Tuần trước, Wall Street Journal dẫn lời các cơ quan tình báo Mỹ cho biết họ đã được thông báo rằng ba nhân viên phòng thí nghiệm giấu tên ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc bị ốm đến mức phải nhập viện vào tháng 11/2019 với các triệu chứng giống như bị nhiễm COVID-19.
Mặc dù thông tin này sau đó bị phía Trung Quốc bác bỏ, nhưng các quan chức tình báo Mỹ sau đó nhấn mạnh rằng họ không biết virus lây truyền ban đầu bằng cách nào, nhưng họ có hai giả thuyết: nó phát sinh tự nhiên do con người tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh hoặc đó là một sự cố trong phòng thí nghiệm.
Phát biểu trong chương trình The World This Weekend của BBC Radio 4, Tiến sĩ Dale Fisher cho biết giả thuyết về việc virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm là "không thể loại trừ" nhưng vẫn "chưa được kiểm chứng".
Các chuyên gia khoa học vẫn có sự đồng thuận rộng rãi rằng là COVID-19 đã truyền sang người từ một động vật chủ trong một thảm họa tự nhiên. Tuy nhiên, một số chuyên gia đã kêu gọi khám phá thêm về lý thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm - lý thuyết từng bị bác bỏ là một âm mưu do Donald Trump thúc đẩy.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO - cho biết, ông không tin rằng báo cáo ban đầu là đủ sâu rộng và kêu gọi nghiên cứu thêm. Đồng thời ông cho biết tất cả các giả thuyết về nguồn gốc của virus gây ra đại dịch COVID-19 "vẫn còn giá trị”.
Lý thuyết phòng thí nghiệm Vũ Hán đã bị nhiều nhà khoa học bác bỏ. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết vào tháng 2/2021 rằng "rất khó xảy ra" COVID-19 bắt đầu trong phòng thí nghiệm.
Michael McCall, cựu Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện, nói với CNN rằng ông ủng hộ chính quyền Biden tiếp tục điều tra nguồn gốc COVID-19 nhưng cũng cho rằng cuộc điều tra tình báo 90 ngày khó thu được kết quả đáng kể bởi đã có quá nhiều thời gian để có thể làm sai lệch thông tin cần thiết.
Trong khi đó, nhiều nhà khoa học hàng đầu đã kêu gọi chủ nhân của các quầy hàng tại chợ hải sản Huanan ở Vũ Hán hợp tác cung cấp thông tin qua các cuộc phỏng vấn để có thể xác định dễ dàng hơn nguồn gốc đại dịch COVID-19.
Nhiều người vẫn tin rằng thị trường Vũ Hán là trung tâm của đợt bùng phát COVID-19 và virus đã truyền từ động vật sang người. Ngày 31/1, một nhóm các nhà khoa học do Tổ chức Y tế Thế giới dẫn đầu đã đến thăm chợ này. Tuy nhiên, theo báo cáo của họ, chỉ có hai chủ cửa hàng tại chợ được phỏng vấn mà không ai trong số họ tham gia vào việc buôn bán động vật hoang dã.
Một báo cáo của WHO từ tháng 11/2020 cho biết, tính đến cuối tháng 12/2019, 10 chủ nhân tại chợ hải sản đang buôn bán động vật hoang dã sống, bao gồm sóc chuột, cáo, gấu trúc, lợn rừng, kỳ nhông khổng lồ, nhím và hươu sika. Các động vật hoang dã được nuôi trong trang trại khác cũng được buôn bán tại chợ này, bao gồm rắn, ếch, chuột tre, thỏ, cá sấu.
Khi các thanh tra từ Cơ quan Lâm nghiệp Vũ Hán, Cảnh sát Lâm nghiệp Vũ Hán, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh và Cơ quan Giám sát Thị trường Địa phương đến chợ vào ngày 31/12/2019, không có động vật có vú sống nào trong chợ, và chợ này đã được đóng cửa vào ngày 1/1/2020, theo báo cáo chung gần đây nhất của Trung Quốc và WHO.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B vào tháng 4/2020 cho thấy, nguy cơ lây lan virus COVID-19 là cao nhất từ các loài động vật hoang dã nguy cấp, bị suy giảm chủ yếu do săn bắn, buôn bán động vật hoang dã và mất môi trường sống.
Trung Quốc công bố lệnh cấm buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã vào tháng 2/2020.