Việt Nam không nằm ngoài “bản đồ nhức nhối” đó. Thậm chí, Việt Nam là quốc gia thứ 4 trên thế giới xả nhiều RTN ra đại dương. Tháng 8/2018, từ Hà Nội, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng (tên gọi khác là Lekima Hùng, quê ở Hà Nội) đã thực hiện chuyến hành trình rong ruổi bằng xe máy từ Bắc vào Nam, qua 39 tỉnh, thành (trong đó có 28 tỉnh, thành ven biển). Chuyến đi kéo dài 43 ngày, anh đã quay và chụp nhiều thước phim cùng hơn 3.000 tấm ảnh ghi lại tình trạng ô nhiễm môi trường do RTN gây ra. “Tôi đã sốc với biển rác dài cả cây số”, ông Hùng thảng thốt.
Cũng năm 2018, chính xác là ngày 4/7, Báo PLVN đã có bài “Thảm họa trắng” nói về RTN do thói quen sử dụng túi ni lông và hành vi “bạc đãi” môi trường của người Việt Nam.
Ở đây, ít nhất có ba vấn đề nổi lên: 1. Hành vi vất RTN ra môi trường – để thay đổi, phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng; 2. Đồ nhựa/túi ni lông dùng một lần hiện nay rất tiện ích trong đời sống, sinh hoạt của người dân, đơn giản như khi đi chợ… khắp cả nước ở đâu cũng có, người nào cũng dùng – để thay đổi phải có sản phẩm thay thế; 3. Quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường do RTN - nhất là sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân huỷ, là vấn đề rất lớn của Việt Nam không chỉ với tư cách là quốc gia biển mà còn là nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam với thế giới.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, gợi ý: “Hãy nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường và được sản xuất tại địa phương”. Rõ ràng, sản xuất ra các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa cho dân có ý nghĩa căn bản. Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường do RTN đã quan trọng, nhưng quan trọng hơn là cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa.