Làm báo thời tự lực, tự cường

(PLVN) - Ngay trước thềm dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021), ngày 12/6/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Đối với các nhà báo, bài phát biểu càng có ý nghĩa đặc biệt, gợi mở hướng đi theo cơ chế tự chủ tài chính của các cơ quan báo chí, một lĩnh vực kinh tế đặc biệt – kinh tế truyền thông báo chí, góp phần hoàn thành xuất sắc sứ mệnh cao cả của báo chí cách mạng và sự phát triển kinh tế thịnh vượng chung của đất nước.

1. Bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hoành hành thế giới, nhất là châu Á. Việt Nam cũng đang đối phó đợt dịch bùng phát lần thứ tư, với chiến lược phòng chống có thêm yếu tố tiêm vắc xin và chúng ta đang kỳ vọng vào vắc xin “Made in Vietnam”.

Thế giới thời đại dịch đã không còn hoàn toàn là “thế giới phẳng” khi bầu trời đóng cửa, nhiều quốc gia đóng biên giới và giãn cách xã hội… Nhiều khâu giao thương đứt gãy, ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp, người lao động và toàn xã hội. Hơn lúc nào hết, tinh thần tự lực cánh sinh càng phải phát huy.

Trong bối cảnh đó, Tổng Bí thư chỉ đạo “cần phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm qua, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, cội nguồn sức mạnh to lớn để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức”.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Bồi đắp tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc”; đúng như Nghị quyết Đại hội XIII đã chỉ rõ: “Động lực và nguồn động lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

TS Đào Văn Hội

TS Đào Văn Hội

Trong phong trào cả nước thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, báo chí là một trong những mặt trận chủ công. Nhưng trong hoàn cảnh một số tờ báo vừa sắp xếp lại theo Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025, chính thức thực hiện cơ chế tự chủ, một số nơi xuất hiện ý kiến “khó khăn”. Vì vậy Nghị quyết XIII và những chỉ đạo của Tổng Bí thư về việc mỗi đơn vị, cơ quan phải “phát huy nội lực, tự lực, tự cường”, càng khiến các tờ báo, các nhà báo phải thấm nhuần, hiểu rõ, sâu sắc hơn nữa để khéo léo áp dụng trong thực tiễn.

2. Ở nước ta, báo chí là công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân. Nguyên tắc bất di bất dịch là tại Việt Nam không có báo chí tư nhân; vì thế tiêu chí thông tin đúng chủ trương, đường lối, đúng pháp luật phải đặt lên hàng đầu; rồi mới đến vấn đề tài chính.

Khó, nhưng không phải không thực hiện được. Gần 40 năm trước, vấn đề báo chí phải tự chủ, tồn tại phát triển đã được đặt ra từ năm 1983, khi nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt (thời điểm đó là Bí thư Thành ủy TP HCM) trong một cuộc làm việc với một tờ báo, đã đặt câu hỏi: “Tại sao trước đây ở Sài Gòn ai làm chủ báo cũng giàu mà bây giờ báo lại phải ngửa tay xin tiền Nhà nước để làm báo?”.

Câu hỏi đó đã là lời gợi hướng giải pháp và như một sự đảm bảo, mở đường cho báo chí. Nhiều tờ báo trên khắp cả nước đã tìm mọi cách tháo gỡ, liên kết nhà in và các đại lý, chú trọng nội dung phục vụ bạn đọc, nâng số bản in. Từ những năm 1985, nhiều tờ báo đã thực sự sống chỉ nhờ vào sự chi trả của người đọc, trong đó có Báo PLVN. Sau này, nhiều tờ báo thậm chí còn sống khỏe, khi có thêm các nguồn thu từ hoạt động quảng cáo, chương trình truyền thông với các tổ chức, doanh nghiệp…

Báo chí hiện có ba hình thức cơ chế tài chính: 1. Được ngân sách nhà nước bao cấp toàn bộ hoặc một phần; 2. Được cơ quan chủ quản bao cấp một phần, tự cân đối thu - chi; 3. Tự chủ hoàn toàn tài chính. Trước khi đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 được quyết liệt thực hiện với nội dung: “Ngoài những tờ báo có chức năng, nhiệm vụ đặc thù cần phải được Nhà nước tiếp tục cấp ngân sách hoạt động; còn lại hầu hết các tòa soạn phải bước ra tự chủ tài chính”; thì hàng trăm cơ quan báo chí, đặc biệt báo của các bộ, ngành và tổ chức đoàn thể đã tự hạch toán tài chính, thực sự tự chủ toàn diện về tài chính từ rất lâu.

Có ba câu hỏi đặt ra ở đây: Thứ nhất, báo chí là lĩnh vực chịu áp lực buộc phải thay đổi, phải cạnh tranh khốc liệt nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Công nghệ mới đã mang đến “luật chơi” hoàn toàn mới. Lượng báo in, từng là một nguồn doanh thu chính của các tòa soạn báo, sụt giảm nghiêm trọng. Lượng bạn đọc bị mạng xã hội cạnh tranh thu hút. Nguồn thu quảng cáo cũng bị các mạng truyền thông xã hội cạnh tranh gay gắt… Phải thay đổi ra sao?

Thứ hai, các tòa soạn phải làm sao để vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền; vừa thực hiện chức năng kinh doanh, cạnh tranh với các loại hình truyền thông trên internet vốn chỉ đơn thuần có mục tiêu kinh doanh tối đa hóa lợi nhuận?

Thứ ba, các nhà báo phải thay đổi như thế nào khi không chỉ là những cây bút viết tin bài truyền thống, mà còn phải làm mới mình như một nhân viên truyền thông doanh nghiệp, một chuyên gia marketing hàng hóa, sản phẩm báo chí, một chuyên gia công nghệ hay một KOLS truyền cảm hứng lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhân văn tới bạn đọc.

3. Trước những câu hỏi trên, để có câu trả lời, mỗi tờ báo đều vừa phải thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, vừa phải tự tìm lối đi riêng. PLVN cũng không nằm ngoài quy luật ấy.

Ngày 3/4/1985, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký Quyết định số 57/QĐTC về việc xuất bản tờ báo Pháp luật thường thức (sau này là PLVN) nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật, xây dựng ý thức pháp luật cho nhân dân. Cơ sở vật chất ban đầu hầu như không có gì, trụ sở đi mượn, số cán bộ, nhân viên, phóng viên ban đầu vỏn vẹn 7 người…

May mắn là lĩnh vực tuyên truyền của Báo rất rộng trong xu thế xã hội ngày càng đề cao vai trò pháp luật. Trong xã hội, từ các lĩnh vực tài chính kinh tế, văn hóa, du lịch, đầu tư, doanh nghiệp doanh nhân, dân sinh… lĩnh vực nào pháp luật cũng bao trùm.

Một may mắn khác, báo ra đời đúng thời điểm một số tờ báo lớn bắt đầu thí điểm tự chủ. Năm 1990, chỉ sau 5 năm thành lập, Báo chính thức thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính. Sau 31 năm, Báo PLVN đã không ngừng học hỏi, rèn luyện, tu dưỡng, lớn mạnh với hiện tại đội ngũ hơn 300 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, cộng tác viên; 30 ban chuyên môn, cơ quan đại diện, văn phòng đại diện; 11 ấn phẩm… Đời sống người làm báo và cơ sở vật chất ngày càng được nâng cao.

Bước ra tự chủ tài chính, đồng nghĩa với việc đơn vị báo chí cũng giống như doanh nghiệp, phải xoay xở để có kinh phí vận hành bộ máy, chi trả lương, thưởng, nhuận bút, văn phòng phẩm... Vừa là Tổng Biên tập và ở một góc nhìn nào đó, lại là Giám đốc doanh nghiệp. Nhưng điều khó hơn rất nhiều so với doanh nghiệp, ở chỗ báo chí là sản phẩm văn hóa, đồng thời là sản phẩm chính trị, là một loại sản phẩm hàng hóa đặc biệt. Phải làm sao vừa định hướng nội dung thông tin, vừa không được vì chuyện tăng doanh thu mà bị cuốn vào cơn lốc tăng view “lá cải hóa”, xa rời tôn chỉ mục đích?

Báo chí thay đổi nhưng có những triết lý làm báo và sứ mệnh vai trò báo chí trong xã hội muôn đời không thay đổi. Báo chí hiện đại quan niệm “công nghệ là hoàng hậu”, nhưng đừng quên “nội dung mới là vua”. Đúng như chỉ đạo của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa mới đây, các tờ báo phải làm chủ công nghệ thông tin; nhưng đừng quên nội dung nhân văn, đi vào đời sống nhân dân, thể hiện định hướng, tiếng nói của Đảng và ý chí, khát vọng dân tộc.

Để có được những bài viết phân tích sâu sắc sự kiện dưới góc nhìn pháp lý – tình lý; để có những loạt bài điều tra kỳ công phục vụ công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí; để có đội ngũ nhà báo có bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần sống chết với nghề, phụng sự Nhà nước, pháp luật và bạn đọc; để tòa báo xây dựng triết lý thượng tôn pháp luật dám dấn thân, dám dũng cảm đối đầu với thế lực xấu để có tiếng nói bảo vệ lẽ phải… thì phải qua một quá trình đào tạo, rèn luyện, tu dưỡng, “lửa thử vàng” nhiều năm. Sẽ không bao giờ có bất kỳ loại robot nào có thể thay thế hoàn toàn được nhà báo.

Kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, thấm nhuần hơn Nghị quyết XIII của Đảng và những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc mỗi đơn vị, cơ quan phải “phát huy nội lực, tự lực, tự cường”; Báo PLVN cũng luôn ý thức được câu chuyện nếu không sớm được Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Tư pháp có tầm nhìn xa, sớm quyết định cho thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, “tự lực, tự cường” thì Báo đã có thể không lớn mạnh được như ngày hôm nay. Đừng vội nghĩ trái chanh là chua. Nếu có thêm đường, sẽ thành ly nước ngọt ngào.

Thực tế gần 40 năm từ khi “thí điểm” cơ chế tự chủ tài chính với báo chí đã cho thấy đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước là đúng đắn. Báo PLVN cũng tin rằng rất nhiều tòa soạn báo khác cùng đang có mong mỏi Đảng, Nhà nước cần có những chính sách phù hợp với thực tiễn đang chuyển đổi nhanh chóng của kỷ nguyên truyền thông số hơn nữa, để tinh thần tự lực, tự cường trong mỗi tờ báo được phát huy thêm; giúp báo chí có thêm nguồn lực tài chính để vừa làm tốt nhiệm vụ chính trị, phụng sự tốt bạn đọc, vừa chăm lo đời sống cho những người làm báo ngày một tốt hơn và góp phần thích đáng vào tăng nguồn thu ngân sách nhà nước./.

Đọc thêm