Lãi suất: Giảm hay tăng?

(PLO) - Bất chấp khẳng định của đại diện Ngân hàng Nhà nước rằng việc tăng lãi suất huy động trong thời gian gần đây không phải xu hướng chung, các chuyên gia khẳng định lãi suất đang có xu hướng tăng do áp lực thanh khoản…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tăng lãi suất: Chỉ để gây chú ý và quảng bá (!?)

Trao đổi với báo chí mới đây, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Bùi Quốc Dũng khẳng định, việc tăng lãi suất huy động gần đây tại các NH thương mại không phải xu hướng chung mà chủ yếu mang tính chất tạm thời để dự trữ nguồn vốn cho vay ở một số đơn vị, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh những tháng sau Tết.

Trên thực tế, cũng có nhiều NH thực hiện giảm lãi suất huy động. Ông Dũng dẫn ra thống kê của NHNN cho thấy, 2 tháng đầu năm 2016 có 15 tổ chức tín dụng (TCTD) tăng lãi suất với mức tăng bình quân từ 0,1 - 0,2%/năm, trong khi có 6 TCTD lại giảm, bình quân từ 0,1 - 0,3%/năm.

“Vì vậy, mức lãi suất huy động hiện tại vẫn cơ bản ổn định so với cuối năm 2015. Cụ thể, mặt bằng bình quân kỳ hạn dưới 6 tháng từ 4,5 - 5,4%/năm, còn kỳ hạn 6 tháng trở lên từ 5,5 - 7,2%/năm…” - ông Dũng cho hay.

Liên quan đến việc một số NH đẩy lãi suất huy động trung dài hạn đến mức trên 8%/năm, Vụ trưởng Chính sách tiền tệ cho rằng việc này gần như “chỉ để gây chú ý và quảng bá”. Ngoài ra, ông Dũng cho rằng, qua phân tích chỉ số chi phí vốn/thu nhập, hệ số lợi nhuận biên ròng của các TCTD từ đầu năm đến nay không thay đổi.

“Như vậy, mặt bằng lãi suất không tác động đến chỉ số này. Nhiều người nói lãi suất huy động và cho vay tăng nhưng quan trọng là yếu tố “net” ở giữa ổn định thì chẳng có lý do gì để nói lãi suất tăng. Có chăng chỉ là sự chuyển dịch mặt bằng lãi suất giữa các kỳ hạn mà thôi…” - ông Dũng quả quyết.

Đại diện NHNN cũng khẳng định chưa thấy các yếu tố thanh khoản và lợi nhuận biên ròng đột biến để gây áp lực lên lãi suất. Thay vào đó, khi cầu tín dụng tăng hầu hết đều xuất hiện tâm lý dự trữ nguồn vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh.

“Hoạt động quản lý ở đây là ngoài việc kiểm soát thanh khoản để hỗ trợ kịp thời qua thanh, kiểm tra (nếu có), yêu cầu TCTD thực hiện nghiêm trần lãi suất, NHNN còn triển khai đồng bộ các giải pháp điều hành bơm hút nhịp nhàng để ổn định thị trường. Ngoài ra, NHNN cũng điều tiết lãi suất thị trường 2 (liên ngân hàng) hợp lý để đóng vai trò neo giữ thanh khoản cho các TCTD”, ông Dũng cho biết.

Ngoài ra, xét về cân đối chi phí vốn và thu nhập thì hệ số lợi nhuận biên ròng của các TCTD vẫn ổn định từ đầu năm đến nay. Theo ông Dũng, đây là những điều kiện hỗ trợ, giúp cho mặt bằng lãi suất cho vay của các TCTD tiếp tục ổn định và chưa có sức ép tăng và thực tế, mặt bằng lãi suất cho vay hiện vẫn ổn định so với cuối năm 2015. 

Cũng như trong nhiều phỏng vấn trước đó, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ khẳng định: “Mục tiêu ổn định và phấn đấu giảm nhẹ mặt bằng lãi suất trung và dài hạn trong năm 2016 là khả thi…”.

Áp lực thanh khoản

Tại Hội thảo “Công bố báo cáo tổng quan Thị trường tài chính 2015 và chỉ số kinh tế dẫn báo” do Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (NFSC) tổ chức mới đây, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch NFSC đã cảnh báo về tiềm ẩn rủi ro thanh khoản của các TCTD trong năm 2016 này.

Trái với nhận định của Vụ trưởng Vụ  Chính sách tiền tệ rằng chưa thấy các yếu tố thanh khoản đột biến để gây áp lực lên lãi suất, ông Phước chỉ ra rằng thanh khoản của các TCTD đang có vấn đề khi tín dụng trung và dài hạn chỉ chiếm 55,4% tổng tín dụng, nhưng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay đầu tư dài hạn năm 2015 đã lên tới 31,8% (trong khi tỷ lệ này năm 2014 mới 20,2%), trong đó có nguyên nhân từ khu vực bất động sản và việc cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp theo Quyết định 780.

Theo ông Phước, đáng lẽ lãi suất có điều kiện để giảm thêm nữa khi lạm phát trong năm 2015 thấp. Tuy nhiên, do việc phải điều chỉnh lại cơ cấu nguồn vốn, việc sửa đổi Thông tư 36 của NHNN có thể khiến lãi suất tăng.

Số liệu của NFSC cũng cho thấy sự mất cân đối giữa huy động và cho vay ngoại tệ. Năm 2015, huy động vốn VND tăng 16,3% (năm 2014 là 19,3%), nhưng tín dụng VND lại tăng 24,1%. Mặc dù lãi suất huy động ngoại tệ đã về 0% nhưng huy động ngoại tệ tăng đến 14,3% (năm 2014 chỉ tăng 4,7%). Mặc dù huy động ngoại tệ tăng cao như vậy, song tín dụng ngoại tệ lại giảm đến 12,9% so với năm 2014.

Nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy đề nghị cần có những phân tích về việc mất cân đối giữa huy động vốn nội, ngoại tệ với cho vay hiện nay.  “Gửi đôla vào NH lãi suất 0% mà vẫn không làm cho người dân chuyển sang VND gửi chứng tỏ chính sách này vẫn chưa giúp huy động được hiệu quả các nguồn vốn…”, ông Thúy bình luận. Ông Thúy cũng đề nghị cần làm rõ lý do tại sao một NH lớn trong nước lại đi vay hàng trăm triệu đôla ở nước ngoài, trong khi lãi suất huy động ngoại tệ trong nước chỉ 0%...

“Rõ ràng áp lực thanh khoản đang có hiện tượng tăng lên. Lãi suất đang tiếp tục tăng và theo tính toán của chúng tôi, có thể tăng 1-2% so với mặt bằng năm 2015. Như vậy, không thể nói rằng doanh nghiệp vẫn có thể mở rộng sản xuất kinh doanh một cách bình thường như năm ngoái được”, ông Thúy nói.

Nguyên Thống đốc Lê Đức Thúy đề nghị cần có đánh giá đúng về chiều hướng của lãi suất. “Lãi suất huy động tăng lên, có thể mức lãi suất cho vay trung bình dài hạn sẽ lên 11% một năm. Mức trung bình như vậy thì chắc chắn sẽ có những khoản vay lãi suất cao hơn nhiều…”, ông Thúy quả quyết. 

Đọc thêm