Lại 'choáng' vì 'chủ nghĩa thành tích'

(PLO) - Thành tích vốn dĩ có một ý nghĩa tích cực. Thành tích là kết quả tốt đẹp do một cá nhân hay tập thể làm ra, được mọi người công nhận và đánh giá cao. Nhưng chạy theo thành tích, bất chấp thủ đoạn, bỏ qua thực chất thì lại là một căn bệnh, một tệ nạn cực kì nguy hiểm.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Báo PLVN số 147 ra thứ Năm hôm qua làm không ít người chưng hửng. Các địa phương mới tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông, chưa chú trọng phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường; vệ sinh môi trường nông thôn vẫn đang là vấn đề bức xúc của xã hội, tiêu chí môi trường đang là tiêu chí đạt thấp nhất.

Kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM) không đồng đều. Số xã đạt tiêu chí NTM ở Đông Nam bộ là 46,4%, Đồng bằng sông Hồng là 42,8%, miền núi phía Bắc chỉ đạt khoảng 8,2%, Tây Nguyên đạt 13,2%, Đồng bằng sông Cửu Long đạt 16,7%... 

Thực ra xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước,  đã và đang góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ở nhiều nơi; nhưng vì sao “chủ nghĩa thành tích” làm cho biến tướng? “Chủ nghĩa thành tích” vì ai? Xin thưa, nói trắng ra là ai cũng quan tâm đến các báo cáo hoành tráng. Các báo cáo đó chỉ vì người lãnh đạo mà thôi. 

Theo Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Quảng Bình, sau gần 5 năm xây dựng NTM, đến cuối tháng 1/2016, dù có 30 xã đạt chuẩn nhưng số nợ cũng lên tới 217 tỉ đồng. 106 xã chưa đạt chuẩn NTM cũng đang “đau đầu” với khoản nợ trên 253 tỉ đồng. Theo Pháp Luật Việt Nam, “số nợ đọng của 35/41 tỉnh, thành phố khoảng 8.600 tỷ đồng do một số địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích nên huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng thanh toán để lại hậu quả lớn.

Tóm lại là “đau đầu”.

Khái niệm thành tích vốn dĩ có một ý nghĩa tích cực. Thành tích là kết quả tốt đẹp do một cá nhân hay tập thể làm ra, được mọi người công nhận và đánh giá cao. Nhưng chạy theo thành tích, bất chấp thủ đoạn, bỏ qua thực chất thì lại là một căn bệnh, một tệ nạn cực kì nguy hiểm. Đáng tiếc là hiện nay, xã hội ta có rất nhiều người mắc căn bệnh này. Hầu như ngành nào cũng đã và đang có chuyện này.

Làm sao để chống, ai chống?

Tất nhiên phải trở lại tư tưởng Hồ Chí Minh. Gốc rễ của “bệnh thành tích” chính là chủ nghĩa cá nhân, thứ mà Bác Hồ chỉ mặt, đặt lên là “nội xâm”. 

Chúng ta phải nhận thức được rằng “bệnh thành tích” là một hiện tượng tiêu cực gây ra nhiều tác hại ghê gớm khôn lường. Đó chính là biểu hiện cao độ của thói dối trá rất đáng phê phán và lên án. Trong hoàn cảnh đất nước ta đã và đang mở cửa giao lưu và hội nhập với toàn thế giới, mỗi công dân, tổ chức phải có thái độ nghiêm túc và trung thực trước mọi vấn đề của bản thân và xã hội. Đó mới là cống hiến vì một xã hội phát triển lành mạnh, bền vững.

Đọc thêm