Làm gì để dân số Việt Nam không tăng trưởng âm?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đây là vấn đề được quan tâm tại Hội thảo quốc tế “Tham vấn chính sách, giải pháp để ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp” do Cục Dân số, Bộ Y tế tổ chức ngày 28/8, tại Hà Nội. Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy nếu mức sinh cứ giảm với tốc độ như hiện nay mà không có các giải pháp để giảm bớt thì đến năm 2054 -2059, dân số Việt Nam sẽ tăng trưởng âm và giảm ngày càng nhanh...

Mức sinh có xu hướng giảm xuống dưới mức sinh thay thế

Theo báo cáo triển vọng dân số thế giới năm 2024 của Liên Hợp Quốc, phụ nữ ngày nay sinh ít hơn trung bình một con so với năm 1990. Hiện tại, mức sinh toàn cầu là 2,3 con/phụ nữ, giảm so với mức 3,3 con/phụ nữ vào năm 1990. Hiện trên toàn cầu có khoảng 55 quốc gia có chính sách nâng mức sinh. Tại Việt Nam, trong thời gian qua, đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác dân số, trong đó tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và tiếp tục duy trì xung quanh mức sinh thay thế. Nước ta đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng từ năm 2007 đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong gần 40 năm đổi mới.

Tuy nhiên, mức sinh ở nước ta đang có xu hướng giảm xuống dưới mức sinh thay thế, từ 2,11 con/phụ nữ (2021) xuống 2,01 con/phụ nữ (2022) và năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ. Đây là mức giảm thấp nhất trong lịch sử và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo. Mức sinh khu vực thành thị luôn thấp hơn mức 2 con/phụ nữ và gần như thay đổi không đáng kể trong gần hai thập kỷ qua (xoay quanh mức 1,7- 1,8 con/phụ nữ). Mức sinh khu vực nông thôn giảm khá nhanh từ 2,57 con/phụ nữ (1999) xuống 2,2 con/phụ nữ (2019) và giảm xuống còn 2,07 con/phụ nữ (2023). Các tỉnh mức sinh thấp có quy mô dân số là 37,9 triệu người chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước sẽ tác động rất lớn đến phát triển bền vững của Việt Nam...

Hội thảo quốc tế “Tham vấn chính sách, giải pháp để ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp" ngày 28/8. Nguồn Cục Dân số.

Hội thảo quốc tế “Tham vấn chính sách, giải pháp để ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp" ngày 28/8. Nguồn Cục Dân số.

Phân tích nguyên nhân, ông Phạm Vũ Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế, cho biết trình độ học vấn và hoàn cảnh kinh tế có liên quan đến mức sinh. Số liệu năm 2023 cho thấy trong đó người giàu nhất có mức sinh là 2 con, người nghèo nhất có mức sinh là 2,4 con, người có mức sống khá và trung bình sinh từ 2,03 đến 2,07 con. Còn người có trình độ học vấn dưới tiểu học sinh tới 2,35 con thì người có trình độ trên PTTH chỉ đẻ 1,98 con.

“Có thể thấy, mức sinh ngày càng giảm là do đô thị hóa, kinh tế phát triển, áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con. Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở có nhiều bất cập như thiếu trường học, học phí, viện phí cao không động viên mọi người sinh con. Bên cạnh đó, học vấn điều kiện sống ngày càng được cải thiện khiến nhiều người có tâm lý muốn hưởng thụ, dành thời gian, tiền bạc cho các thú vui cá nhân mà không muốn sinh con"- theo ông Hoàng.

Chú trọng việc bảo đảm tỷ suất sinh thay thế khi xây dựng Luật Dân số

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy nếu mức sinh cứ giảm với tốc độ như hiện nay mà không có các giải pháp để giảm bớt thì đến năm 2054 -2059, dân số Việt Nam sẽ tăng trưởng âm và giảm ngày càng nhanh. Theo tính toán, với mức sinh trung bình năm 2024 tỉ lệ tăng dân số bình quân là 0,93% và sẽ giảm còn 0,73% năm 2029, giảm còn 0,63 năm 2034, giảm tiếp còn 0,55 năm 2039. Đặc biệt đến năm 2064 giảm còn 0,05% và năm 2069 tỉ lệ tăng dân số bình quân là 0%. Ngược lại nếu mức sinh thay thế vẫn được duy trì ổn định trong giai đoạn này thì đến năm 2069 dân số Việt Nam vẫn tăng nhẹ, tương đương 200.000 người mỗi năm (tăng 0,17%).

Từ thực tế này, nhiệm vụ đặt ra đối với Việt Nam giai đoạn hiện nay là cần duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc. Đây cũng là mục tiêu quan trọng được nêu trong Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về Công tác dân số trong tình hình mới, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030. Bộ Y tế đang nghiên cứu các đề xuất các chính sách, giải pháp để bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế của quốc gia.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế nhấn mạnh quan điểm của Nghị quyết 21-NQ/TW, Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII: “Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân; tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển”.

Ông Đỗ Xuân Tuyên đề nghị thực hiện một số nội dung như: Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách, giải pháp của Đảng, Nhà nước về công tác dân số, nhất là giải pháp duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc theo Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong xây dựng dự thảo Luật Dân số và Khung chính sách tổng thể về dân số, cần bảo đảm tỷ suất sinh thay thế phù hợp với vùng, miền, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số trình Quốc hội...

Cũng theo Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong ứng phó với xu thế mức sinh xuống thấp, do vậy, Bộ Y tế rất mong các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, các tổ chức quốc tế chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam giải quyết vấn đề này. Quan điểm, kinh nghiệm thực thi các chính sách ứng phó với mức sinh thấp của các nước trên thế giới và khu vực châu Á – Thái Bình Dương là những bài học thực tế quý báu đối với Việt Nam trong quá trình xây dựng chính sách.