Lai Châu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Tư pháp

(PLVN) - Nhờ tăng cường triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; ngành Tư pháp tỉnh Lai Châu đã đạt được các kết quả quan trọng, góp phần cải thiện các chỉ số PCI, PAX – INDEX, PAPI… của tỉnh.

Nổi bật trong triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động tư pháp tỉnh Lai Châu là việc ứng dụng CNTT trong công tác Hành chính – Bổ trợ tư pháp. Trong đó, tỉnh đã tăng cường triển khai, áp dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp cho các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch; đẩy mạnh xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng; sử dụng hòm thư công vụ để trao đổi công việc; thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử trên Hệ thống Phần mềm quản lý văn bản và điều hành giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Lai Châu; tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng chữ ký số cá nhân, đảm bảo tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc (trừ hồ sơ mật) trên môi trường mạng đạt 100%...

Việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử cũng đã được đẩy mạnh; sử dụng dịch vụ bưu chính công ích và cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4 để thực hiện giải quyết hồ sơ TTHC; tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công; rà soát các TTHC và xây dựng quy trình giải quyết TTHC theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giảm chi phí, giảm tiếp xúc trực tiếp, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Triển khai cung cấp dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia, bảo đảm năm 2021 đạt 35% số lượng đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật

Cùng với đó, ngành đã tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, hình thành “văn hóa số” nhằm tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác, sử dụng các dịch vụ công. Chú trọng công tác chỉnh đốn tác phong, lề lối làm việc đối với công chức, viên chức thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với tổ chức và công dân, đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc và đảm bảo đúng pháp luật. Niêm yết chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của công chức, viên chức ngành Tư pháp để công chức, viên chức nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả lao động.

Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 tiếp tục được duy trì, áp dụng và cải tiến vào công việc chuyên môn tại cơ quan, đơn vị. Thông qua áp dụng hệ thống quản lý chất lượng đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính của cơ quan.

Việc đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa, công khai, minh bạch TTHC trên tất cả các lĩnh vực của ngành Tư pháp đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu để đề ra các giải pháp biện pháp cụ thể, quyết liệt trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện các chỉ số PCI, PAX – INDEX, SIPAS, PAPI của tỉnh theo chức nhiệm vụ được giao của ngành Tư pháp. Tiếp tục triển khai đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, giải quyết công việc; cải cách thủ tục hành chính, đổi mới lề lối làm việc, xây dựng, thực hiện quy trình giải quyết công việc khoa học, chuyên nghiệp, hiệu quả, rút ngắn thời gian, giảm bớt thủ tục không cần thiết trong quá trình giải quyết công việc. Tăng cường đẩy mạnh việc thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến ở mức độ 3, 4 lên trên 70%. Phấn đấu chỉ số DDCI năm 2021 của Sở Tư pháp nằm trong tốp đầu các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh.

Đọc thêm