Làm gì để du lịch mạo hiểm Việt 'hốt' tiền như thế giới?

(PLO) - Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016 đã xảy ra 5 trường hợp du khách quốc tế tử vong trong lúc đi du lịch mạo hiểm ở Việt Nam. Đáng nói toàn là quy trình đảm bảo an toàn cho khách khi tham gia các tour du lịch mạo hiểm đang do các doanh nghiệp lữ hành “làm chủ”.
Làm gì để du lịch mạo hiểm Việt 'hốt' tiền như thế giới?

Doanh nghiệp lữ hành “tự bơi”

Thời gian qua, du lịch Việt liên tục đón nhận nhiều tin xấu khi du khách mất tích hoặc tử vong tại những điểm đến nổi tiếng. Mới đây nhất, du khách 22 tuổi người Anh Aiden Webb thiệt mạng khi đi leo núi Fansipan một mình.

Trước đó, cuối tháng 2, ba du khách quốc tịch Anh tử vong tại khu vực thác nước Datanla, Đà Lạt khi đang tham gia chơi trò trượt thác. Chỉ hai ngày sau (28/2), du khách người Belarus, anh Bandarenka Viktar, 26 tuổi bị thiệt mạng khi bơi ở khu vực thác Pongour, Lâm Đồng. Điều này đã gióng lên tiếng chuông báo động cho hoạt động tham quan, du lịch mạo hiểm tại nước ta.

Theo anh Trần Trung Kiên, nguyên Giám đốc Công ty Du lịch Active travel, người đã có hơn 10 năm làm hướng dẫn viên du lịch mạo hiểm ở Việt Nam, ở Việt Nam, du lịch mạo hiểm bắt đầu có tên tuổi tầm chục năm trở lại đây. Trước đó, du lịch mạo hiểm chỉ giành cho người nước ngoài đến Việt Nam mà phần lớn là du khách châu Âu, châu Mỹ, châu Úc.

Còn gần đây, các bạn trẻ muốn trải nghiệm du lịch theo kiểu chúng ta quen gọi là phượt, như trào lưu đi xe đạp, đi xe máy, leo núi, trèo thuyền trên sông, trên biển. Lấp ló đâu đó cả những bộ môn mang hơi hướng của du lịch mạo hiểm như dù lượn, lặn biển. Nhưng tất cả đều mang tính tự phát, không đảm bảo an toàn. 

Hiện nay, có một số loại du lịch mạo hiểm tương đối phổ biến như: đi bộ, leo núi, trèo thuyền, đi xe máy và đi xe đạp. Mỗi loại hình đều có tiêu chuẩn riêng. Để có thể tổ chức một tour du lịch thông thường cần phải đầu tư trang thiết bị, hướng dẫn viên chuyên nghiệp, hậu cần (bác sĩ, kỹ thuật,…). Và hầu hết nước ngoài mới đủ tiêu chuẩn để cấp phép cái đó, đặc biệt là chứng chỉ hướng dẫn viên chuyên nghiệp.

“Hiện không ai cấp phép mà đều do các công ty du lịch tự làm, tự mày mò, thuê chuyên gia nước ngoài về học hỏi và trang bị mọi thứ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng cũng như của tour du lịch, an toàn tính mạng của khách. Các cơ quan quản lý chỉ mới có động thái khuyến khích các doanh nghiệp mà thôi. Và hiện nay không có đơn vị hay cơ quan nào cấp phép cho cái này”, anh Kiên chia sẻ.

Cũng theo anh Kiên, các công ty du lịch đang cố gắng tạo cho mình một sản phẩm khác lạ so với du lịch thông thường để thu hút khách. Nhiều khi họ làm mà quên mất yếu tố an toàn thường phải được đặt lên hàng đầu.

Các yếu tố về đầu tư trang thiết bị, hướng dẫn viên, hệ thống hậu cần… Thêm nữa, với sự cạnh tranh về du lịch như bây giờ cùng đà sụt giảm lượng khách đến Việt Nam thì các công ty cố gắng cắt giảm chi phí, cạnh tranh với nhau về giá; khi giảm giá sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến các dịch vụ đi kèm, trong đó có cả việc đảm bảo an toàn cho du khách.

Còn theo ông Bùi Trung Thành, Giám đốc Công ty Du lịch khám phá Việt Nam, một công ty tổ chức nhiều tour du lịch mạo hiểm, hiện nay, Nhà nước chưa thực sự có quy định hay cơ chế cụ thể trong việc đặt tiêu chuẩn cho việc đảm bảo an toàn cho người đi du lịch mạo hiểm nên các công ty thường tự học, tự tạo cho mình các các điều kiện để đáp ứng và tổ chức các tour mạo hiểm. 

“Công ty thường phải phối hợp với các công ty du lịch nước ngoài, họ có các hướng dẫn viên chuyên nghiệp là người nước ngoài được cấp phép để nhờ hướng dẫn những tour mạo hiểm. Khi thiếu người thì đành phải sử dụng các hướng dẫn viên của mình. Tất nhiên, những người này đã được học bài bản vì người nước ngoài họ rất khó tính trong việc đảm bảo an toàn. Nhưng mỗi lần có trường hợp như vậy chúng tôi cũng rất lo”, ông Thành nói.

Cần quan tâm đầu tư để phát triển

Loại hình du lịch này đang đem lại lợi nhuận cao cho các công ty du lịch. Anh Kiên chia sẻ: “Tôi là người tổ chức các tour du lịch mạo hiểm, tôi cũng mong du lịch mạo hiểm xứng đáng với tiềm năng của nó. Việt Nam có nguồn tài nguyên vô giá, biển, sông, hồ, rừng, núi,… đó chính là vật liệu cho du lịch mạo hiểm. Mà theo đánh giá của du khách nước ngoài, Việt Nam cực kỳ hấp dẫn những người thích đi du lịch mạo hiểm”.

Hiện chi phí cho tour du lịch mạo hiểm ở Việt Nam cao hơn hẳn so với các loại hình  du lịch thông thường khác. Thường nó sẽ đắt gấp 3, 4 lần hoặc tùy thuộc vào đó là tour gì để định giá. 

“Du lịch mạo hiểm ở nước ta mới đang ở bước đầu phát triển, chưa có sự cạnh tranh nhiều nên yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu. Và người ta sẽ không quá câu nệ để bỏ thêm tiền để đảm bảo an toàn. Cái đó chính là các giá trị thặng dư mà các các công ty du lịch thu được. Đa phần các công ty tổ chức du lịch thông thường có khi chỉ thu được 20-30% lợi nhuận, nhưng tour lịch mạo hiểm phải thu lãi khoảng 50-60%”, anh Kiên nói.

Ví dụ, hiện nay, một tour du lịch Sơn Đoòng có giá lên tới khoảng 3.000 USD. Dù rất đắt, nhưng tour này đã hết vé vào năm nay. Du khách muốn đặt mua vé tour này phải đến năm 2017 mới được đi trải nghiệm. 

Còn theo ông Thành, Việt Nam có tiềm năng phát triển loại hình du lịch này. Tuy nhiên, do thiếu sự đầu tư chuyên nghiệp nên khai thác chưa hiệu quả. So với loại hình khác trong nước nó chỉ khoảng 5-7%. Còn so với thế giới, đến lúc này gần như du lịch mạo hiểm của Việt Nam chưa có tên tuổi gì. Hi vọng thời gian tới sẽ phát triển hơn.

“Nếu Nhà nước nhìn vào du lịch mạo hiểm là một sản phẩm cần quảng bá phát huy thì chắc chắn sẽ đem lại những kết quả tốt hơn. Và chắc chắn, giá trị cho du lịch mạo hiểm cao hơn du lịch thông thường, đóng góp và tạo công ăn việc làm nhiều hơn so với du lịch thông thường”, anh Thành giãi bày. 

Đọc thêm