Nơi đây là một thánh địa của dân tộc Khmer cổ đại vẫn còn nhiều di tích kỳ bí và dòng sông huyền thoại còn gọi là Sông ngàn Linga được cho là rất linh thiêng, được nhiều du khách trong nước và quốc tế đến đây hành hương.
Kinh đô đầu tiên của đế chế Khmer
Núi Kulen thuộc tỉnh Siem Reap, cách Angkor khoảng 40km về phía Đông Bắc, không phải là một ngọn núi cao hùng vĩ mà nó có dạng đồi trải dài trên cao nguyên sa thạch. Trên đỉnh có đồi Mahendra chứa nhiều di tích lịch sử thú vị, khi đến đây bạn có thể đứng trên đỉnh đồi này và quan sát toàn bộ quần thể di sản Angkor.
Khung cảnh thiên nhiên trên đỉnh cũng rất đẹp và thông thoáng, rất thích hợp cho một chuyến tham quan và khám phá di tích cổ trong không khí yên bình và thoáng đãng tại địa điểm linh thiêng của các tín đồ Hindu và Phật giáo.
Phnom Kulen hay còn gọi là Núi Kulen có nghĩa là “Núi Triều Dương”. Vào thế kỷ thứ 9, vua Jayavarman 2 đã chọn Kulen làm kinh đô đầu tiên của đế chế Khmer, mở đầu cho kỷ nguyên Angkor chói lọi. Tương truyền, để xây dựng kỳ quan Angkor, người Khmer được các vị thần giúp sức và nơi đây còn lưu giữ bàn chân trái của vị thần dài 2m, rộng 0,8m, sâu 0,4m dưới đá, còn bàn chân phải nằm trên đỉnh núi Ba Kheng gần Angkor Thom.
Công trình điêu khắc tuyệt vời dưới dòng suối ở Kulen |
Các công trình kiến trúc thời kỳ này được xây dựng theo phong cách Hindu. Xung quanh Phnom Kulen còn có rất nhiều ngôi chùa bị thảm thực vật của khu rừng che phủ và chỉ được phát hiện ra khi các nhà khảo cổ học sử dụng kỹ thuật bản đồ 3 chiều. Vì vậy, không có gì thú vị hơn khi bạn chinh phục núi Kulen bằng việc đi bộ xuyên qua cánh rừng nguyên sinh, để rồi thu vào tầm mắt cả cố đô Angkor từ đỉnh Mahendara, và tắm mát dưới dòng thác Phnom Kulen tinh khiết đầu nguồn.
Những di tích nổi tiếng
Theo các tài liệu ghi lại, trong công viên quốc gia núi Kulen có tất cả 37 ngôi đền, chùa cổ có tuổi thọ hàng nghìn năm, nhưng nổi bật hơn cả là chùa Paang Thom, còn gọi là chùa Phật lớn, được xây dựng vào thế kỷ 16. Cả ngôi chùa nằm trên một khối đá khổng lồ cao gần 20m, rộng hàng chục mét. Phần trên của khối đá được tạc thành tượng Phật nằm dài 9,7m, cao 3,3m.
Từ chùa Phật lớn, len lách giữa rừng nguyên sinh nhiệt đới, qua những vùng núi đá nhấp nhô, khấp khểnh, du khách sẽ được khám phá suối ngàn Linga thần linh hay còn gọi là suối Stung Kbal Spean. Đoạn suối này có nhiều thác nước đẹp với dòng nước mát lạnh và trong suốt như pha lê hiền hòa chảy qua rừng cây, men theo những đường mòn cheo leo uốn lượn.
Vào năm 1054, công trình vĩ đại này do nhà vua Suryavarman I tiến hành khởi công với ý tưởng, ngăn dòng suối và thực hiện một bức tranh điêu khắc dưới nước độc đáo, biến lòng sông bằng đá thành một tuyệt tác điêu khắc khổng lồ. Hàng nghìn bức tượng Linga và Yoni lớn nhỏ đủ kích cỡ, tượng thần Deva, tiên nữ Apsara được điêu khắc thẳng vào những tảng đá dưới dòng suối và những tảng đá to bên dòng suối.
Di tích voi đá Srah Damrei |
Được biết, phải mất khoảng 100 năm người ta mới có thể hoàn thành công trình hết sức kỳ công và khó như suối ngàn Linga. Hiện nay chưa có nhà khoa học nào chứng minh được rằng làm thế nào mà những người cổ xưa có thể thực hiện được công trình điêu khắc tuyệt vời như này dưới dòng suối.
Không những thế, các kiến trúc và điêu khắc không chỉ theo phong cách Hindu, mà còn mang dấu ấn Phật giáo. Sông ngàn Linga được cho là rất linh thiêng nên đã thu hút rất nhiều du khách đến đây, đặt biệt là vào dịp lễ hội người dân Campuchia đưa trẻ em lên đây để tắm dưới dòng sông này với mong muốn con cái có nhiều sức khỏe và thông minh.
Hàng năm lễ hội Sông Ngàn Linga được tổ chức vào đêm trăng sáng, khách nườm nượp đổ về múa hát cầu nguyện, tiếng đàn, giọng hát, tiếng trống cùng với những điệu múa, lời kinh trộn lẫn những nhang đèn, với hương đêm gió núi tạo nên một không gian vô thường, huyền ảo, nếu lần đầu tiên tham gia du khách cứ ngỡ như mình đã lạc vào chốn bồng lai hư hư thực thực.
Đặc biệt kỳ bí hơn nữa có một số du khách đến đây sau khi dự lễ hội xong họ về liều trại ngủ nhưng khi sáng thức dậy lại nằm chỗ khác, đồ đạc cũng vậy cứ như là dịch chuyển chổ khác, cho nên họ gọi nơi đây là vùng đất thiêng “Đất Chạy”, “Đất Của Trời”.
Nhiều người thành kính ngồi trên những Linga và Yoni để cầu xin sức mạnh, xóa bỏ mọi lỗi lầm, đón nhận những may mắn. Trẻ em đến đây tắm suối với mong muốn có nhiều cách chăm sóc da mặt bằng hoa hồng và sáng dạ. Đặc biệt, vào dịp lễ và những đêm trăng sáng, khách rộn ràng đổ về mở hội múa hát hoặc chia thành từng tốp nhỏ đến các tháp để khấn nguyện.
Nổi tiếng trong dãy núi Phnom Kulen được nhiều người đến thăm còn có khu di tích voi đá Srah Damrei. Đây là một con voi cát dài 3 mét và cao 4 mét, xung quanh được điêu khắc một số con sư tử bằng đá cẩm thạch. Theo khẩu truyền của người dân, tảng đá hình con voi này chính là một người đàn ông bệnh hủi. Chỉ vì không tin vào tài năng chữa bệnh của vị sư già mà phải hóa thành đá.
Ngôi đền Preah Ang linh thiêng |
Nằm phía trên cùng của đỉnh Kulen là một giếng nước nằm lọt thỏm trong một mõm đá lộ thiên. Người hướng dẫn cho biết, giếng nước này rất thiêng và không bao giờ bị cạn cho dù trời có hạn hán đến mức nào đi nữa. Tắm rửa bằng nước ở giếng này sẽ giúp con người ta trở nên khỏe mạnh và cường tráng hơn. Thực hư tác dụng của nước như thế nào chưa rõ, song sau nhiều giờ leo núi, những giọt nước mát rượi đã làm chúng tôi thực sự thoải mái…
Ngoài ra, xung quanh núi còn có rất nhiều chùa chiền và hang đá có niên đại từ thế kỷ thứ 8, 9, mặc dù không nổi tiếng nhưng rất quan trọng về mặt khảo cổ học. Các nhà khảo cổ học cho biết, khu rừng xung quanh ngọn núi đã từng là trung tâm tôn giáo với nhiều đền thờ được xây dựng. Đây rõ rằng là khu vực tâm linh của người dân Đông Nam Á cổ đại.
Vào tháng 3/2017, các nhà khảo cổ học làm việc tại Phnom Kulen phát hiện thêm một cầu thang dài 550m dẫn lên đỉnh núi linh thiêng của Campuchia. Những bậc thang này được xây dựng vào giữa thế kỷ thứ 9-13 nhằm làm giảm độc dốc khi leo lên. Cầu thang được làm bằng đá ong hoặc được đúc trực tiếp từ đá…
Các đền thờ đá mà người Khmer xây dựng tại Phnom Kulen được phát hiện dường như khiến nền văn minh Khmer như sống lại và trở thành địa điểm thiêng liêng, thường xuyên được cả khách hành hương và khách du lịch đến tham quan.
Ngày nay Phnom Kulen rất nổi tiếng và người ta tin rằng ngọn núi linh thiêng này vẫn còn nhiều di tích cổ đại khác mà giới khảo cổ chưa phát hiện hết. Cần phải nghiên cứu sâu rộng hơn nữa về ngọn núi để tìm kiếm những di tích ẩn chứa trong lòng sông, hang động và các ngôi đền cổ bị lãng quên…/.