Trong căn biệt thự Pháp đã gần trăm năm tuổi, không khí của Hà Nội xưa vẫn phảng phất với tiếng nhạc Trịnh, tiếng đài cát – sét, sự yên bình hòa nhã giữa phố xá tấp nập. Trước căn phòng nhỏ trên gác 2 cầu thang gỗ có tấm biển nhỏ: “Lạc rang húng lìu Cụ Vân”.
Nhớ lại một chút nét xưa hồn cũ của món lạc rang húng lìu, cụ Vân chia sẻ: “Cái duyên đến với nghề này rất bình thường, ngày người con gái Hà Bắc về lấy chồng Hà Thành. Chồng cụ có theo học một người Tàu chữ Hán, rồi cũng “học lỏm” được nghề lạc rang này. Thấm thoắt từng ấy năm, đến nay đã hơn 50 năm”.
Chia sẻ về sự đặc biệt của lạc rang húng lìu, cụ cho biết: “Húng lìu về đây tôi cải tiến đi, thêm mấy gia vị vào, thế nên húng lìu nhà tôi không ai địch được!”.
Để có một món lạc rang húng lìu ngon, đặc biệt, khâu chọn nguyên liệu vô cùng quan trọng. Lạc phải mẩy, vỏ lạc căng được trồng ở nơi đất pha cát. Lúc tẩm ướp húng lìu, lạc phải có độ hút với gia vị và ngấm sâu trong ruột lạc. Khâu chế biến húng lìu cũng là công đoạn tạo nên nét riêng biệt hiếm nơi nào sánh được với cửa hàng cụ Vân.
Húng lìu được cụ Vân cải tiến với đủ các hương vị từ các loại cây cỏ, thuốc bắc như quế chi, hoa hồi, thảo quả, cam thảo… cán ra trộn với lạc rang để tạo mùi thơm. Phải xóc thật kỹ, khi lạc đã ngấm vị lại đem phơi trong gió, tuyệt đối không được phơi nắng sẽ làm lạc chảy dầu hoặc làm húng lìu và các vị khác biến chất.
Đến nay cụ đã gần 90 tuổi nhưng cụ Vân vẫn thường xuyên chỉ bảo, dặn dò con cháu phải làm nghề bằng cái tâm, sự tận tình và thật thà. Bí quyết gia truyền chỉ truyền cho con cháu trong gia đình.
Dù bây giờ cả khu phố Bà Triệu ngày nào chỉ có một quán lạc rang húng lìu thì giờ đây nhan nhản các cửa hàng ăn theo tên tuổi của cụ Vân. Dọc con phố Bà Triệu, chưa đầy 100m đã có hàng chục cửa hàng bán lạc rang húng lìu mang đủ tên gọi: cô Vân, bà Vân, chị Vân, cô Lân.
Cô Phạm Thị Xuân, con dâu cụ Vân chia sẻ nhiều gia đình lợi dụng tên tuổi của gia đình để kinh doanh. Dù đã đến từng đi từng quầy hàng phản ánh vấn đề này, nhưng họ đều trả lời giống nhau rằng: Gia đình cũng có người tên Vân.
Chia sẻ với PV cụ Vân rất đau đầu khi thấy nghề gia truyền lâu năm của gia đình bị lợi dụng để kinh doanh. Việc đăng ký bản quyền thương hiệu là biện pháp cuối cùng với hy vọng sẽ bảo vệ được thương hiệu lạc rang gia truyền.
Trong câu chuyện “thật và giả”, không chỉ gia đình cụ Vân bị ảnh hưởng đến công việc kinh doanh, mà khách hàng còn bị lạc vào ma trận với đủ các cửa hàng ăn theo thương hiệu. Ai cũng phải băn khoăn, bối rối không biết đâu mới là cụ Vân thật.
Đã đến lúc, chúng ta cần một môi trường kinh doanh tử tế hơn, để những sản phẩm gia truyền như lạc rang húng lìu không bị rơi vào ma trận “ăn theo thương hiệu”.