Lo lắng khi để con học online một mình
Sáng nay, khi có quyết định chính thức từ công ty sẽ đi làm bình thường, chị Nguyễn Thanh Bình (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi rất vui khi được đi làm trở lại để tăng thu nhập cho gia đình, nhưng tôi cũng lo ngại nếu để 2 con ở nhà tự học online. Cháu bé nhà tôi năm nay học lớp 2, còn cháu lớn lớp 6. Chồng tôi đi làm từ tuần trước. Để con ở nhà tự học thì lo con học thì ít mà chơi điện thoại, xem phim thì nhiều. Đó là chưa kể những rủi ro có thể xảy ra do các cháu còn nhỏ mà tự thao tác các thiết bị điện, tự trông nhau...".
Vợ chồng anh Lưu Trung Kiên (quận Ba Đình, Hà Nội) đang rốt ráo tìm người giúp việc để trông con mới 5 tuổi và một bé học tiểu học để bố mẹ đi làm."Gần 2 tuần nay gia đình vẫn chưa tìm được người giúp việc, các trường Hà Nội vẫn học online. Thấy một số vụ các cháu bé học online bị điện giật, điện thoại nổ tử vong, thương tích..., vợ chồng tôi không yên tâm nếu để con ở nhà một mình. Trẻ nhỏ học online vẫn phải có người lớn bên cạnh, nếu không tìm được giúp việc vợ chồng tôi đành phải thay nhau ở nhà trông con", anh Kiên nói.
Cùng cảnh ngộ, chị Mai Anh, nhân viên kế toán tại quận Đống Đa, TP Hà Nội cho biết, vợ chồng chị mới trở lại với công việc, để một bé học lớp 5, một bé học lớp 3 tự học online. Cơm và thức ăn chị nấu sẵn, đến bữa hai con lấy ăn. "Công việc của vợ chồng tôi khá bận nên không ở nhà trông con được, để các con tự học, tự quản lý nhau mà vợ chồng đứng ngồi không yên, cách 1 giờ lại phải gọi điện về nhà dặn dò các cháu xa máy tính, điện thoại để đảm bảo an toàn", chị Mai Anh bộc bạch. "Giờ không mong gì hơn, chỉ mong Hà Nội bớt dịch để các cháu đi học trở lại bình thường, vợ chồng tôi yên tâm làm việc".
Làm gì để bảo vệ con khi học online?
Trao đổi với báo giới, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục (Ðại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, hơn ai hết chính phụ huynh phải nhận ra nguy cơ thiếu an toàn trong thời gian trẻ học trực tuyến và có các giải pháp bảo vệ con mình.
“Học sinh tiểu học là lứa tuổi rất đặc thù nên luôn cần có người để mắt đến. Bởi lứa tuổi này, nhiều trẻ không kiểm soát được hành vi.
Bố mẹ phải có các giải pháp để hỗ trợ những vấn đề trẻ gặp phải trong lúc học online. Cụ thể như trang bị cho con kỹ năng như an toàn không gian mạng, cách xử lý khi bị kích ra khỏi lớp học online, máy tính hay điện thoại hết pin cần xử lý thế nào....
Bố mẹ phải đảm bảo tạo ra không gian học tập an toàn, thoải mái bằng cách hướng dẫn và đảm bảo cho con các nguyên tắc an toàn về thể chất”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Cũng theo PGS.TS Trần Thành Nam, thông qua các hoạt động ở nhà bố mẹ cũng nên củng cố kiến thức đã học ở trường và thực hành liên quan kỹ năng an toàn về phòng cháy chữa cháy, phòng tránh tai nạn thương tích, tích hợp hoạt động trải nghiệm.
Đặc biệt, không nên để trẻ ở nhà một mình quá lâu. Đối với bậc tiểu học, thiếu sự đồng hành của phụ huynh thì trẻ học khó hiệu quả.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), phụ huynh cần ghi nhớ một số lưu ý về an toàn điện khi trẻ học tập, sinh hoạt tại nhà trong thời gian giãn cách xã hội.
Đặc biệt, với những trẻ nhỏ tuổi, phụ huynh cần giáo dục một số nguyên tắc như không nên chạm vào dây điện đứt rời hoặc dây điện bị hở. Các con không được đưa ngón tay hoặc que đâm, chọc vào các ổ cắm điện và tuyệt đối không chạm đến bất kỳ dụng cụ điện nào khi tay còn ướt.
Ngoài ra, trẻ không nên sử dụng bất kỳ thiết bị điện hoặc rút phích cắm điện khi không được người lớn cho phép. Không được lấy dây điện, thiết bị điện làm đồ chơi.
Trường hợp các thiết bị chạy điện rơi vào chỗ có nước thì không được chạm tay vào mà phải báo ngay cho người lớn. Nếu các vật dụng khác rơi vào phải thiết bị điện thì cũng không nên tự tìm cách lấy ra.