Kỳ vọng xuất nhập khẩu đột phá

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dù không đạt được mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) nhưng năm 2023 đã chạm mức xuất siêu kỷ lục. Cùng với đó, những tăng trưởng trong 3 tháng cuối năm đang được xem là động lực để XNK bước vào năm 2024 với nhiều kỳ vọng.
Nhập khẩu nguyên liệu sản xuất đã tăng mạnh trong tháng 12/2023. (Ảnh minh họa).
Nhập khẩu nguyên liệu sản xuất đã tăng mạnh trong tháng 12/2023. (Ảnh minh họa).

Điểm sáng” xuất khẩu sang Trung Quốc

Tổng kim ngạch XNK năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu (XK) ước đạt 355,5 tỷ USD, nhập khẩu (NK) ước đạt 327,5 tỷ USD. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thẳng thắn nhìn nhận, con số tăng trưởng này chưa được như kỳ vọng, cũng chưa chạm tới mục tiêu đề ra cho năm 2023, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm, tổng cầu thế giới sụt giảm mà hoạt động XK hàng hóa của Việt Nam đã vượt qua khó khăn, thu hẹp đáng kể mức suy giảm ở thời điểm cuối năm so với đầu năm đã cho thấy sự nỗ lực của các Bộ, ngành, doanh nghiệp.

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, những khó khăn về XNK năm 2023 không phải chỉ xuất hiện từ đầu năm 2023 mà thực chất đã tiềm ẩn từ các tháng cuối năm 2022. Tuy nhiên, khi Việt Nam khép lại năm 2022 với kim ngạch xuất khẩu (XK) ước đạt trên 371 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước thì đã có một số đánh giá khá lạc quan về triển vọng của năm 2023. Nhưng Bộ Công Thương đã sớm phát hiện ra vấn đề, chủ động chỉ đạo cho các đơn vị chức năng, đặc biệt là hệ thống thương vụ sớm có những nghiên cứu, đánh giá để nắm bắt các biến động tại các thị trường trọng điểm.

Trong đó, có thể lấy ví dụ về việc chọn thị trường Trung Quốc là điểm đột phá. Ngay từ đầu năm 2023, Bộ Công Thương đã chỉ đạo để các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng, nắm bắt tốt cơ hội khi Trung Quốc chấm dứt chính sách Zero-COVID và mở cửa nền kinh tế. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường XK cho các mặt hàng rau quả khác như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới;

Đồng thời nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa XNK tại khu vực cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủy sản; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang XK chính ngạch. Kết quả đã khai thông hiệu quả hoạt động XK sang Trung Quốc, hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần gia tăng kim ngạch XK sang thị trường Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Ngoài thị trường Trung Quốc, Việt Nam cũng đã thực hiện tốt đa dạng hóa thị trường trong bối cảnh XK sang các thị trường lớn đều sụt giảm. Kim ngạch XK sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng. Mức suy giảm XK tại một số thị trường chủ lực tiếp tục được thu hẹp đáng kể.

Nhiều tín hiệu tích cực

Theo Bộ Công Thương, nhìn tổng thể, cơ cấu hàng hóa XK của Việt Nam trong năm 2023 tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng XK thô, tăng XK sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Một trong những dấu ấn rất đáng ghi nhận trong bức tranh xuất nhập khẩu năm nay chính là cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng ước đạt 28 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Diên, con số này cần được nhìn nhận ở khía cạnh tích cực nếu so sánh với bối cảnh chung của toàn cầu. Cụ thể, ở Việt Nam, thời điểm cuối quý I năm 2023, XK ghi nhận giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Từ cuối quý II, XK có những tín hiệu phục hồi, tháng sau cao hơn tháng trước. Đến cuối quý III, mức giảm XK thu hẹp còn giảm 8,5% so với cùng kỳ. Ước tính, năm 2023, mức giảm thu hẹp còn 4,4% so với năm 2022. “Nếu so với sự sụt giảm XK của các nước trong khu vực, XK của Việt Nam đã có sự phục hồi tích cực hơn” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá.

Đại diện Tổng cục Thống kê (TCTK) cũng đánh giá, kim ngạch XK hàng hóa cả năm 2023 đã có một số điểm tích cực như tốc độ tăng trưởng XK đã có tín hiệu tích cực trong 3 tháng cuối năm (tháng 10 tăng 5,7%; tháng 11 tăng 6,9% và tháng 12 tăng 13,1% so với cùng kỳ). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước có tín hiệu phục hồi mạnh mẽ hơn.

Tín hiệu tích cực cũng đến từ nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam khi tốc độ tăng trưởng của 3 tháng cuối năm đạt tăng trưởng dương ở cả khu vực trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sau, 3 quý liên tiếp giảm sâu và đạt cao nhất vào tháng 12. Trong đó, một số nhóm nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất cũng có tín hiệu tăng trưởng khá tốt trong tháng 12 như sợi dệt tăng 24%; vải tăng 16,5%; Nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép tăng 33,6%. Đặc biệt là nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện tăng 45,6% so với tháng 12 năm 2022.

“Từ những tín hiệu tích cực của XK và NK hàng hóa này, có thể kỳ vọng nhu cầu thế giới đang có dấu hiệu hồi phục, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu có xu hướng NK nhiều hơn, từ đó tạo đà cho XK của Việt Nam đạt tăng trưởng khá trong đầu năm 2024” - đại diện TCTK nhận định.

Đọc thêm