Phó Chủ tịch Quốc hội động viên bà con cố gắng vượt qua những mất mát, đau thương, khắc phục khó khăn, sớm ổn định đời sống, sản xuất. Đồng thời đề nghị chính quyền các cấp địa phương cần đặc biệt chăm lo cho đời sống của nhân dân sau thiên tai, nhất là về nơi ăn chốn ở, lương thực, thực phẩm, nước uống, sức khỏe. Đối với những nạn nhân mất tích cần tiếp tục tổ chức tìm kiếm. Tiếp tục khôi phục hạ tầng giao thông, điện nước, thông tin liên lạc bị hư hại do mưa lũ.
Đối với công tác phòng chống thiên tai, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu các địa phương cần lưu ý điều kiện thời tiết, sẵn sàng ứng phó với tình hình mưa lũ còn diễn biến kéo dài; thường xuyên chú ý về tính an toàn của các hồ đập thủy lợi; thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ khi có tình huống xấu xảy ra.
Lai Châu là địa phương chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tính đến ngày 28/6, Lai Châu đã ghi nhận có 25 người chết và mất tích, 15 người bị thương, hầu hết các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, liên xã, liên bản bị sạt lở; gần 1.000 ngôi nhà bị thiệt hại, ảnh hưởng; ước thiệt hại gần 350 tỷ đồng. Trong đó, huyện Sìn Hồ là địa phương chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản đến nay địa phương đã có 11 người chết và 6 người mất tích, nhiều bản làng bị ngập úng cục bộ, cô lập.
Lãnh đạo huyện Sìn Hồ đã tổ chức họp bàn để thống nhất với bà con tìm địa điểm lập bản mới, dời bản Sáng Tùng ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm. Trước mắt, huyện đã hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ làm lán. Ngày 28/6, tuyến đường liên bản từ trung tâm xã Tà Ngảo về bản Sáng Tùng đã hoàn thành việc khắc phục sạt lở để mở đường đến với bà con.