Lại “loạn” thi nhan sắc do luật quá thoáng?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sau một thời gian vắng bóng vì dịch bệnh, các cuộc thi nhan sắc đang “khởi động” trở lại một cách rầm rộ. Nhưng dường như ngày càng ít người mặn mà với các cuộc thi này.
Năm nay hứa hẹn “bùng nổ” các cuộc thi nhan sắc. (Ảnh minh họa)
Năm nay hứa hẹn “bùng nổ” các cuộc thi nhan sắc. (Ảnh minh họa)

Thi nhan sắc nở rộ

Mới đây, Ban Tổ chức Hoa hậu Hòa bình Việt Nam đã công bố khởi động cuộc thi. Theo thông báo, cuộc thi sẽ chính thức tuyển sinh vòng sơ khảo, sơ tuyển từ ngày 5/4 tới hết tháng 7/2022. Đêm bán kết diễn ra ngày 3/9 và đêm chung kết diễn ra ngày 11/9/2022, hưởng ứng Ngày Quốc tế hòa bình - 21/9. Ban Tổ chức cho biết cuộc thi đề cao các tiêu chí trí tuệ và tài năng với mục đích tìm ra những thí sinh có trái tim yêu thương, biết chia sẻ với cộng đồng xã hội, đóng góp vào sứ mệnh hòa bình.

Hoa hậu Hòa bình Việt Nam là một trong vài chục cuộc thi hoa hậu đã đăng kí và sẽ diễn ra tại Việt Nam trong năm 2022 này. Bên cạnh các cuộc thi lâu đời, có độ nổi tiếng cao như Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam, Hoa hậu Việt Nam, còn có thể kể đến hàng loạt cuộc thi khác có những cái tên na ná nhau như Hoa khôi Hòa bình Việt Nam, Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam, Hoa hậu Trái đất Việt Nam, Hoa hậu Việt Nam Thời đại 2022...

Còn có các cuộc thi dành riêng cho các lĩnh vực khác nhau như du lịch, môi trường, thể thao... như Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu, Hoa hậu Môi trường Việt Nam, Hoa hậu Thể thao Việt Nam, Hoa hậu Sinh thái… Cạnh đó, là các cuộc thi nhan sắc dành riêng cho các quý bà trung niên có thể kể đến Hoa hậu Quý bà Việt Nam toàn cầu 2022, Nữ hoàng Doanh nhân đất Việt 2022, Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam toàn cầu 2022... Chưa kể đến hàng loạt cuộc thi lớn nhỏ ở các tỉnh thành, địa phương, các đơn vị, các trường học, được gọi là Người đẹp hoặc Hoa khôi...

Các cuộc thi năm nay có vẻ như tăng quy mô, đồng thời giải thưởng cũng hấp dẫn hơn. Ngoài vương miện, giá trị giải thưởng vài tỉ đồng. Thậm chí, có cuộc thi tặng cả... bất động sản như căn hộ hoặc mảnh đất sở hữu vĩnh viễn...

Tăng số lượng, giảm chất lượng?

Mặc dù có nhiều tên gọi, nhiều lĩnh vực, nhưng hầu hết trong phần tiêu chí, các cuộc thi đều hướng đến việc tôn vinh và quảng bá vẻ đẹp công, dung, ngôn, hạnh của người phụ nữ Việt, tìm kiếm những vẻ đẹp đích thực để khẳng định vị trí của nhan sắc Việt trên bản đồ nhan sắc thế giới.

Trước thời điểm dịch bệnh, đã có tình trạng “loạn” cuộc thi hoa hậu diễn ra, với hàng trăm cuộc thi lớn, nhỏ hàng năm. Trong đó, có những cuộc thi “ao làng”, diễn ra chủ yếu “cho có danh hiệu”, thậm chí công chúng còn không biết đến.

Từ nhiều năm qua, hàng loạt scandal bủa vây các cuộc thi nhan sắc quy mô từ lớn đến nhỏ. Có những cuộc thi bê bối đến mức vài chục thí sinh dự thi thì vài chục thí sinh... đều có giải. Có cuộc thi hoa hậu thì nghi vấn mua giải ồn ào vì thí sinh không xuất sắc đoạt giải. Có cả cuộc thi tân Hoa hậu đăng quang xong phải... trả vương miện vì phát hiện gian dối. Lại có những cuộc thi không mấy tên tuổi nhưng hậu thi cử lại “nổi tiếng” vì thí sinh đoạt giải hoa hậu bị phát hiện tham gia đường dây bán dâm. Như người đẹp T.D, Á hậu 2 của cuộc thi Miss Eco International 2018 và Á quân Người mẫu thời trang Việt Nam dính đến đường dây bán dâm, bị tước danh hiệu sau khi tai tiếng xảy ra. Không chỉ vậy, một “tú ông” của đường dây mại dâm đã khai ra chuyện có cả ekip “lăng xê” các cô gái đẹp, cho tham gia các cuộc thi “ao làng” để có giải, tạo scandal sau đó... tăng giá “đi khách”...

Chính vì những mục đích không thực sự tôn vinh nhan sắc Việt, nên ngoài cái tên hoành tráng, kêu gọi tài trợ ầm ĩ, nhiều cuộc thi tổ chức rất sơ sài, cẩu thả, gây ngán ngẩm cho công chúng. Đơn cử, cuộc thi Hoa hậu Hữu nghị ASEAN 2017, nghe tên tưởng “hoành tráng” nhưng khâu tổ chức nhiều tai tiếng với hồ sơ thí sinh lộn xộn, có người hồ sơ không đạt vẫn được vào chung kết. Thậm chí, 27 thí sinh dự thi phải bổ sung hồ sơ gấp sát thời điểm diễn ra đêm chung kết. Tiền tài trợ cũng không minh bạch.

Do hàng loạt sai phạm và sự bát nháo trong việc tổ chức thi người đẹp, cơ quan quản lý đã “siết” bằng cách chỉ cấp phép 2-3 cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia, với các cuộc thi hoa khôi, người đẹp vùng miền, ngành thì 3 cuộc/năm, người đẹp thì mỗi tỉnh một cuộc tại địa phương. Tuy nhiên vẫn không hiếm các cuộc thi “lách luật” hoặc tổ chức “chui”.

Đến nay, Nghị định 144/2020/NĐ - CP về hoạt động biểu diễn nghệ thuật lại cho phép không giới hạn số lượng các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu trong thời gian cùng năm. Điều này dẫn đến sự bùng nổ cuộc thi nhan sắc trong năm nay và nhiều ý kiến cho rằng sẽ tiếp diễn “loạn” thi nhan sắc với nhiều bê bối trong các năm tiếp theo.

Ngoài các cuộc thi người đẹp có danh tiếng nhiều năm hoặc cuộc thi có yếu tố mới lạ, độc đáo, dường như dư luận không mấy quan tâm đến các cuộc thi nhan sắc như trước. Các hoa hậu được trao giải nhiều đến mức công chúng không thể phân biệt hoa hậu này với hoa hậu kia.

Công chúng không quan tâm, nhiều giải không chất lượng, nhưng các cuộc thi nhan sắc vẫn tổ chức quy mô rầm rộ, năm sau nhiều hơn năm trước. Câu hỏi “tổ chức để làm gì”, có lẽ xin dành lại cho ban tổ chức cuộc thi và các cơ quan quản lý.

Đọc thêm