Khó “ghìm cương” lãi suất ngân hàng

(PLO) - Mới bước vào năm 2016,  cuộc đua lãi suất đã có dấu hiệu nóng lên khi một loạt các ngân hàng tăng lãi suất và tung ra các chương trình khuyến mãi… Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2016 này nhiều áp lực khiến mặt bằng lãi suất khó giữ ổn định như năm 2015…
Chỉ trong tháng cuối cùng của năm 2015, ngân hàng này đã 4 lần tăng lãi suất
Chỉ trong tháng cuối cùng của năm 2015, ngân hàng này đã 4 lần tăng lãi suất
Tăng theo thời vụ?
Theo bản tin trái phiếu tuần cuối năm 2015 của Công ty Chứng khoán BVSC, trong tuần cuối, thị trường mở (OMO) bơm ròng khối lượng vốn lớn nhất từ đầu năm đến nay tại các kỳ hạn tương đối dài. Cụ thể, đây là tuần thứ hai thị trường OMO bơm mới tại kỳ hạn dài 56 ngày với tổng lượng 28.278 tỷ đồng, 24.710 tỷ đồng kỳ hạn 14 ngày. Đây là tuần thứ 6 liên tiếp cuối năm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm ròng qua kênh OMO khối lượng vốn lớn.
Đồng thời, lãi suất liên ngân hàng tăng tuần thứ 7 liên tiếp. Đặc biệt, lãi suất liên ngân hàng 3 kỳ hạn đều tăng 0,06% lên mặt bằng lãi suất cao nhất từ đầu năm đến nay, đạt trên 5%/năm. Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng lên 5,03%/năm, trong khi các kỳ hạn 1 - 2 tuần đồng loạt tăng lên mức 5,07%/năm. Lãi suất liên ngân hàng đạt mức căng thẳng nhất phải kể đến phiên ngày cuối năm, cả ba kỳ hạn đều nhảy vọt lên mức 5,45%/năm - mức cao nhất trong vòng 2 năm qua, kể từ thời điểm trước tết Âm lịch 2014.
Theo nhận định của BVSC, hai diễn biến này cho thấy thanh khoản hệ thống tuần cuối năm đạt đến sự căng thẳng cục bộ cao độ. Dù vậy, BVSC vẫn duy trì quan điểm cho rằng hiện tượng này do ảnh hưởng yếu tố mùa vụ cuối năm khi nhu cầu về thanh toán của ngân hàng ở mức cao.
Cùng với diễn biến nóng trên thị trường liên ngân hàng, nhiều ngân hàng liên tục tăng thêm lãi suất huy động, đồng thời đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi nhằm thu hút vốn trong những ngày đầu năm 2016. Cụ thể, ngày 30/12/2015, Sacombank tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động VND thêm từ 0,1 - 0,2%/năm.  Đây là lần thứ 4 trong tháng 12 ngân hàng này tăng lãi suất. Trước đó, từ 25/12 VietCapital Bank  đã  điều chỉnh tăng lãi suất  thêm 0,05 - 0,2%/năm ở một số kỳ hạn. 
Hiện kỳ hạn 1-2 tháng lãi suất được tính ở mức 5,35%, 3-5 tháng là 5,45%. Eximbank cộng thêm lãi suất từ 0,2 - 0,6%/năm cho khách hàng chuyển đổi từ USD, vàng sang VND gửi tại ngân hàng này, trong khi HDBank cũng tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn 1-5 tháng thêm 0,1%/năm…
Không đứng ngoài cuộc, BIDV cũng đã áp dụng biểu lãi suất mới kể từ ngày 23/12 với mức tăng khá mạnh từ 0,5-0,8%. VietinBank cũng áp dụng biểu lãi suất mới cho các kỳ hạn 1 - 3 tháng với lãi suất ngang bằng tại BIDV.
Trong khi đó, một số ngân hàng có lãi huy động cao trên thị trường tiếp tục tung ra các chương trình khuyến mại để thu hút vốn, như BacABank với chương trình “Nhận quà - Trúng vàng - Đón Xuân vui”. VPBank với “Xuân đến An Khang – Nhận vàng Phú Quý”…
Nhiều ngân hàng cho biết huy động vốn gần đây khó hơn, lãi suất huy động liên tục tăng nhưng nguồn vốn huy động không tăng bao nhiêu do tình hình kinh tế tốt lên và một số kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán... có dấu hiệu khởi sắc.
Ba áp lực tăng lãi suất
Không chỉ kỳ vọng duy trì ổn định mặt bằng lãi suất như năm 2015, người đứng đầu NHNN, Thống đốc  Nguyễn Văn Bình trong một phát biểu mới đây còn kỳ vọng “nếu được” sẽ cố gắng giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn thêm 0,3 - 0,5% trong năm 2016.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, đây là bài toán khó đối với NHNN. Theo TS Võ Trí Thành, với tất cả các biến số đặc biệt về tài chính của thế giới và Việt Nam, việc hạ lãi suất cho vay trong năm 2016 là rất khó khăn. 
TS Lê Xuân Nghĩa, trong một nhận định mới đây về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam 2016 đã nêu lên 3 áp lực tăng lãi suất trong năm 2016, đó là : Lạm phát, lãi suất trái phiếu Chính phủ (TPCP) và nợ xấu.
Theo TS Nghĩa, lạm phát năm 2016 chịu tác động bởi các yếu tố lớn hơn nhiều so với năm 2015. Đặc biệt, với dự kiến điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục, tuy chỉ chiếm 11% trong rổ CPI nhưng mức điều chỉnh đến 4-5 lần nên tác động khá lớn đến lạm phát, chưa kể khả năng có thể điều chỉnh giá điện lên tới 3- 4% trong năm 2016. 
Ông Nghĩa cũng cho rằng xu hướng giữ lạm phát thấp như năm 2015 là rất khó khăn, bởi do năm 2015 giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh nên năm 2016 khả năng sẽ đứng giá, do vậy, bất cứ yếu tố nào tăng sẽ làm tăng CPI.
Cùng với đó, lãi suất TPCP đang có xu hướng đi lên rất mạnh, có khả năng tạo mặt bằng lãi suất mới. Đặc biệt, chỉ số CDS (đo độ rủi ro của TPCP) cũng đang có xu hướng đi lên (cao nhất 300 điểm, hiện đang là 270 điểm).  Điều này hàm ý nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu lo ngại rủi ro hơn. Lãi suất TPCP đi lên khiến việc huy động TPCP khó hơn, nhà phát hành có thể phải chấp nhận trả lãi suất cao hơn.
Một yếu tố tác động không nhỏ lên lãi suất là nợ xấu. Theo TS Nghĩa, chúng ta xử lý nợ xấu trong bối cảnh không có tiền, thiếu hệ thống pháp lý hỗ trợ. Xử lý nợ xấu làm từ từ, nên tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng chi phí của ngành ngân hàng liên tục tăng, từ khoảng 16% tăng lên 23% hiện nay. “Nguyên nhân là để xử lý nợ xấu, các ngân hàng phải tăng tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro. Trong bối cảnh chi phí hoạt động cao, các ngân hàng khó có thể giảm lãi suất cho vay …”- ông Nghĩa phân tích.
Với những áp lực này, theo TS Nghĩa: “Năm 2016 khó có thể giữ được mặt bằng lãi suất như năm 2015. Thống đốc đang tìm mọi cách không cho lãi suất tăng. Nhưng làm được điều đó không dễ!”. 

Đọc thêm