Hơn 20.000m3 đất đá sạt trượt trong vụ sập taluy ở Đà Lạt
Ông Nguyễn Ngọc Phúc cho biết, Công ty cổ phần địa chất Kawasaki (Nhật Bản) là một trong những đơn vị có kinh nghiệm về xử lý các vấn đề địa chất, đã từng giúp tỉnh Lâm Đồng xử lý sạt lở đất tại đường Nguyễn Văn Trỗi (TP Đà Lạt) đạt kết quả tốt.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu, trên địa bàn TP Đà Lạt nói riêng và toàn tỉnh Lâm Đồng nói chung xảy ra tình trạng sạt lở đất, nhiều điểm có nguy cơ sạt lở. Do đó tỉnh Lâm Đồng mong muốn và cảm thấy cần thiết có sự đánh giá của đơn vị chuyên môn để giúp cho TP Đà Lạt cũng như tỉnh Lâm Đồng có nhìn nhận tổng quan cũng như tìm ra giải pháp xử lý sạt lở đất hiệu quả, lâu dài.
|
Đoàn chuyên gia Nhật Bản khảo sát hiện trường vụ sạt lở tại phường 10, TP Đà Lạt. |
Tại buổi làm việc, ông Takami Kanno - Trưởng văn phòng đại diện Công ty Kawasaki tại Hà Nội thông tin, khảo sát thực tế hiện trường vụ sạt lở tại hẻm 36 đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP Đà Lạt, khiến 2 người tử vong, 5 người bị thương cho thấy, vị trí sạt lở thuộc khu vực đất bồi trên cao. Qua hình ảnh vệ tinh cho thấy khu vực sạt lở vào các năm 2010 và tháng 4/2015 đã có sạt lở một ít. Đến năm 2021 thì khu vực này có nhà mới xây lên, tháng 4/2022 trên vùng đất chưa có gì thì có công trình đắp đất xây dựng.
|
Đại diện đoàn chuyên gia Nhật Bản chia sẻ thông tin với tỉnh Lâm Đồng. |
Cũng theo chuyên gia Nhật Bản, qua tính toán sơ bộ tại hiện trường cho thấy trong vụ sạt lở có khoảng 20.000m3 đất đá chảy xuống từ đỉnh đồi, là đất bùn, kết cấu đất dễ vỡ khi có mưa. Qua thực tế, vật liệu xây dựng taluy cũng không đảm bảo. Theo kinh nghiệm của chuyên gia Nhật, do lượng nước quá nhiều, nước không thoát được nên kéo theo đất đá chảy xuống dẫn tới sạt lở.
Ông Kanno dẫn chứng một vụ sạt lở tương tự ở Nhật Bản năm 2021 gây thiệt hại lớn về người và của. Qua so sánh hình ảnh vệ tinh qua các năm 2011, giai đoạn 2017-2020 cũng cho thấy có việc đắp đất và đến tháng 5/2023 thì xảy ra sạt lở ở vùng đất bồi: “Tôi đưa ra ví dụ để thấy rõ tầm quan trọng của việc đắp đất bồi. Nhật Bản sau đó đã đưa ra các quy định riêng, chặt chẽ về quản lý đắp đất bồi”, ông Kanno nói và thêm rằng, thường thì ở Nhật Bản, sau sự cố đó sẽ mở hội nghị để thảo luận nguyên nhân, giải pháp khắc phục.
|
Hình ảnh vụ sạt lở tại Nhật Bản được đưa ra phân tích, so sánh với vụ sạt lở ở Đà Lạt. |
Với ví dụ ông Kanno đưa ra, sau đó Nhật Bản đưa ra giải pháp cuối cùng là ban hành quy định chặt chẽ việc đắp đất tại các khu vực nguy hiểm vào tháng 5/2023 với sự tham gia của Chính phủ và các cơ quan liên quan. Các nội dung cơ bản của quy định này là quản lý cấp phép, quản lý , giám sát các công trình bồi đất; tiêu chuẩn an toàn về phòng chống sạt lở đất; thiết bị, hệ thống thoát nước; vùng đất đắp lên cần được đầm cho cứng…nhằm bảo vệ tài sản, tính mạng người dân từ những vụ sạt lở đất.
Đề xuất lập bản đồ cảnh báo sạt lở
Một vấn đề quan trọng khác được đoàn chuyên gia Nhật Bản đưa ra đó là thiết lập bản đồ cảnh báo nguy hiểm với những khu vực có nguy cơ sạt lở đất. Theo đó, trên cơ sở dữ liệu từ hình ảnh vệ tinh sẽ dễ dàng phát hiện khu vực có khả năng sạt lở. Sau đó cơ quan chức năng sẽ tới hiện trường xác nhận tình trạng, cần thiết sẽ khoan thăm dò địa chất, nếu là khu vực có nguy cơ sạt lở thì cần có giải pháp nhanh chóng, kịp thời. Cùng với đó là thường xuyên theo dõi hiện trường để kịp thời phát hiện sạt lở.
|
Ông Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng trao đổi lại thông tin với đoàn chuyên gia Nhật. |
Trở lại vụ sạt lở tại hẻm đường Hoàng Hoa Thám (TP Đà Lạt), theo các chuyên gia Nhật Bản, xử lý đất phía đỉnh đồi là giải pháp cần thiết để tránh xảy ra sạt lở tiếp theo, phía dưới cần làm bờ chắn để tránh đất chảy xuống, đồng thời lập rãnh thoát nước cho khu vực này. Ngoài ra, trên khu vực sạt lở có đường đi nên cần xây dựng hệ thống thoát nước để tránh nước chảy xuống khu vực sạt lở.
Cũng theo đoàn chuyên gia Nhật Bản, TP Đà Lạt với địa hình núi đồi nên hiện tượng bồi đắp tiềm ẩn rủi ro xảy ra tai nạn sạt lở. Do đó nên thiết lập sơ đồ, bản đồ để tìm và quản lý vùng có thể sạt lở. Đối với khu vực đắp đất cần kiểm tra toàn bộ, thường xuyên để tính toán tính an toàn.
Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Xây dựng Lâm Đồng đồng tình với đề xuất cần thiết lập bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở để kịp thời phòng ngừa, giảm trừ thiệt hại do sạt lở đất gây ra. Trong các giải pháp khắc phục, đại diện Sở Xây dựng cho rằng việc xây kè chắn là hợp lý nhưng cần tính toán tới sự thay đổi của mạch nước ngầm.
|
Đánh giá nguy cơ sạt lở tại một khu vực ở Nhật Bản dựa trên bản đồ cảnh báo. |
Trao đổi với đoàn chuyên gia, ông Nguyễn Ngọc Phúc – Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng ghi nhận những khuyến cáo, giải pháp bước đầu mà đoàn chuyên gia Nhật Bản đưa ra sau khi khảo sát thực địa tại 3 địa điểm sạt lở, có nguy cơ sạt lở tại TP Đà Lạt.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng đặt ra các vấn đề để tham vấn ý kiến các chuyên gia như: Quản lý khu vực có nguy cơ sạt trượt khi có tác động của con người (xây nhà ở, khách sạn…); có nên cho xây dựng ở những khu vực này hay không?, nếu cho phép thì cho phép ở mức độ ra sao?... Đồng thời lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng lưu ý các thành viên tiếp thu các tham vấn, góp ý nhưng cần có chọn lọc, phù hợp với quy định tại Việt Nam. Chẳng hạn như có nên ban hành quy định riêng về quản lý xây dựng ở khu vực có nguy cơ sạt trượt thì có làm phát sinh thủ tục hành chính, có đúng quy định pháp luật hay không?
|
Đại diện tỉnh Lâm Đồng cùng các đơn vị liên quan trao đổi kinh nghiệm phòng chống sạt lở đất với đoàn chuyên gia Nhật Bản. |
Ông Nguyễn Ngọc Phúc cho biết, những ý kiến của đoàn chuyên gia sẽ được tỉnh Lâm Đồng tiếp thu, tham khảo để quyết định nhiều vấn đề quan trọng như: Có nên thiết lập bản đồ, lắp đặt thiết bị cảnh báo sạt lở đất tại một số khu vực dân cư sinh sống có nguy cơ hay không; có đưa ra quy định về cấp phép xây dựng tại khu vực có nguy cơ sạt lở hay không. Đồng thời lập kế hoạch đầu tư công tại khu vực có nguy sạt trượt bởi thực tế cho thấy nguồn lực đầu tư lớn, người dân khó có thể thực hiện…
“Tỉnh mong muốn đoàn công tác của công ty Kawasaki sẽ cung cấp thêm tài liệu về chuyên môn cũng như kinh nghiệm quản lý nhà nước trong vấn đề sạt lở ở Nhật Bản để các cơ quan quản lý tỉnh Lâm Đồng tham khảo, nghiên cứu trong quản lý nhà nước ở địa phương”, ông Phúc nói và cho biết sẽ sớm tổ chức một hội thảo quy mô với sự tham gia của nhiều trường Đại học, chuyên gia về sạt lở đất trong thời gian tới.