Làm gì để giảm nguy cơ mất an toàn giao thông mùa mưa, lũ?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mưa lớn ở các tỉnh miền Bắc những ngày qua đã khiến nhiều nơi ngập sâu, nhiều tuyến giao thông bị chia cắt, các phương tiện di chuyển khó khăn, tầm quan sát hạn chế khiến dễ xảy ra va chạm, đâm vào các công trình trên đường. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa nhận thức rõ những nguy hiểm tiềm tàng khi tham gia giao thông mùa mưa, lũ, từ đó dẫn đến nguy cơ gây tai nạn.
Mưa lớn trong những ngày qua khiến các con đường tại Hà Nội rơi vào tình trạng ngập sâu, phương tiện khó di chuyển.
Mưa lớn trong những ngày qua khiến các con đường tại Hà Nội rơi vào tình trạng ngập sâu, phương tiện khó di chuyển.

Nguy hiểm khi đi qua đường ngập nước

Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của mưa lớn trên diện rộng, tại Thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền Bắc như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… đã gặp phải tình trạng đường ngập sâu cục bộ, khiến các phương tiện di chuyển khó khăn. Một trong những trường hợp nặng nhất có thể kể tới cơn mưa vào sáng 23/5 đã khiến nhiều đoạn đường tại Hà Nội bị ngập sâu, đặc biệt đoạn giao nối đường Lê Trọng Tấn ra đại lộ Thăng Long nước ngập sâu 20-30cm, có chỗ đến 40cm, dẫn đến các phương tiện không thể di chuyển được.

Theo Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an, trong mùa mưa bão, tình hình lưu thông khá phức tạp, do đó công an các địa phương cần có phương án chuẩn bị tốt để giảm thiểu ùn tắc, tai nạn liên quan đến thiên tai. Cảnh sát giao thông phối hợp với các lực lượng làm cọc tiêu sống hướng dẫn các phương tiện đi qua các quốc lộ, các địa điểm bị ngập, hỗ trợ người dân tham gia giao thông hiệu quả.

Vào cao điểm mùa mưa nhiều khu dân cư, tuyến đường không tránh khỏi ngập nước sau những trận mưa lớn. Trong nội thành, nhiều tuyến phố thường bị ngập sâu từ 20-30cm do mưa lớn có thể kể tới Thụy Khuê, ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Phùng Hưng, Nguyễn Hữu Huân, Đường Thành, Nguyễn Khuyến, Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh... Tình trạng ngập lụt đã khiến nhiều phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy di chuyển khó khăn, ô tô có thể bị chết máy giữa đường. Nhiều người bị ngã, không làm chủ được phương tiện, gây nguy hiểm. Một số khu vực có dòng nước chảy xiết, có thể cuốn cả người và xe khi tham gia giao thông.

Trong điều kiện thời tiết thất thường như mưa bão, tại một số tỉnh, thành còn gặp thêm hiện tượng thủy triều dâng, người điều khiển phương tiện giao thông phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm, nguy cơ mất an toàn khi lưu thông trên đường ngập nước. Bất lợi nhất chính là việc bị hạn chế tầm nhìn. Vì không nhìn rõ các phương tiện giao thông khác, không nhìn rõ mặt đường, nhiều người lái chỉ chạy xe theo cảm tính, tiềm ẩn nhiều nguy cơ va chạm hoặc đâm vào các công trình khác trên đường.

Đừng chết vì bất cẩn

Mặc dù các cơ quan chức năng đã khuyến cáo người dân phải cẩn thận, kiên nhẫn và tuân thủ những tín hiệu, biển báo giao thông nhưng có nhiều người vẫn tỏ ra bất cẩn với sự an toàn của bản thân và người xung quanh.

Đơn cử, theo khuyến cáo của Công an TP Hà Nội, người dân khi ra đường cần chú ý quan sát các biển báo trên đường, nhất là biển báo nguy hiểm, biển báo dừng xe và các chướng ngại vật trên đường để kịp thời xử lý các sự cố, tránh gây tai nạn. Đồng thời, nên chú ý quan sát các chướng ngại vật trên đường để kịp thời xử lý bởi trong những ngày gió lớn, nhiều biển bạt, mái tôn, cành cây có thể bị rơi xuống lòng đường... cũng là mối nguy hiểm tiềm tàng. Quan sát đường đi của xe trước để có thể chủ động tránh những bất trắc mà xe trước đã gặp phải.

Tuy nhiên, do một số người tham gia giao thông không tuân thủ, thiếu ý thức, đã khiến xảy ra những vụ va chạm, vụ ùn tắc kéo dài trên một số tuyến đường, mất hàng giờ để giải tỏa. Đơn cử, vụ việc nhiều ô tô và hàng trăm xe máy tràn sang làn ngược chiều lối lên cầu Vĩnh Tuy vào thời điểm mưa trút nước sáng ngày 23/5 đã khiến dòng xe cộ đi đúng chiều phải “chết cứng” tại chỗ vì không di chuyển được trong một thời gian dài.

Nhiều nguyên tắc đi đường ngày mưa bão rất quan trọng nhưng thường bị mọi người xem nhẹ. Một trong những điều cần tuyệt đối tránh, đó là cố gắng đi nhanh để đến địa điểm sớm nhưng nhiều người vẫn đi nhanh, vượt ẩu để tránh mưa. Tốc độ cao khiến sức gió thổi lớn hơn và khiến người điều khiển phương tiện giao thông không kịp điều chỉnh tay lái trong những trường hợp khẩn cấp. Đây được đánh giá là nguyên tắc đi đường ngày mưa bão cơ bản nhất.

Một lưu ý cơ bản khác mà nhiều người không để ý đó chính là việc chọn và cách mặc áo mưa. Cơ quan chức năng khuyến cáo nên mặc áo mưa sáng màu, gọn gàng, tuyệt đối không sử dụng ô khi lái xe. Nhiều người khi mặc áo mưa kiểu chui đầu thường không chú ý đến vạt áo phía sau, trong thời tiết mưa bão, gió giật mạnh, không chỉ khiến người đi sau mất tầm nhìn mà còn có thể mắc vạt áo vào trong bánh xe hoặc các phương tiện khác.

Bên cạnh việc tuân thủ pháp luật về giao thông, người dân còn cần trang bị cho bản thân những kiến thức cơ bản khi di chuyển trong mùa mưa, lũ, tránh xảy ra những tai nạn không đáng có. Đơn cử, tránh đi trên cầu cao vào những ngày mưa gió giật mạnh bởi sức gió có thể khiến người lái không làm chủ được tay lái; tránh băng qua cống nước vì đã có nhiều trường hợp sụt chân xuống lỗ cống và bị nước cuốn trôi; luôn bật đèn xe, chú ý điều chỉnh tốc độ ổn định, không nên bật đèn pha khi có xe chạy đối diện vì nó sẽ gây nguy hiểm cho cả hai khi lưu thông,…

Khi điều khiển phương tiện xe máy, người lái còn cần chú ý tránh những khu vực tiềm ẩn nguy hiểm như: khu vực lũ, sát lề đường, vị trí nằm giữa các tòa nhà cao tầng, dưới gốc cây to, các khu vực có công trường thi công, khu vực gần các loại xe cỡ lớn như xe buýt, xe tải, xe chở rác…

Đọc thêm