Huy động quá sức dân
Báo cáo kết quả triển khai “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (giai đoạn 2010 - 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Văn Giàu chỉ ra trong thực hiện chương trình NTM, ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội huy động cho Chương trình còn thấp nhiều so với thực tế.
Theo Báo cáo của Chính phủ, số nợ đọng của 35/41 tỉnh, thành phố khoảng 8.600 tỷ đồng do một số địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích nên huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng thanh toán để lại hậu quả lớn và ảnh hưởng đến chủ trương xây dựng NTM của Đảng và Nhà nước.
Các địa phương mới tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông, chưa chú trọng phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường; vệ sinh môi trường nông thôn vẫn đang là vấn đề bức xúc của xã hội, tiêu chí môi trường đang là tiêu chí đạt thấp nhất. “Kết quả xây dựng NTM không đồng đều. Số xã đạt tiêu chí NTM ở Đông Nam bộ là 46,4%, Đồng bằng sông Hồng là 42,8%, miền núi phía Bắc chỉ đạt khoảng 8,2%, Tây Nguyên đạt 13,2%, Đồng bằng sông Cửu Long đạt 16,7%”, ông Giàu cho biết.
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được phê duyệt từ ngày 10/6/2013 triển khai đến các cấp quá chậm, thậm chí đến nay còn 9 địa phương chưa ban hành đề án, kế hoạch tái cơ cấu trên địa bàn là Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Kiên Giang. Ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội huy động cho chương trình còn thấp nhiều so với thực tế.
Cần phân tích lại chính sách nông thôn mới
Băn khoăn hiệu quả đầu tư, số tiền bỏ ra của trương trình nhiều như vậy có phù hợp với kết quả đạt được hay không, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng trong khi chúng ta thu hút đầu tư vào nông nghiệp thì nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài và họ cho biết rất hiệu quả.
“Doanh nghiệp, nhà đầu tư báo cáo lại là quá trình đầu tư rất hiệu quả, đầu tư sang nhiều nước như Mỹ, Úc, Nga, Lào, ví dụ như đầu tư sang Nga hay Mỹ sau 5 đến 6 năm đã thu hồi vốn. Do đó, trong báo cáo này cũng cần phân tích lại chính sách của ta và bạn có gì khác nhau để tính lại tác động chính sách”, ông Dũng nói.
Đồng quan điểm với ông Phan Xuân Dũng, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền cho rằng, muốn xây dựng NTM hiệu quả thì phải chú trọng đến nguồn nhân lực, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa.
Còn bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, mục tiêu lớn nhất của chương trình là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân cho nên dù có đạt tiêu chí nào nhưng nếu đời sống của người dân không được nâng cao thì cũng không đạt. Theo bà Nga, “trong bất kỳ một cuộc giám sát tối cao nào, nếu chúng ta không đưa được ra những nơi làm tốt thuộc về lãnh đạo tỉnh, ngành nào cũng như những nơi làm chưa tốt, trách nhiệm thuộc về ai, địa chỉ cụ thể, thì khó đạt được hiệu quả”.
1.761 xã đạt tiêu chí nông thôn mới
Theo báo cáo của Chính phủ, đến tháng 3/2016, có 1.761 xã chiếm 19,7% đạt tiêu chí NTM. Những xã đã đạt tiêu chí NTM, mức thu nhập bình quân năm 2011 là 16 triệu đồng, đến nay thu nhập bình quân tăng lên đạt 28,4 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,6% còn 3,6%.
Nhờ thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, đến nay cả nước đã có khoảng 22.500 mô hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hiệu quả; khoảng 556 nghìn ha với 2.500 mô hình hợp tác, liên kết theo mô hình “cánh đồng lớn”; khoảng 200 mô hình chăn nuôi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP được cấp chứng nhận.
Nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp, mô hình tổ, đội sản xuất trong khai thác thủy sản, trang trại... đã được hình thành hoạt động. Công tác ứng dụng khoa học công nghệ đã được đẩy mạnh trong lĩnh vực thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi...
Trong 5 năm, cả nước đã huy động khoảng 851.380 tỷ đồng để thực hiện Chương trình NTM. Trong đó, ngân sách nhà nước bao gồm các chương trình, dự án khác là 266.785 tỷ đồng chiếm 31,34%, vốn tín dụng là 434.950 tỷ đồng chiếm 51%, huy động từ doanh nghiệp là 42.198 tỷ đồng chiếm 4,9%, người dân đóng góp là 107.447 tỷ đồng chiếm 12,62%.