Làm gì để phòng 'bom nổ chậm' trên tàu cá?

(PLO) - Mỗi năm, khoảng chục vụ cháy nổ tàu cá xảy ra trên biển. Cháy nổ tàu cá không chỉ gây thiệt hại lớn về người và tài sản mà còn dẫn tới nguy cơ tràn dầu gây ô nhiễm môi trường.
Nhiều vụ cháy tàu cá đã xảy ra gây thiệt hại nặng nề.
Nhiều vụ cháy tàu cá đã xảy ra gây thiệt hại nặng nề.

“Bom nổ chậm” trên tàu cá

Cả nước hiện có 128.000 tàu cá, trong đó tàu đánh bắt hải sản xa bờ là 24.000 tàu, với trên 400.000 người lao động trên biển. Một trong những rủi ro ngư dân phải đối mặt là cháy nổ tàu cá. Mỗi năm, cả nước xảy ra khoảng chục vụ cháy nổ tàu cá làm tàu bị chìm hay phá hủy hoàn toàn, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng, nhiều người mất mạng. 

Sáng 18/3/2016, tàu cá 96046TTH do ông Trương Viết Rơ (48 tuổi, ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) làm thuyền trưởng cùng 8 ngư dân đang trên đường về cảng Thuận An, huyện Phú Vang bất ngờ phát nổ. Hậu quả 2 người bị “thổi bay” xuống biển, 6 người khác bị thương phải đưa tới Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu. 

Cơ quan chức năng phát hiện 2 trong số 3 bình ắc quy của tàu đã nổ tung nên nguyên nhân cháy nổ tàu cá được xác định là do nổ bình ắc quy. Vụ cháy nổ tàu cá khiến gia đình ông Rơ mất gần 300 triệu đồng để sửa tàu và hơn 100 triệu chi phí thuốc thang cho các thuyền viên. Dù sao ông Rơ còn may mắn hơn nhiều chủ tàu khác vì với những chủ tàu bị cháy rụi hoàn toàn cả con tàu thì thiệt hại lên tới hàng tỷ đồng. 

Ngày 24/6/2016, khi đang hoạt động trên vùng biển cách đảo Hòn Thơm (Phú Quốc, Kiên Giang) 10 hải lý về phía Tây Nam thì tàu cá CM 98984TS do ông Nguyễn Thanh Nhã (ở huyện Sông Đốc, Cà Mau) làm chủ phát nổ, sau đó chìm xuống biển. Nguyên nhân là do máy tàu bị kẹt ga, không tắt được máy. Máy nổ lâu gây nóng, phát nổ khiến 3 ngư dân văng xuống biển mất tích, 4 người khác bị thương nặng. 2 ngày sau, lực lượng cứu hộ mới vớt được 2 thi thể ngư dân bị nạn trong ca bin của tàu tai nạn. 

Những vụ tai nạn nổ bình gas trên tàu cá liên tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn cháy nổ, khi sử dụng gas trên biển đối với bà con ngư dân. Một vấn đề không mới nhưng đại đa số bà con ngư dân ít quan tâm khi ra khơi. Khoảng 20 năm trở lại đây ngư dân bắt đầu chuyển sang dùng gas để nấu ăn trên tàu cá và thường đưa nhiều bình gas lên tàu để phục vụ nấu ăn trong quá trình đánh bắt xa bờ.

Đa phần các tàu cá đều trang bị các bình gas loại 12kg để sử dụng cho việc nấu ăn trên biển. Có tàu mang theo 4 - 6 bình gas được cột thành “chùm” trên ca bin tàu, phơi sương phơi nắng, có bình đã hoen gỉ do tiếp xúc nhiều với nước biển. Khi đun nấu giữa biển, sóng nước lên xuống, mất thăng bằng nên dễ dẫn đến cháy nổ. Mặt khác, các bình gas, bếp gas, van và các ống nối dẫn gas trên tàu rất dễ bị gỉ sét do bị nhiễm mặn, làm rò rỉ gas. Đã có nhiều vụ cháy nổ tàu cá là do bình gas xì hơi hay phát nổ.

Ngày 24/8/2015, khi đang đánh bắt trên vùng biển Tây Nam Côn Đảo, tàu cá TV 94066TS của ông Đồ Văn Út (ở thị trấn Định An, huyện Trà Cú, Trà Vinh) đã bốc cháy dữ dội rồi chìm xuống biển, 3 thuyền viên trên tàu bị bỏng nặng. Biển động, sóng to, gió lớn khiến bình gas loại 12 kg của tàu bất ngờ bị rơi xuống hầm máy. Do va đập mạnh, bình gas xì hơi rồi bốc cháy dưới sức nóng của ống khói máy tàu. Lửa lan nhanh ra các thùng phuy đựng dầu gây cháy dữ dội làm 3 thuyền viên bị bỏng nặng phải nhảy xuống biển thoát thân, sau đó được một tàu cá khác cứu vớt  kịp thời. Sau 4 giờ cháy, con tàu bị thiêu rụi và chìm hoàn toàn. Tổng thiệt hại vụ cháy tàu ước tính khoảng 7 tỉ đồng. 

Rạng sáng ngày 16/9/2015, trên hành trình vào bờ, cách Côn Đảo 30 hải lý, tàu cá BV 97799TS do bà Phạm Thị Ngọc (SN 1975, ở phường 2, TP Vũng Tàu) làm chủ phát nổ như bị đánh bom làm 15 trong tổng số 18 ngư dân thiệt mạng, tàu bị chìm.

Xử trí thế nào?

Trong đợt tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lí các hành vi vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên biển vừa qua, tổ nghiệp vụ của Chi cục Kiểm ngư số 2 đã chỉ ra nhiều sai phạm có nguy cơ dẫn tới cháy nổ của các tàu cá như: Hệ thống điện chưa bảo đảm, còn câu mắc tùy tiện, nguy cơ chập điện rất cao. Thiếu bình cứu hỏa, hoặc có bình cứu hỏa nhưng hết hạn sử dụng, thậm chí thuyền viên không biết sử dụng bình cứu hỏa. Ống xả của máy tàu không được quấn amiăng cách nhiệt, hoặc chưa có biện pháp cách nhiệt an toàn... nguy cơ cháy, nổ, mất an toàn lao động rất cao.

Báo cáo của Chi cục Kiểm ngư số 2 cho thấy: Nguyên nhân chính của các vụ cháy tàu, thuyền là do thuyền viên, nhân viên trên tàu thiếu kiến thức, có tư tưởng chủ quan dẫn tới vi phạm công tác an toàn phòng, chống cháy nổ như: hút thuốc, đun nấu ở những nơi dễ cháy, nổ; sử dụng điện, gas, xăng dầu tùy tiện, không đúng quy trình; không cắt cử người trực khi vận hành máy móc; không đề phòng cháy, nổ có thể xảy ra. Các tàu, thuyền thường hoạt động độc lập, xa bờ, vì vậy khi hỏa hoạn xảy ra việc hỗ trợ chữa cháy của các lực lượng chuyên trách, các tàu, thuyền xung quanh gặp rất nhiều khó khăn và thường để gây thiệt hại lớn.

Bên cạnh đó, cháy tàu, thuyền còn do chủ tàu chủ quan hoặc muốn cắt giảm chi phí, chưa đầu tư đúng mức về con người cũng như mua sắm, bổ sung trang thiết bị bảo đảm an toàn phòng chống cháy, nổ. Hệ quả của việc làm này là nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra do sự bất cẩn của con người và khi cháy tàu, các thủy thủ, nhân viên trên tàu chưa xử lý kịp thời, không có thiết bị chữa cháy phù hợp, hiệu quả.

Theo khuyến nghị của lực lượng kiểm ngư, để giảm thiểu nguy cơ cháy tàu, thuyền của ngư dân các cơ quan ban ngành chức năng cần phối hợp với các địa phương tích cực tuyên truyền và tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về “An toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy, nổ”; đồng thời mở các lớp tập huấn bồi dưỡng cho thủy thủ, thuyền viên kiến thức cần thiết về công tác phòng cháy, chữa cháy cũng như kỹ năng sống khi lao động trên biển. Các cơ quan đăng kiểm, bên cạnh việc kiểm tra chất lượng kỹ thuật các tàu cần chú trọng kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp không bảo đảm công tác an toàn phòng chống cháy, nổ. 

Các chủ tàu cần quan tâm đầu tư kinh phí để lắp đặt hệ thống điện, các vật liệu chống cháy, sơn phủ cách nhiệt tại các vị trí có nguy cơ cháy cao, thường xuyên luyện tập xử lý các tình huống cháy, nổ có thể xảy ra. 

Khi xảy ra sự cố, thuyền trưởng cũng như các thuyền viên cần bình tĩnh xác định vật liệu cháy để sử dụng phương tiện tại chỗ dập lửa. Trong trường hợp đám cháy phát triển rộng, ngoài tầm kiểm soát cần phát tín hiệu cứu nạn để kêu gọi sự hỗ trợ của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải trong khu vực và các tàu xung quanh.

Đọc thêm