Lâm Đồng đẩy mạnh phối hợp trong phòng, chống mại dâm

(PLVN) - Thời gian tới, bên cạnh tuyên truyền, Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng tiếp tục tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, quản lý người bán dâm tại cộng đồng.

Cấp phát sổ tay, tờ rơi phòng, chống tệ nạn mại dâm.

Phòng, chống mại dâm còn nhiều khó khăn

Theo Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng, tình hình mại dâm trên địa bàn tỉnh không quá phức tạp, mại dâm công cộng cơ bản được kiểm soát, chưa phát hiện mại dâm nam, mại dâm đồng giới, mại dâm tuổi vị thành niên, chưa phát hiện đường dây “Sextour” hoạt động phức tạp liên tỉnh, liên huyện…

Là địa phương có ngành du lịch, dịch vụ phát triển, toàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 3.000 cơ sở lưu trú; 236 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, massage; 647 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội. Người bán dâm ở chủ yếu là một số tiếp viên làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ hoặc sử dụng môi trường internet, mạng xã hội để hoạt động, chào mời, thỏa thuận việc mua bán dâm, thực hiện mua bán dâm tại nhà nghỉ, khách sạn…Thời gian gần đây, tại một số địa bàn ở Lâm Đồng nổi lên các cơ sở cung cấp dịch vụ nhà hàng, karaoke, massage phục vụ cho khách du lịch người nước ngoài nghi vấn hoạt động mại dâm với thủ đoạn tinh vi.

Cán bộ Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng phổ biến kiến thức về phòng, chống mại dâm.

Trước thực trạng trên, ngành LĐ-TB&XH tỉnh Lâm Đồng đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống mại dâm (PCMD). Cụ thể, ngay từ đầu năm 2024, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai tuyên truyền, phổ biến giáo dục về PCMD như in, chuyển phát cho các địa phương 57.000 sổ tay, tờ gấp truyền thông lĩnh vực phòng, chống ma túy, mại dâm…Đặc biệt, 36 Đội công tác xã hội tình nguyện đã tuyên truyền về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cho khoảng 100 lượt người; tiếp cận, tư vấn, vận động cho 15 người bán dâm, người bị nhiễm HIV tại cộng đồng; phát 1.000 tài liệu, tờ rơi, sách mỏng về phòng ngừa mại dâm. Cùng với tuyên truyền, Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng triển khai nhiều hoạt động phòng ngừa mại dâm hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCMD trên địa bàn Lâm Đồng còn một số khó khăn như: Nguồn lực còn thiếu, nhất là ở cấp huyện, cấp xã, đa phần phải lồng ghép cùng các công tác khác, không đáp ứng được yêu cầu thực tế; cán bộ kiêm nhiệm, phụ trách nhiều lĩnh vực công tác…; Việc kiểm soát, loại trừ các xuất bản phẩm độc hại, website, blog có thông tin, hình ảnh đồi trụy còn nhiều hạn chế; hình thức mại dâm biến tướng như các đường dây “gái gọi”, môi giới, chào mời khách qua môi trường mạng internet, qua các ứng dụng zalo, facebook, tin nhắn đa phương tiện qua điện thoại di động,… hiện chưa có giải pháp ngăn chặn, xử lý triệt để.

Một buổi tập huấn phòng, chống mại dâm cho đoàn viên thanh niên.

Ngoài ra, một số địa phương chưa chú trọng rà soát, đánh giá về nhóm người có nguy cơ cao, phụ nữ, trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu tìm kiếm việc làm để xây dựng các kế hoạch lồng ghép việc thực hiện các chương trình an sinh xã hội tại địa bàn với nhiệm vụ PCMD…

Về mặt chính sách, theo Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng, việc xây dựng mô hình thí điểm hỗ trợ người bán dâm theo Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình PCMD giai đoạn 2021-2025 khó triển khai thực hiện được bởi người bán dâm là đối tượng ẩn nên khó tiếp cận để tư vấn, vận động tham gia mô hình thí điểm; sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bán dâm còn phổ biến trong cộng đồng, làm hạn chế việc tiếp cận dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.

Tăng cường phối hợp liên ngành

Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng tiếp tục chú trọng tuyên truyền phòng, chống tệ nạn mại dâm nói riêng, tệ nạn xã hội nói chung.

Những tháng cuối năm 2024, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác PCMD, Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm. Trước tiên, Sở tiếp tục tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, quản lý người bán dâm tại cộng đồng.

Bên cạnh đó, ngành LĐ-TB&XH Lâm Đồng tiếp tục phối hợp với các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường truyền thông, phòng ngừa thông qua các hoạt động tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng, tập trung ở các khu vực miền núi, các địa phương nghèo, địa phương có nhiều người di cư để hạn chế phát sinh mới số người tham gia mại dâm.

Hộ kinh doanh ký cam kết nói không với tệ nạn xã hội

Giải pháp trọng tâm nữa là tăng cường phát hành tài liệu truyền thông về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác PCMD, đặc biệt là truyền thông về thủ đoạn của tội phạm mại dâm, tội phạm mua bán người; truyền thông về giảm kỳ thị, phân biệt đối xử.

Cùng với đó, Ngành LĐ-TB&XH Lâm Đồng sẽ tăng cường kiểm tra, đánh giá công tác PCTNXH nói chung, công tác PCMD nói riêng tại một số địa phương. Trong đó, Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm (Đội kiểm tra liên ngành 178) sẽ tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhằm chấn chỉnh những cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để xảy ra tệ nạn xã hội, làm tốt công tác phòng ngừa pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội.

Bên cạnh tuyên truyền, Sở LĐ-TB&XH tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong phòng, chống mại dâm.

Để kịp thời khắc phục những khó khăn trong công tác PCMD, Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sớm tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật về PCMD trong tình hình mới để làm cơ sở cho việc thực hiện các biện pháp, giải pháp về PCMD phù hợp với thực tiễn hiện nay; đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan như PCMD, phòng, chống mua bán người, phòng, chống ma túy và phòng, chống HIV/AIDS; hướng dẫn nội dung chi, mức chi trong công tác PCMD, mô hình can thiệp giảm tác hại, hỗ trợ người bán dâm…

Đọc thêm