Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan chủ trì Hội thảo, tham dự có lãnh đạo các đơn vị của Bộ, đại diện đại sứ quán Hàn Quốc, Nhật Bản tại Việt Nam, Sở LĐTBXH các tỉnh phía Bắc và các tỉnh miền núi phía Bắc, đại diện Tổ chức IM Japan( Nhật Bản); Tổ chức HRD Korea, (Chương trình EPS).
|
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan (thứ hai từ trái sang) và lãnh đạo Cục Quản lý lao động nước ngoài, Cục Việc làm chủ trì hội thảo (Ảnh: Nguyễn Sơn, Báo DT) |
Theo báo cáo, Trung tâm Lao động ngoài nước (Trung tâm) được thành lập từ năm 2004, là đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH. Hiện nay, Trung tâm được giao thực hiện các Thỏa thuận quốc tế được Bộ ký kết với các Bộ, đối tác để đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, các chương trình đã và đang triển khai gồm: đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm của chính phủ Hàn Quốc từ năm 2004 (gọi tắt là Chương trình EPS);
Đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo Thỏa thuận với Tổ chức phát triển nhân lực quốc tế gọi tắt là Chương trình IM Japan; (3) đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản trong ngành hộ lý theo Thỏa thuận với Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka từ năm 2006 (gọi tắt là Chương trình Osaka);
Đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) theo chương trình tuyển mộ trực tiếp (gọi tắt là Chương trình Đài Loan); đi làm việc tại CHLB Đức theo Chương trình Hand in Hand for International talent (gọi tắt là Chương trinh Hand in Hand); đi học tập và làm việc tại Cộng hòa liên bang Đức trong ngành điều dưỡng theo thỏa thuận với Công ty TNHH Diễn đàn người cao tuổi – Vivantes.
Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã đưa được hơn 136.000 lượt người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các chương trình nêu trên. Các tỉnh miền núi phía Bắc có 41 trên tổng số 74 huyện nghèo, chiếm 55.40% của cả nước, trong đó một số tỉnh nhiều huyện nghèo như Hà Giang 7 huyện, Cao Bằng 7 huyện, Điện Biên 7 huyện, Lai Châu 4 huyện. Qua quá trình thúc đẩy lao động các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo tham gia các chương trình phi lợi nhuận do Trung tâm Lao động ngoài nước thực hiện có thể thấy, công tác tạo việc làm cho người lao động thuộc các huyện nghèo, đối tượng chính sách luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, các địa phương phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi thông qua các chính sách, chương trình hỗ trợ tín dụng, tư vấn tiếp cận các Chương trình, thị trường phù hợp.
|
Quan tâm triển khai hướng nghiệp để người lao động yên tâm khởi nghiệp sau khi về nước. Ảnh minh hoạ - Nguồn: baochinhphu.vn |
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó nổi cộm tình trạng cư trú bất hợp pháp dù đã có sự chuyển biến, giảm về số lượng và tỷ lệ tuy nhiên mức giảm chưa bền vững, chưa xuống mức cam kết, một số địa phương trọng điểm của khu vực miền Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Nam Định, Lạng Sơn....
Trong năm 2022 và 10 tháng đầu năm 2023 tỷ lệ hết hạn hợp đồng lao động không về nước còn cao hơn mức bình quân của cả nước và có dấu hiệu tăng trở lại.. Một trong những nguyên nhân là lao động đi làm việc ở nước ngoài hết hạn hợp đồng về nước lo lắng về cơ hội kiếm được việc làm, thu nhập phù hợp ở địa phương.
Vì thế, giải pháp đặt ra là các địa phương phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Trung tâm Lao động ngoài nước, trước hết là công tác thông tin các chính sách của địa phương đối với người lao động địa phương đi làm việc ở nước ngoài đặc biệt là đối với người lao động các huyện nghèo để Trung tâm phối hợp hỗ trợ kịp thời, đầy đủ.
Cục Việc làm, các Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường chất lượng tư vấn, kết nối cung cầu việc làm ngoài nước cho người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài thông qua các Chương trình của Trung tâm và phối hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm và hội chợ việc làm dành riêng cho đối tượng lao động đi làm việc ở nước ngoài hết hạn hợp đồng về nước.
Lao động khu vực miền núi phía Bắc, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số ít có xu hướng dịch chuyển ra khu vực thành thị tìm kiếm việc làm tại các khu công nghiệp mà thường sau khi hồi hương sẽ tiếp tục làm nông nghiệp tại quê hương. Do đó, Cục Việc làm, Trung tâm Lao động ngoài nước và các Sở LĐ-TB&XH quan tâm triển khai hướng nghiệp cho người lao động huyện nghèo làm việc trong ngành nông nghiệp học hỏi mô hình phù hợp trong thời gian làm việc tại Hàn Quốc để áp dụng, khởi nghiệp sau khi về nước.