một trong những “điểm nóng” của giao thông, Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều thách thức và cần phải có các giải pháp xử lý kịp thời. Áp dụng công nghệ giao thông thông minh được coi là nền tảng quan trọng trong việc xây dựng thành phố thông minh, đồng thời là giải pháp cốt lõi để bảo đảm an toàn giao thông và ngăn ngừa các vi phạm tại Thủ đô.

Theo Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về "Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" xác định mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, giao thông thông minh là một trong những nội dung quan trọng trong tổng thể thành phố thông minh. Đầu tháng 7/2024, Hà Nội vừa triển khai thí điểm Trung tâm điều hành giao thông thông minh (TOC). Đây là một trong những giải pháp đưa ra nhằm cụ thể hoá Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội. “Đề án Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội” được Sở Giao thông vận tải Hà Nội tổ chức xây dựng dựa trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo các mô hình giao thông thông minh trong và ngoài nước.

Trong đó hình thành TOC và hệ thống các thiết bị ngoại vi với 12 chức năng, bao gồm: Giám sát giao thông; Cung cấp thông tin giao thông; Điều khiển giao thông; Hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; Quản lý giao thông công cộng; Quản lý đỗ xe; Quản lý sự cố; Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; Quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng; Quản lý vận tải; Quản lý nhu cầu giao thông; Mô phỏng giao thông trong công tác quản lý, khai thác và điều hành giao thông vận tải.

Trong giai đoạn đầu, có 9 chức năng sẽ được khai thác, riêng 3 chức năng Quản lý vận tải; Quản lý nhu cầu giao thông; Mô phỏng giao thông trong công tác quản lý, khai thác và điều hành giao thông vận tải sẽ được ứng dụng trong tương lai gần. Hệ thống được thiết kế bảo đảm tính mở, sẵn sàng mở rộng, tích hợp đủ 12 chức năng khi các ứng dụng hoàn thiện, đủ điều kiện kết nối, chia sẻ dữ liệu và từng bước hoàn thiện hệ thống.

Lựa chọn thí điểm tại 2 nút giao thông trên đường Phạm Văn Bạch (nút giao Hoàng Quán Chi và ngõ 9), hệ thống các thiết bị hiện đại bao gồm: camera hỗ trợ xử phạt, camera đo đếm lưu lượng, camera đo tốc độ, biển VMS,... đã được lắp đặt. Sau hơn mười ngày triển khai, TOC đã ghi nhận tình hình giao thông trên nhiều tuyến đường và các nút giao khác nhau. Các xung đột, va chạm giao thông và tình trạng vận hành xe buýt đã được liên tục cập nhật đến trung tâm. Hệ thống camera ghi lại rõ nét biển số ô tô và xe máy theo thời gian thực.

Các hành vi vi phạm như đi sai làn đường, vượt đèn đỏ và đi ngược chiều cũng được ghi lại tự động để làm căn cứ cho lực lượng chức năng xử lý “phạt nguội”. Tại một số nút giao thông, thời gian hoạt động của đèn tín hiệu tự động điều chỉnh theo lưu lượng phương tiện hiện tại, nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông.

Kỳ vọng tương lai giao thông Việt

Có thể thấy, trong giai đoạn đầu thí điểm, Sở Giao thông vận tải Hà Nội và TOC đã thu được những kết quả đáng chú ý. Dự kiến, sau khi hoàn thành thí điểm Sở Giao thông vận tải cùng các đơn vị liên quan sẽ tổ chức tổng kết và đánh giá toàn diện về các ưu điểm, nhược điểm, bất cập và các vấn đề còn tồn tại của hệ thống. Qua đó làm cơ sở cho việc triển khai đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội” một cách hiệu quả, khả thi, đáp ứng tiến độ theo yêu cầu.

Nhìn vào thực tế, để phát triển giao thông thông minh một cách đồng bộ và phù hợp với từng đặc điểm cụ thể không chỉ ở Hà Nội mà từng thành phố tại ở Việt Nam là một quá trình phức tạp và đầy thách thức. Nhưng với những chiến lược và giải pháp, lộ trình cụ thể, phù hợp theo từng giai đoạn, ngành Giao thông vận tải đang từng bước góp phần vào việc hiện thực hóa mục tiêu.

Chưa kể, các chuyên gia đánh giá thế hệ kỹ sư giao thông - nguồn nhân lực nòng cốt để phát triển giao thông thông minh tại Việt Nam - hiện có tố chất, ham học hỏi, tiến bộ nhanh. Minh chứng là nhóm kỹ sư Việt mới đây đã giành giải nhất trong phần thi phát hiện vật thể từ camera góc siêu rộng, tại AI City Challenge 2024. AI City Challenge diễn ra trong khuôn khổ CVPR - hội nghị thường niên hàng đầu thế giới về Thị giác máy tính và Nhận dạng mẫu, được tổ chức tại Mỹ vào tháng 6. Cuộc thi năm nay tập trung vào việc khai thác AI để nâng cao hiệu quả trong các hoạt động về giao thông thông minh, bán lẻ, kho bãi.

Theo kết quả được ban tổ chức công bố, với phần thi về "Phương pháp tăng cường dữ liệu và tổng hợp để phát hiện đối tượng trong hình ảnh camera Fisheye" nhóm kỹ sư thuộc VNPT AI, Đại học Phenikaa và Đại học Giao thông vận tải đạt điểm số 64,06%, cao hơn nhất trong các đội và cách biệt với đội về nhì (61,96%). Kỹ sư Việt Nam đã vượt qua 403 đối thủ “nặng ký” để giành vị trí cao nhất.

Đọc thêm