Lạc chốn mê cung động Ngườm Ngao

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ẩn mình trong ngọn núi hùng vĩ tại bản Gun, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), động Ngườm Ngao có lịch sử hình thành cách đây khoảng 300 triệu năm. Du khách bị mê hoặc và choáng ngợp trước khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ bởi nhiều tảng nhũ thạch sáng lấp lánh cùng những hình thù đẹp mắt bên trong hang động.
Lạc chốn mê cung động Ngườm Ngao

Tiên cảnh tạo hóa 300 triệu năm

Ngườm Ngao theo tiếng dân tộc Tày có nghĩa là hang Cọp. Du khách sẽ được người dân địa phương kể nhiều câu chuyện xung quanh tên gọi hang động. Trong đó, người ta tin rằng, xưa kia có nhiều hổ dữ sinh sống ở trong động. Tuy nhiên, một số người lại cho rằng tên gọi xuất phát từ việc đứng ở trong động, nghe tiếng nước chảy hòa vào nhau giống như tiếng hổ gầm nên thường gọi là Hang Hổ.

Động Ngườm Ngao được phát hiện năm 1921, đưa vào khai thác du lịch năm 1996 và được công nhận là danh thắng cấp quốc gia năm 1998. Động Ngườm Ngao được xếp vào một trong những hang động đẹp nhất nước bởi hệ thống nhũ đá và măng đá đã tạo nên những khung cảnh thật sinh động, kì thú khiến con người phải thán phục, kinh ngạc. Tổng chiều dài của động khoảng 2.144m gồm có 03 cửa chính: Ngườm Ngao, Ngườm Lồm, Ngườm Bản Thuôn… Nhiệt độ trong động từ 18 đến 25 độ C, mùa hè cho cảm giác mát mẻ, còn mùa đông ấm áp. Tạo hóa ưu ái ban tặng hệ thống nhũ đã độc đáo, mọc từ trên xuống hay nhô từ mặt đất lên, kích thước to nhỏ khác nhau. Tất cả đan xen với nhau tạo thành một mê cung kỳ diệu.

Dãy đá như miệng núi lửa phun trào trong động.

Dãy đá như miệng núi lửa phun trào trong động.

Ngắm các nhũ đá kỳ thú, trí tưởng tượng của bạn tha hồ bay xa với vô số hình ảnh đẹp hiện lên ngay trước mắt. Lúc thì như những búp sen đang nở rộ, khi thì như nàng thiếu nữ đang chải mái tóc dài. Nhiều chỗ giống như một căn phòng “trướng rủ màn che” với nàng tiên đang nghiêng mình chải tóc, hay dáng vẻ của một ông tiên, ông Phật hiền từ... Về khối đá đài sen úp ngược, chuyện kể rằng, ngày xưa có một vị tu hành ngồi trên đài sen tu mãi mà không thành chính quả. Vì quá buồn chán, nản chí nên ngài đã úp ngược đài sen xuống, còn mình thì biến thành cột đá đứng bên cạnh. Về mùa mưa, nước từ những cánh hoa nhỏ nước xuống vừa đẹp mắt vừa vui tai. Tương truyền rằng nếu như hứng được những giọt nước từ bàn tay Phật rớt xuống, rồi xoa lên mặt, người đó sẽ gặp được nhiều điều may mắn.

Các nhũ đá còn có hình giống: cây tơ hồng, bầu sữa mẹ, con cóc thần, cây đàn đá, cây san hô và con tàu, thác vàng, thác bạc, cột đá cô đơn… Nhờ diện tích rộng lớn mà động Ngườm Ngao được chia thành nhiều khu vực. Khu ‘tứ trụ’ với 4 cột đá dựng thành vách tựa cột chống trời khổng lồ. Khu trung tâm có diện tích rộng nhất và khu châu báu cuối cùng. Tên gọi của khu châu báu xuất phát từ việc quy tụ nhiều tảng thạch nhũ lấp lánh, giống như vàng bạc kho báu ẩn giấu mình trong hang động.

Không chỉ thế, du khách còn bắt gặp một vài con suối nhỏ, nước chảy róc rách. Lối đi trong động đôi khi khiến du khách cảm thấy khó khăn, nhiều vách đá nhỏ hẹp chỉ vừa một người đi, hay có tảng nhũ đá chắn ngang khiến người đi phải cúi gập người mới qua được. Cảm giác giống như bạn đang luồn lách trong địa đạo vậy.

Nét độc đáo tạo thành điểm nhấn của danh thắng Ngườm Ngao còn là những thửa ruộng bậc thang do sàn đá vôi bị xâm thực và phong hóa nhiều triệu năm tạo thành. Trong lòng động Ngườm Ngao tỉnh Cao Bằng có chỗ còn phát ra tiếng suối chảy róc rách một cách bí ẩn, khiến du khách cứ ngỡ gần bên nhưng chỉ nhìn thấy những hồ nước nhỏ đọng lại, giúp cho không khí trong động luôn mát lạnh hơi nước.

Vẻ đẹp kỳ vỹ trong động Ngườm Ngao.

Vẻ đẹp kỳ vỹ trong động Ngườm Ngao.

Vòm hang Ngườm Ngao có nơi khép lại rồi có chỗ mở ra, khiến ánh sáng len lỏi tạo cho không gian thêm huyền ảo. Bên trong động, nhũ đá mọc từ dưới lên, thả từ trên xuống, có nhũ thẳng đứng, nhũ to, nhũ nhỏ... đan xen tạo thành một mê cung kỳ diệu như dẫn bước người xem vào chốn bồng lai.

Diệu kỳ “Lối đi độc đáo”

Theo kết quả khảo sát năm 2016 của Viện Địa chất khoáng sản, động Ngườm Ngao dài 2.769,6m, sâu 61,1m, có 2 tầng hang hoạt động (ngang mức suối) và hóa thạch (cao hơn suối khoảng 50m). Động có 5 cửa ở các khoảng độ cao 420-507m trên mực nước biển. Trước đây, Ban quản lý động mới khai thác du lịch một đoạn hang dài 945,8m với 2 cửa.

Nhân kỷ niệm 100 năm khám phá động Ngườm Ngao, (1921-2021), Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng phối hợp với Công ty Cổ phần du lịch Cao Bằng tổ chức lễ khai trương tuyến du lịch trải nghiệm Khám phá Động Ngườm Ngao - Bản Thuôn với tên gọi “Lối đi độc đáo”.

Với “Lối đi độc đáo”, du khách không chỉ khám phá động Ngườm Ngao dài gần 1 km như trước đây, mà còn ngẩn ngơ trước thiên nhiên kỳ vĩ trong động thêm 2 km. “Lối đi độc đáo” là tour du lịch mạo hiểm, khám phá Động Ngườm Ngao dài tổng cộng gần 3 km. Đây là một trong những hang động đẹp nhất Việt Nam, một lối đi với những hoạt động như băng qua núi rừng, đi thuyền trên nước ngay trong hang động. Trải nghiệm đi dạo bằng thuyền trong giữa lòng hang động sẽ đem lại cho du khách cảm giác thích thú. Du khách sẽ được trải nghiệm đầy đủ các cung bậc cảm xúc mà sự kỳ diệu của thiên nhiên ban tặng cho Ngườm Ngao”.

Du khách thích thú khi trải nghiệm đi thuyền mảng trong động.

Du khách thích thú khi trải nghiệm đi thuyền mảng trong động.

Tuyến du lịch khám phá Động Ngườm Ngao 1 và 2 diễn ra trong ba tiếng đồng hồ vào mùa khô, mức độ mạo hiểm vừa phải. Du khách khám phá tuyến du lịch này sẽ khám phá hình tượng: con kì lân, thác Bản Giốc, dây tơ hồng, tam đa, thác bạc, các hình tượng như ông địa, con rùa, chúa Giê - su, cao nguyên đá, đàn đá, đập thủy điện..; khu thiên đình. Tất cả những cảnh vật trên đều do thiên nhiên tạo ra từ nhũ và măng đá vôi, không hề có sự can thiệp sắp đặt của con người nhưng chúng hiện lên vô cùng sinh động, quyến rũ.

Khám phá động Ngườm Ngao, du khách được ban quản lý trang bị đèn pin đội đầu cho dễ thấy lối đi, áo phản quang đỡ lạc đường, giầy, xăng đan đi dưới nước để tránh tình trạng trơn trượt. Ngoài ra, du khách còn được cung cấp bông, gạc, thuốc nếu có trường hợp xây xát trong quá trình di chuyển. Tại Động Ngườm Ngao có mạng wifi miễn phí, du khách có thể checkin, livetrym (phát trực tiếp) khi ghi lại những nhũ đá độc đáo có một không hai động cũng như những cung bậc cảm xúc của mình.

Các du khách thích thú khi thưởng lãm Động Ngườm Ngao

Các du khách thích thú khi thưởng lãm Động Ngườm Ngao

Ông Lương Văn La, Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) cho hay, Đảng ủy, UBND xã tiếp tục đề xuất với cấp có thẩm quyền trong công tác gìn giữ và phát triển du lịch của danh thắng, trong đó tập trung: Quan tâm, khẩn trương quy hoạch chi tiết đối với động Ngườm Ngao nhằm tạo cảnh quan đẹp, thu hút đầu tư tạo ra các sản phẩm du lịch phục vụ khách tham quan động Ngườm Ngao; Đề xuất lắp hệ thống đèn chiếu sáng phù hợp, tạo điểm nhấn thêm cho các nhũ đá trong hang đẹp hơn, kỳ vĩ hơn; Quan tâm bảo vệ môi trường trong điểm du lịch, trong đó tập trung xây dựng khu xử lý rác thải đáp ứng yêu cầu của khu du lịch hiện nay; Sắp xếp lại hàng quán, lều lán bán hàng trước cửa động nhằm tạo mỹ quan tại điểm danh thắng, hướng dẫn tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch đón khách tham quan thân thiện, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng góp phần cho du lịch Trùng Khánh nói chung và xã Đàm Thủy nói riêng phát triển bền vững.

Ông Nông Văn Bộ - Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh: “Hiện nay trên địa bàn huyện có 15 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, đã được xếp hạng, trong đó có 4 di tích quốc gia là Thác Bản Giốc, Động Ngườm Ngao ở xã Đàm Thủy; Mắt thần núi, xã Cao Chương.

Ngoài những danh thắng nổi tiếng, trên địa bàn huyện hiện nay có 4 dân tộc là Tày, Nùng, Mông, Kinh cùng sinh sống với rất nhiều lễ hội phong phú như Lễ hội Thác Bản Giốc, Lễ hội đền Hoàng Lục, xã Đình Phong, Lễ hội Co Sầu, thị trấn Trùng Khánh, Lễ hội Cầu mùa xã Cao Thăng, xã Trung Phúc, Lễ hội Lồng Tồng xã Cao Chương, xã Tri Phương, Lễ hội Háng Tán, thị trấn Trà Lĩnh, Lễ hội Thanh minh, xã Quang Trung, Lễ hội Miếu Long Vương, xã Đoài Dương. Chúng tôi rất mong muốn đẩy mạnh xã hội hoá, thu hút các nguồn lực trong nước và nước ngoài cho đầu tư kết cấu hạ tầng tại các khu, điểm du lịch, sản phẩm du lịch chất lượng cao; tăng cường quản lý nhà nước và xã hội hoá tối đa về quản lý, khai thác và bảo tồn các tài sản du lịch.

Huyện Trùng Khánh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, thương mại dịch vụ chiếm 41% trong cơ cấu nền kinh tế của huyện. Về lượng khách du lịch, chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt trên 3 triệu lượt khách du lịch, trong đó lượt khách quốc tế chiếm 20%; lượt khách nội địa chiếm 80% đến tham quan trên địa bàn”.

Đọc thêm