Làm gì để chung sống an toàn với SARS-CoV-2?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  “Nếu thực hiện đủ ba tiêu chí bao gồm chung sống an toàn, giảm thiểu tử vong, dập từng ổ dịch, chúng ta có thể an toàn với SARS-CoV-2”, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết.
Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho người dân tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Nga
Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho người dân tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Nga

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế, tính đến ngày 29/9, Việt Nam có 779.398 ca nhiễm SARS-CoV-2. Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 774.854 ca, trong đó có 578.330 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Riêng tại Hà Nội, tính từ ngày 29/4 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 3.973 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.601 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.372 ca.

Hà Nội tiến hành tiêm vaccine cho nhóm người cao tuổi. Ảnh: Ngọc Nga

Hà Nội tiến hành tiêm vaccine cho nhóm người cao tuổi. Ảnh: Ngọc Nga

Mặc dù trong những ngày qua, số ca mắc COVID-19 đã giảm hơn so với thời điểm trước, đặc biệt là tại Hà Nội, tuy nhiên để loại bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2 là điều không thể. Vì vậy, chúng ta cần xây dựng kịch bản để chung sống an toàn với SARS-CoV-2.

Để tiến tới chung sống an toàn với virus SARS-CoV-2, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng: “Chung sống an toàn với virus SARS-CoV-2, đầu tiên phải kiểm soát bằng cách giám sát dịch. Nghĩa là sau khi hết đợt bùng phát thế này, chúng ta phải thực hiện giám sát bằng xét nghiệm. Việc xét nghiệm cần tùy từng đối tượng chỉ định loại xét nghiệm, theo định kỳ, chu kỳ rõ ràng”.

Theo PGS.TS Nhung, xác định chung sống an toàn là mục tiêu chung và điều quan trọng là vẫn có F0 nhưng phải giảm thiếu tối đa số người tử vong. Muốn đạt mục tiêu vậy, thì phải xác định được số người tử vong ở trong nhóm nào, Ví dụ: nhóm tuổi cao, người bệnh nền, phụ nữ có thai, người bị suy giảm miễn dịch… tất cả đối tượng này là nhóm người nguy cơ cao.

Nhóm nguy cơ cao chúng ta có thể giải quyết bằng cách tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19”, PGS.TS Nhung cho biết.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: Ngọc Nga

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: Ngọc Nga

Đồng thời, theo PGS.TS Nhung: “Điều thứ hai cần làm là với các trường hợp mắc bệnh, phải tiếp cận điều trị sớm, điều trị hợp lý.

Thứ ba là không để cho ổ dịch bùng phát, phải dập triệt để từng ổ dịch, trong 14 ngày phải dập xong ổ dịch. Để làm được điều đó, phải xác định đúng cái lõi của ổ dịch. Khi xác định đó là vùng đỏ, cách ngày phải "quét" một lần, tức là chỉ trong trong vòng 48 giờ vì chủng Delta 48 giờ là một chu kỳ. Nếu làm sau 48 giờ, có nghĩa là đang chạy theo dịch. Làm trong 48 giờ, chính là đang chặn dịch. Điều này chính là xét nghiệm “thần tốc” như Thủ tướng đã nói. Với vùng xung quanh đó, cần định nghĩa là vùng cam, xanh nguy cơ ít hơn nhưng cũng phải xét nghiệm 5 ngày/lần. Rồi tiếp đến, vòng xung quanh nữa có thể 7 ngày/lần.”.

PGS.TS Nhung cũng nhấn mạnh: “Khi xét nghiệm xác định F0, bóc nguồn lây ra khỏi cộng đồng. Nhưng phải hiểu bóc nguồn lây – họ cách ly tại nhà cũng là bóc nguồn lây ra khỏi cộng đồng. Chúng ta càng ngày càng phải giao quyền cho người dân, càng ngày người dân phải có ý thức được việc đó...

Nếu thực hiện đủ ba tiêu chí bao gồm: chung sống an toàn, giảm thiểu tử vong, dập từng ổ dịch, chúng ta có thể an toàn với COVID-19”.